Xã Đản Ván đẩy mạnh công tác giảm nghèo

09:47, 14/08/2018

BHG - Chỉ đạo các ngành, đoàn thể tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển các cây, con thế mạnh; huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… là những giải pháp được cấp ủy, chính quyền xã Đản Ván (Hoàng Su Phì) đang nỗ lực triển khai nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo (XĐGN).

Xã Đản Ván có 450 hộ, 2.108 khẩu, gồm 2 dân tộc Nùng và Mông, sinh sống ở 8 thôn, bản. Với địa hình đồi, núi, chia cắt mạnh, đương giao thông đến các thôn, xóm gặp nhiều khó khăn, đất canh tác manh mún; trong khi đó, thu nhập của đại bộ phận nhân dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, với 56,2% hộ nghèo và 30,8% cận nghèo.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Vi Trung Luyến, Chủ tịch UBND xã Đản Ván cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã nhận rõ, thực trạng hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ cao do điều kiện địa hình, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí còn hạn chế, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất gặp nhiều khó khăn… Từ đó, địa phương xác định, công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân là việc làm quan trọng, cấp thiết nhất. Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế; lãnh, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những sản phẩm thế mạnh và xây dựng phương án cụ thể cho từng cây, con mũi nhọn…

Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho việc phát triển cây ăn quả, chính quyền xã tập trung hướng dẫn nhân dân mở rộng diện tích giống cây ăn quả bản địa, trong đó tập trung vào cây lê và mận Máu. Hiện nay, toàn xã có 49,3 ha cây ăn quả, 23,5 ha cho thu hoạch. Đối với những thôn vùng cao như Lủng Nàng, Lủng Khum, Thượng 3, khí hậu mát mẻ, chính quyền xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện hỗ trợ bà con về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lê, cây mận Máu nhằm phát triển bền vững cây ăn quả giống bản địa, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Đản Ván cũng nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây lê, cây mận Máu theo hướng hàng hóa, giai đoạn 2018 – 2020 của huyện Hoàng Su Phì. Như vậy, người dân sẽ được huyện hỗ trợ 100% giống lê, mận; hỗ trợ chi phí xây dựng mô hình, hướng dẫn kỹ thuật trồng, tỉa cành, tạo tán… “Xã sẽ tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án của huyện để mở rộng diện tích cây lê, mận lên 65 ha vào năm 2020, nhằm tạo thu nhập ổn định cho người dân, giúp các hộ thoát nghèo bền vững” – Chủ tịch UBND xã Đản Ván, Vi Trung Luyến cho biết thêm.

Bên cạnh cây ăn quả, đậu tương cũng được xác định là cây mũi nhọn của Đản Ván. Toàn xã hiện có 150 ha đất trồng đậu tương 2 vụ. Chính quyền địa phương đang vận động nhân dân đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng; vận động nhân dân sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.

Chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ cũng được cấp ủy, chính quyền xã Đản Ván xác định là hướng đi chính để giúp người dân nâng cao thu nhập, XĐGN. Từ đầu năm đến nay, nhân dân trồng mới được 5 ha cỏ, nâng diện tích cỏ toàn xã lên 147 ha. Tổng đàn trâu, bò đạt gần nghìn con. Chính quyền xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận với chính sách Nghị quyết số 209 và 86 HĐND tỉnh để mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự lãnh, chỉ đạo kịp thời, sâu sát, trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2017, Đản Ván giảm được 5,5% tỷ lệ hộ nghèo. Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, chính quyền xã đặt mục tiêu, mỗi năm giảm ít nhất 5% hộ nghèo trở lên, cùng với đó là đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, từng bước tạo sinh kế bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, XĐGN cho người dân.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trần Văn Thoại với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp

BHG - Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, thanh niên Trần Văn Thoại (sinh 1984) ở thôn Hạ Đông, xã Bằng Lang (Quang Bình), đã khởi nghiệp thành công với mô hình kinh tế tổng hợp vườn – ao – chuồng (VAC), cho thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2003, chàng trai trẻ Trần Văn Thoại xin đi nghĩa vụ quân sự và xuất ngũ sau ba năm tôi luyện trong môi trường Quân đội. Với mong muốn tích cóp vốn để phát triển kinh tế, anh đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Sau 7 năm lao động chăm chỉ ở xứ người, trở về quê nhà...

14/08/2018
Nữ đoàn viên làm kinh tế giỏi

BHG - Nguyễn Thị Mai (sinh 1991), trú tại thôn Tân Lập, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên), là một đoàn viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Dám nghĩ, dám làm; với tinh thần tuổi trẻ xung kích, Nguyễn Thị Mai đã mạnh dạn đầu tư và phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang, Mai lập gia đình và bắt tay vào phát triển kinh tế nông nghiệp với mô hình vườn, ao, chuồng trên chính diện tích đất của gia đình...

14/08/2018
Trồng rau an toàn trong nhà lưới ở Quản Bạ

BHG - Trước nhu cầu sử dụng rau sạch của thị trường, đồng thời phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương; huyện Quản Bạ đã đẩy mạnh vận động nhân dân trồng rau trong nhà lưới, hướng tới sản xuất rau an toàn (RAT) và tạo hướng đi vững chắc cho ngành Nông nghiệp. Theo Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, Mùng Xuân Huynh, thực hiện Dự án sản xuất RAT theo chuỗi giá trị vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2017-2020; huyện đã hỗ trợ người trồng rau làm thí điểm 2 nhà lưới ở thôn Nậm Lương và Bó Lách thuộc xã Quyết Tiến

13/08/2018
Bắc Quang phát triển vùng chuyên canh rau an toàn

BHG - Mặc dù, trên địa bàn huyện phong trào chuyên canh rau an toàn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Song, phương thức này đã và đang tạo bước chuyển quan trọng trong sản xuất rau trên địa bàn...

13/08/2018