Chung tay gỡ khó cho vùng rau công nghệ mới ở thành phố Hà Giang

14:19, 14/09/2018

BHG - Cuối năm 2016, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Côn Hà, nay đổi tên thành Công ty TNHH ALDARA (Hà Nội), là doanh nghiệp (DN) đầu tiên đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương, từ chính sách thu hút đầu tư của cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Giang (TPHG). Qua đó, kỳ vọng tạo nên bước đột phá trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất (SX), hình thành mô hình điển hình trong vành đai thực phẩm an toàn, chất lượng của thành phố, gắn với tổ chức lại SX cho nông dân… Song, để chặng đường từ kỳ vọng đến triển vọng vẫn rất cần sự nỗ lực và chung tay gỡ khó của các bên liên quan.

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH ALDARA tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH ALDARA tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện mô hình liên kết ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào SX nông nghiệp tại thôn Tiến Thắng (xã Phương Thiện), UBND TPHG đã có cơ chế đặc thù, hỗ trợ DN. Trong thời gian 5 năm thuê đất (tháng 11.2016 – 11.2021) để SX kinh doanh/quy mô 4,188 ha, DN được UBND TPHG hỗ trợ tiền thuê đất 2 năm đầu với tổng số tiền trên 363 triệu đồng; được tiếp cập nguồn vốn vay 250 triệu đồng trong 1 năm, theo hình thức đầu tư có thu hồi. Sau 3 tháng đầu tư cơ sở hạ tầng, tháng 2.2017, DN hoàn thiện nhiều hạng mục quan trọng để SX rau, củ, quả ứng dụng công nghệ mới theo hướng hữu cơ; sử dụng màng phủ nông nghiệp trong canh tác. Trong đó, có 1 ha/17 nhà màng, sử dụng khung thép, mái lợp nilon, có hệ thống thu hoạch bằng ròng rọc, hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và được lắp camera quan sát. Bên cạnh đó, DN cũng xây dựng khu nhà lưới chắn côn trùng với quy mô 0,34 ha... Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn TPHG: Diện tích SX trong nhà màng, nhà lưới đã hạn chế sâu, bệnh hại, cỏ dại, chống mưa, nắng, sương muối, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây; giảm lượng nước tưới, lượng phân bón, nâng cao năng suất cây trồng. Không những vậy, DN còn quy hoạch khu SX theo hướng luân canh nhiều chủng loại rau, củ, quả có giá trị như: Dưa lưới, đậu Hà Lan, dâu Tây, đậu Trạch... Qua đó, nâng hệ số sử dụng đất lên 5 lần/năm. Đặc biệt, sản phẩm của Công ty được cơ quan chuyên môn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và có địa chỉ nguồn gốc khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, DN còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 3,5 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù giành được kết quả trên, song thực tế SX của DN gặp không ít gian nan. Hiện nay, DN mới sử dụng 1,34 ha/4,188 ha đất thuê để SX nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Khu SX ngoài trời hơn 2,8 ha chưa được đầu tư áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới. Trong đó, có đến 1,7 ha đất cằn cỗi, bạc màu buộc phải cải tạo đất lâu dài và mất thời gian khảo nghiệm, tìm cây trồng phù hợp. Hơn nữa, vị trí SX của Công ty là ruộng bậc thang, nhiều diện tích trũng, thường xuyên bị úng cục bộ nên cây trồng sinh trưởng kém. Trong khi đó, nhân dân có đất cho thuê không đồng ý để DN phá bờ, thửa nhằm san, gạt, cải tạo mặt bằng, dẫn đến khó khăn trong việc tạo luống, phân lô SX và tiêu thoát nước mùa mưa cũng như đưa cơ giới vào SX. Mặt khác, trong quá trình SX, gặp thời tiết bất thuận, mưa, kèm gió lốc, khiến 2.200 m2 nhà màng đổ sập, tốc mái nilon, hiện chưa khắc phục được. Điều này không chỉ khiến DN thiệt hại hàng trăm triệu đồng mà còn mất trắng trên 5 tấn dưa lưới đang thời kỳ thu hoạch và nhiều tấn rau, củ, quả khác… Do vậy, sau 16 tháng SX (từ tháng 2.2017 – 6.2018), Công ty mới xuất ra thị trường trên 53 tấn rau, củ, quả đạt doanh thu 599 triệu đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch SX hàng năm DN xây dựng, dự kiến sản lượng các loại rau, củ, quả đạt gần 98 tấn với tổng doanh thu trên 1,9 tỷ đồng/năm…

Chia sẻ thêm về những khó khăn trên, anh Trương Anh Minh, Giám đốc Chi nhánh ALDARA tại Hà Giang cho biết: Hiện Công ty chưa thực hiện đầy đủ phương án, kế hoạch SX theo hợp đồng đã ký với chính quyền sở tại. Do thời gian thuê đất ngắn, chưa đủ thu hồi vốn, trong khi tổng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng của Công ty đến thời điểm này đã lên đến gần 3,2 tỷ đồng. Do vậy, Công ty chưa thể đầu tư tài sản trên đất để xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố phục vụ SX lâu dài như: Mở rộng diện tích nhà màng, xây dựng nhà sơ chế, bảo quản rau, nhà giới thiệu, trưng bày sản phẩm, xây dựng khu SX làm mẫu, trình diễn cho việc tham quan, học tập. Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng Công ty cam kết với chính quyền địa phương quyết tâm khắc phục khó khăn, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Để làm được điều này, Công ty mong muốn UBND TPHG tạo điều kiện kéo dài thời gian thuê đất, tối thiểu 10 năm thay vì 5 năm như hiện nay. Hoặc cho phép Công ty thỏa thuận mua lại toàn bộ diện tích đất đã thuê của người dân để yên tâm đầu tư tài sản trên đất, trở thành Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, định hướng SX hữu cơ. Đồng thời, mong muốn cơ quan hữu quan tuyên truyền, vận động nhân dân cho Công ty san, gạt bờ ruộng, cải tạo mặt bằng, đảm bảo tiêu thoát nước và đưa cơ giới vào SX…

Với quyết tâm vượt khó của DN cùng sự tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cơ quan hữu quan, hy vọng, hoạt động SX của DN sớm trở thành điển hình trong việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào SX, theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, có sự liên kết của DN. Đi liền với đó là đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với tổ chức lại SX cho nông dân…

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh

BHG - Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra; đây là loại vi rút có độc lực cao, lây lan nhanh, khiến 100% lợn bị nhiễm tử vong và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với  trên 500 nghìn con lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, xuất hiện 14 ổ dịch ở 6 tỉnh (An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy.

14/09/2018
Sản phẩm Lá đắng của HTX Nông nghiệp Nam Hà dần có thị trường tiêu thụ ổn định

BHG - Năm 2009, Hợp tác xã (HTX) Nam Hà, xã Nà Khương (Quang Bình) được thành lập với 17 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, HTX luôn hoạt động ổn định và chủ yếu tập trung trồng cây Lá đắng, chè xanh, Cọ và một số loài cây khác hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Hiện nay, HTX trồng được hơn 8,5 ha Lá đắng, 4 ha chè, 2 ha cây cọ...Lá đắng là loài rau, ưa ẩm, chủ yếu trồng dưới các tán cây lớn trong rừng, không cần bón phân nhiều. Ông Lùng Văn Trung, Ban Quản trị HTX Nông nghiệp Nam Hà chia sẻ: Lá đắng là cây trồng chủ lực của HTX...

14/09/2018
Bảo tồn, phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Lũng Phìn

BHG - Xã Lũng Phìn (Đồng Văn) có điều kiện tự nhiên, khí hậu mát mẻ, thích hợp với cây chè. Vì vậy, từ xa xưa, người dân nơi đây đã trồng được giống chè Shan tuyết mang hương vị đặc trưng của vùng núi đá. Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, với nhiều giải pháp cụ thể như: Bảo tồn giống chè, cải tiến kỹ thuật sao chè, đảm bảo hương vị và chất lượng sản phẩm đầu ra đã giúp thương hiệu chè Shan tuyết Lũng Phìn giữ vững, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.

 

13/09/2018
Cục Hải quan nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách

BHG - Tính đến cuối tháng 8, số thu ngân sách nhà nước Cục Hải quan Hà Giang thực hiện đạt khoảng 70% kế hoạch. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, công chức Hải quan, bởi lẽ các yếu tố quan trọng, thúc đẩy tăng nguồn thu thuế xuất, nhập khẩu (XNK) trên địa bàn tỉnh không nhiều và đang có xu hướng giảm.

 

13/09/2018