Hành trình 4 năm nỗ lực thực hiện các khuyến nghị trên Công viên đá

08:14, 12/09/2018

BHG - Giống như các thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) trên thế giới, CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thực hiện kế hoạch xây dựng và phát triển theo giai đoạn 4 năm/lần. Là một trong những thành viên trẻ, Công viên đá của chúng ta còn phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, các khuyến nghị theo tiêu chí Mạng lưới CVĐCTC đặt ra, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Giai đoạn 2014 - 2018, Công viên đá thực hiện 16 khuyến nghị của Chuyên gia Mạng lưới. Trong đó tập trung vào các vấn đề như: Hoàn thiện hệ thống thông tin về Công viên; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản địa chất, văn hóa, xã hội bản địa; tạo sinh kế bền vững và tập trung trao quyền cho người dân địa phương; đảm bảo hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện, phù hợp với thiên nhiên và môi trường; chú trọng phát triển du lịch địa chất và mạng lưới đường mòn đi bộ Công viên địa chất gắn với phát triển đội ngũ hướng dẫn viên địa phương; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và sản phẩm địa phương, nâng cao chất lượng của các đối tác CVĐCTC; nâng cao nhận thức về Công viên thông qua giáo dục cộng đồng; tích cực tham gia và nâng cao vị thế thành viên trong Mạng lưới CVĐCTC...

Thị trấn Mèo Vạc ngày càng khang trang, trở thành nơi thu hút du khách trên Cao nguyên đá.                                          Ảnh: HUY TOÁN
Thị trấn Mèo Vạc ngày càng khang trang, trở thành nơi thu hút du khách trên Cao nguyên đá. Ảnh: HUY TOÁN

CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng nhiều loại hình di sản địa chất, di sản văn hóa, sinh học có giá trị. Từ năm 2014 đến nay, với nỗ lực chung, chúng ta đã điều tra, khảo sát, bổ sung tài liệu về giá trị di sản địa chất, văn hóa - xã hội và đa dạng sinh học; khoanh vùng ranh giới, xác định vị trí cắm mốc cho các cụm, điểm di sản, bàn giao cho chính quyền và cộng đồng địa phương quản lý, bảo vệ; các ngành chức năng đã xếp hạng được thêm 10 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Trong nỗ lực đẩy mạnh công tác thông tin, đến nay hệ thống thông tin về Công viên đã và đang được hoàn thiện một cách khoa học và đã hình thành 3 tuyến du lịch với 45 điểm. 4 trung tâm thông tin trong vùng Công viên và 1 trung tâm hỗ trợ du khách tại tỉnh được xây dựng, phát huy; các điểm di sản địa chất được mở cửa cho công chúng, có biển chỉ đường, biển báo đỗ xe, biển báo hướng; bản đồ du lịch, tài liệu hướng dẫn được xây dựng phục vụ khách tham quan. Hệ thống Bảo tàng tỉnh đến các trung tâm thông tin đều có các gian trưng bày thường xuyên với nhiều chủ đề về di sản Công viên đá. Tỉnh ta đã rất quan tâm xây dựng 21 điểm phát sóng wifi miễn phí trên vùng Công viên và thành phố Hà Giang phục vụ phát triển du lịch. Công tác quảng bá hoạt động du lịch vùng Công viên được quan tâm. Hình ảnh về Công viên đá được quảng bá rộng rãi trên các website của tỉnh, của 8 tỉnh Tây Bắc, các phương tiện thông tin đại chúng; BQL CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã tích cực quảng bá hình ảnh Công viên trên facebook và các mạng xã hội.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng cho nhân dân được quan tâm. Tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình tuyên truyền, huy động cả hệ thống chính trị cùng thực hiện tuyên truyền, xây dựng, bảo tồn các giá trị di sản Công viên đá. Các ngành, các địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, đặc biệt là tại các thôn, bản vùng sâu, xa, biên giới thông qua nhiều hình thức linh hoạt; qua đó, đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức người dân với nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển Công viên.

Trong nỗ lực nâng cao đời sống nhân dân vùng Công viên đá, những năm qua ngoài các chính sách đầu tư phát triển theo quy định của Nhà nước, tỉnh đã xây dựng được các mô hình kinh tế nông nghiệp trong vùng. Đồng thời tích cực tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống cây, con cho người dân trong vùng; đẩy mạnh luân canh tăng vụ, tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác, xây dựng các mô hình chăn nuôi vệ sinh, an toàn; Chương trình xây dựng Nông thôn mới trong vùng đang được đẩy mạnh với nhiều kết quả tích cực. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ không ảnh hưởng tiêu cực đến các di sản, cảnh quan Công viên; thúc đẩy phát triển các làng nghề truyền thống, các sản phẩm đặc trưng bản địa...

Đáp ứng yêu cầu về xây dựng và phát triển CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn theo tiêu chí của Mạng lưới, ngày 13.10.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc thành lập BCĐ Phát triển du lịch và Công viên địa chất - Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang bao gồm 35 thành viên và ban hành Quy chế hoạt động của BCĐ để tập trung chỉ đạo mạnh mẽ việc xây dựng và phát triển Công viên đá theo tiêu chí của UNESCO.

Có thể khẳng định, giai đoạn 2014 - 2018, được sự quan tâm lớn của Chính phủ, sự hỗ trợ của Mạng lưới CVĐCTC, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã thúc đẩy mạnh việc xây dựng, bảo tồn và phát triển, giúp Công viên đá hoàn thành tốt nhiều nội dung theo tiêu chí của Mạng lưới. Chúng ta có quyền tự hào khi Công viên đá dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nét đẹp nổi bật đã và đang được lan tỏa rộng trên toàn cầu. Việc xây dựng CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá đã góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH, có tác động tích cực đến cuộc sống người dân ở 4 huyện Cao nguyên đá nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.

Để tiếp tục phát huy các giá trị của Công viên đá, đáp ứng các tiêu chí, khuyến nghị của Mạng lưới CVĐCTC và nhu cầu phát triển KT-XH, rất cần có sự quan tâm, chung tay xây dựng của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư. Trên cơ sở đó, cần tiếp tục thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng du lịch theo Quy hoạch CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn được Chính phủ phê duyệt; cần có nghiên cứu chính sách hỗ trợ chất lợp truyền thống cho hộ nghèo để thay thế chất lợp phi - bro xi-măng; thực hiện Dự án Nâng cấp hạ tầng và nước sạch vùng Cao nguyên đá Đồng Văn; xây dựng Dự án Bảo tàng thiên nhiên cơ sở trái đất; nâng cấp, sửa chữa, cải tạo các trung tâm thông tin trong vùng... Tiếp tục thực hiện tốt sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong quản lý xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của Công viên đá và các điểm du lịch nổi bật; khai thác giá trị của di sản địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học để phục vụ phát triển du lịch. Chủ động tạo môi trường thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch và các điểm du lịch nổi bật.    

NGUYỄN THANH GIANG (Phó trưởng BQL CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn)

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kỳ vọng từ OCOP

BHG - Từ nay đến năm 2020, tỉnh ta sẽ lựa chọn, hoàn thiện, nâng cấp 80 - 100 sản phẩm thế mạnh nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có của các địa phương; có ít nhất 3 sản phẩm 5 sao cấp tỉnh, 2 sản phẩm 3-5 sao cấp quốc gia; có 700  - 900 sản phẩm, tạo ra 150 - 200 tổ chức kinh tế OCOP ở thời điểm năm 2030... Mục tiêu trên đang được các cấp, ngành, chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai, nhằm hiện thực hóa Đề án Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2030 (OCOP).

12/09/2018
Hội thảo Kế hoạch đầu tư Chiến lược phát triển chuỗi giá trị cá Đặc sản tỉnh Hà Giang

BHG - Ngày 11.9, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức Hội thảo Kế hoạch đầu tư Chiến lược phát triển chuỗi giá trị cá Đặc sản tỉnh Hà Giang. Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan; Ban thực thi CPRP (Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa); Trung tâm Thủy sản; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

11/09/2018
Hiệu quả hoạt động Nhóm sở thích nuôi vịt Bầu cổ ngắn thôn Tân Tiến, xã Phương Độ

BHG - Để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng phát huy thế mạnh tại địa phương, Hội Nông dân xã Phương Độ, thành phố Hà Giang đã lựa chọn và triển khai mô hình Nhóm sở thích chăn nuôi vịt Bầu cổ ngắn theo hướng hàng hóa, với 7 hộ tham gia tại thôn Tân Tiến. Theo đó, các hộ trong nhóm được đầu tư 50 triệu đồng tương đương 1.100 con vịt giống (vốn đầu tư có thu hồi).

11/09/2018
Hoàng Su Phì đẩy mạnh phát triển cây ăn quả bản địa

BHG - Là huyện vùng cao núi đất phía Tây của tỉnh, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trồng các loại cây ăn quả bản địa có giá trị kinh tế cao như lê, mận Máu. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã tập trung chỉ đạo nhân dân mở rộng diện tích, quy hoạch vùng trọng điểm phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; góp phần thúc đẩy KT – XH địa phương phát triển.

11/09/2018