Bắc Quang, tín hiệu vui bên bờ Đông sông Lô

07:53, 04/09/2018

BHG - Trước thực tế 9 xã phía bờ Đông sông Lô phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; một nghị quyết quan trọng của cấp ủy huyện Bắc Quang kịp thời ra đời. Sau hơn 2 năm triển khai, Nghị quyết số 06 về phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây dược liệu và rừng sản xuất ở các xã bờ Đông sông Lô, giai đoạn 2016 – 2020 của BCH Đảng bộ huyện Bắc Quang như cánh én mang mùa Xuân về cho bà con nhân dân trong vùng…

Một trong những nội dung quan trọng Nghị quyết số 06 hướng đến chính là phát triển sản xuất hàng hóa với các sản phẩm có thế mạnh, phù hợp với trình độ canh tác của người dân và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các xã vùng Đông sông Lô gồm: Bằng Hành, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Đức Xuân, Hữu Sản, Kim Ngọc, Liên Hiệp, Thượng Bình và Vô Điếm thông qua phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, trồng cây dược liệu, rừng sản xuất và tổ chức lại sản xuất cho nhân dân. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang: Chăn nuôi đại gia súc tại các xã vùng Đông sông Lô hiện có bước tiến lớn cả về lượng và chất. Từ chỗ chăn nuôi đại gia súc lấy sức kéo, nay dần chuyển sang nuôi trâu sinh sản và vỗ béo lấy thịt; chuyển từ phương pháp chăn thả tự nhiên, sang hình thức bán chăn thả gắn với trồng cỏ làm thức ăn cho trâu, bò.

Ông Hoàng Văn Tồng, thôn Thượng, xã Đồng Tâm chăm sóc “đầu cơ nghiệp” của gia đình.
Ông Hoàng Văn Tồng, thôn Thượng, xã Đồng Tâm chăm sóc “đầu cơ nghiệp” của gia đình.

Cùng với đó, nhằm thúc đẩy chăn nuôi trâu, bò hàng hóa tại vùng Đông sông Lô phát triển, UBND huyện Bắc Quang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, điển hình như thụ tinh nhân tạo để nâng cao thể trạng, tầm vóc, giá trị đàn trâu. Nhờ vậy, nghé sơ sinh có tầm vóc vượt trội khoảng 30% so phương pháp thụ tinh truyền thống. Đồng thời, chu kỳ sinh sản của trâu nái rút ngắn từ 3 - 6 tháng nhờ áp dụng tiến bộ tiêm kích dục tố, nhằm kích thích trâu cái động dục để tiến hành thụ tinh nhân tạo. Không những vậy, chính quyền huyện còn giải ngân trên 7,4 tỷ đồng theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh cho 94 hộ mua 374 con trâu, bò. Qua đó, góp phần hình thành 114 gia trại, trang trại chăn nuôi trâu, bò tập trung theo phương pháp bán chăn thả và nuôi nhốt với quy mô từ 5 đến trên 20 con/hộ. Đặc biệt, để đảm bảo nguồn thức ăn cho đại gia súc, hàng trăm ha đất vườn, đồi tạp ít giá trị kinh tế, thậm chí đất sản xuất lúa không chủ động nước tưới, năng suất thấp được người dân cải tạo, chuyển sang trồng cỏ VA06, Ghi nê, cỏ Xả... theo hình thức thâm canh làm thức ăn cho trâu, bò; nâng diện tích cỏ toàn vùng lên 510 ha.

Đi liền với chăn nuôi đại gia súc, phát triển kinh tế vườn rừng vốn là tiềm năng, thế mạnh của các xã vùng Đông sông Lô khi sản lượng gỗ khai thác đạt 40 nghìn m3/năm, trữ lượng trên 80 m3/ha. Trước tầm quan trọng của nghề trồng rừng, đến nay, nhân dân các xã vùng Đông sông Lô đặc biệt quan tâm trồng rừng kinh tế; trồng rừng gắn với thâm canh để tăng năng suất trong chu kỳ khai thác. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06, diện tích rừng trồng mới toàn vùng đạt 3.479,2 ha. Đặc biệt, năm 2016, trên nghìn ha rừng thuộc các xã bên bờ Đông sông Lô được cơ quan chuyên môn cấp Chứng chỉ rừng FSC. Đây là tiền đề quan trọng hướng đến mục tiêu quản lý rừng bền vững cả về KT-XH và môi trường. Bên cạnh kết quả này, để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, khai thác hiệu quả diện tích đất dưới tán rừng; nhân dân tích cực cải tạo vườn, đồi tạp sang trồng cây dược liệu, giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn vùng đã trồng mới 93,9 ha Quế và 23 ha Nghệ...

Gắn liền với những nhiệm vụ trên, việc tổ chức lại sản xuất cho nhân dân là yêu cầu cấp thiết để chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị sản phẩm. Theo đó, các xã vùng Đông sông Lô đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT)… để liên doanh, liên kết từ đầu vào sản xuất đến đầu ra của sản phẩm. Trong 2 năm qua, toàn vùng thành lập 16 THT, 3 HTX và 1 doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Trong đó, tiêu biểu như: HTX Thanh niên Khởi nghiệp 279 (xã Liên Hiệp); THT chăn nuôi trâu thương phẩm thôn Pù Đồn và THT chăn nuôi trâu sinh sản thôn Chàm (xã Đồng Tiến); THT trồng Keo thôn Khuổi Lý (xã Thượng Bình). Đặc biệt, Công ty TNHH Pháo Nhung (xã Kim Ngọc), đảm nhận bao tiêu nguyên liệu gỗ cho các xã phía Đông sông Lô… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX, THT được các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã quan tâm, đầu tư, hỗ trợ vay vốn lên tới hàng tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Trong đó, Công ty TNHH Pháo Nhung được vay 2,2 tỷ đồng; HTX Thanh niên Khởi nghiệp 279 được vay 500 triệu đồng không lãi suất; các THT được hỗ trợ từ 80 -100 triệu đồng…

Những kết quả trên là minh chứng sinh động, khẳng định Nghị quyết số 06 thực sự đi vào cuộc sống, đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và giảm nghèo bền vững tại 9 xã bên bờ Đông sông Lô.           

Bài, ảnh:  THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người dân thôn Mua Lài Lủng sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng

BHG - Thôn Mua Lài Lủng, xã Pải Lủng (Mèo Vạc) có 56 hộ thì có tới 35 hộ nghèo. Những năm qua, xã Pải Lủng đã quyết liệt chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và cán bộ phụ trách xuống từng thôn, bản tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) một cách hiệu quả. Thay vì trước đây, tiền chi trả DVMTR được chia cho từng hộ thì nay người dân đã dành để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng như: Nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn...

 

31/08/2018
Trưởng thôn gương mẫu, làm kinh tế giỏi

BHG - Gần 7 năm làm Trưởng thôn Xuân Phú, xã Yên Hà (Quang Bình), ông Hoàng Văn Nguyên luôn được bà con trong thôn và cán bộ xã tín nhiệm. Mọi người biết đến ông không chỉ là Trưởng thôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, mà còn là người gương mẫu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo vươn lên làm giàu tại quê hương.

 

31/08/2018
Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, wolfram, antimon đến năm 2025, có xét đến 2030

BHG - Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 956/QĐ-TTg, ngày 2.8.2018 về Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, wolfram, antimon đến năm 2025, có xét đến 2030. Theo Quyết định, Thủ tướng nêu rõ, phát triển thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, wolfram, antimon phù hợp với Chiến lược khoáng sản, quy hoạch phát triển KT-XH các địa phương; đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững; củng cố công tác QP-AN; đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia, địa phương, doanh nghiệp và dân cư trong vùng có dự án. 

31/08/2018
Mèo Vạc: Gặp mặt Hội doanh nghiệp trên địa bàn

BHG - Ngày 30.8, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mèo Vạc tổ chức gặp mặt Hội doanh nghiệp trên địa bàn. Đến dự có đồng chí Trần Quang Minh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; cùng các đồng chí Thường trực Huyện ủy, UBND huyện. Hội doanh nghiệp huyện Mèo Vạc hiện có 51 hội viên, trong đó có 21 Công ty TNHH 1 thành viên và 30 HTX. Trong 8 tháng qua, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện đã đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 92,2 tỷ đồng, trong đó có trên 90 tỷ từ thủy điện. 

31/08/2018