Thị trấn Việt Lâm đa dạng hóa các ngành, nghề sản xuất

14:22, 07/06/2018

BHG - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) đã chú trọng đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng đổi mới.

Thành viên Hợp tác xã Chổi chít Việt Thành thực hiện công đoạn bó chổi.
Thành viên Hợp tác xã Chổi chít Việt Thành thực hiện công đoạn bó chổi.

Về thị trấn Việt Lâm những ngày này, có thể dễ dàng nhận thấy bộ mặt đô thị nơi đây có sự đổi thay đáng kể, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Có được những đổi thay như vậy là nhờ sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thị trấn trong việc khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh, sản xuất.

Thị trấn Việt Lâm có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp nhờ diện tích đất canh tác, trồng cây lâu năm lớn. Chính quyền thị trấn đã tập trung chỉ đạo người dân đẩy mạnh phát triển cây ăn quả có múi như cam Sành, bưởi và thâm canh cây chè. Hiện, tổng diện tích cây ăn quả có múi của thị trấn trên 72 ha, trong đó có gần 20 ha cam, bưởi đang cho thu hoạch. Sau khi kết thúc niên vụ 2017 – 2018, thị trấn đang chỉ đạo các hộ đẩy mạnh chăm sóc cây sau thu hoạch, ứng dụng KHKT vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Cây chè cũng là một trong những cây trồng truyền thống, chủ lực của thị trấn Việt Lâm. Tổng diện tích chè trên địa bàn thị trấn hiện nay là 286 ha, trong đó 260 ha đang cho thu hoạch từ 5 – 6 lứa/năm, năng suất đạt 10 tấn/ha/năm; tổng sản lượng ước đạt 2.550 tấn chè búp tươi. Hiện, trên địa bàn có gần 20 máy chế biến chè mi-ni và 2 công ty chế biến chè. Các cơ sở này không chỉ tiêu thụ lượng lớn chè búp tươi trên địa bàn, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Xác định rõ vai trò của kinh tế tập thể với nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) trong việc tổ chức lại sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tiếp nhận chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chính quyền thị trấn đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thành lập và tham gia các HTX. Hiện nay, thị trấn có 6 HTX hoạt động trong các lĩnh vực: Sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, chế biến chè, vận tải, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng.

Đến thăm HTX Anh Hà, tại tổ 12, thị trấn Việt Lâm, sản xuất giống cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Trong năm 2017, HTX cung ứng ra thị trường trên 86 vạn cây giống các loại, tổng doanh thu ước đạt 500 triệu đồng. “Ngoài việc nhập cây giống từ Viện Nghiên cứu rau quả (Phú Thọ), HTX còn gieo ươm cây giống ngay tại vườn, tạo việc thường xuyên cho 7 – 10 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng” – Giám đốc HTX, Tạ Văn Hà cho biết. 

Với HTX Chổi chít Việt Thành, nơi tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 160 thành viên của thị trấn, là một trong những HTX đi đầu trong việc gìn giữ và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu chổi chít của tỉnh. Trong năm 2017, làng nghề chổi chít đã sản xuất hơn 1,5 triệu sản phẩm, lợi nhuận 2,4 tỷ đồng. Làng nghề tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất như máy vót mây, chẻ mây, lò sấy để giảm các công đoạn thủ công, tiết kiệm nguyên liệu, thời gian. Đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồ, Chủ tịch UBND thị trấn Việt Lâm cho biết: “Thời gian qua, chính quyền thị trấn đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích nhân dân đa dạng hóa các ngành, nghề sản xuất, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, thương mại để nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Nhờ vậy mà đến nay, thu nhập bình quân đầu người của thị trấn đạt 28 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn trên 5%, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể…”.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Liên Hiệp quyết tâm thoát nghèo

BHG - Bí thư Đảng bộ xã Liên Hiệp (Bắc Quang) Nông Hoàng Chương khoe khéo: Hết giờ làm việc, anh em mình đi ao nuôi cá đặc sản câu mấy con, làm mấy món, tối về uống rượu rồi đi xem đám "nam thanh - nữ tú" hát Lướn, hát Cọi cho đời... trẻ lại! …Hát Lướn, hát Cọi được xem là "hồn cốt" của đồng bào Tày, Nùng vùng Chiến khu Cách mạng Trọng Con. Nam, nữ đến tuổi trưởng thành thường lấy câu hát bày tỏ tình cảm. Người già, người lớn tuổi lấy câu hát để tâm tình.

31/05/2018
Phát huy hiệu quả hệ thống "Đèn cao áp nông thôn" tại xã Đạo Đức

BHG - Dọc Quốc lộ 2, đoạn từ km7 - km15 (Hà Giang – Tuyên Quang),  ta dễ dàng nhìn thấy những cột đèn nhỏ hai bên đường. Những cột đèn này, được người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) ví là những "Đèn cao áp nông thôn", bởi sự nhỏ gọn và tiện ích; những tia sáng nhỏ không chỉ mang đến cho riêng người dân nơi đây, mà còn có ý nghĩa với những phương tiện đi lại trên đoạn đường này.

 

31/05/2018
Dừng khai thác khoáng sản do Giấy phép khai thác hết hiệu lực

BHG- Ngày 5.6, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1954/UBND – KTN về việc dừng khai thác khoáng sản do Giấy phép khai thác hết hiệu lực. Dưới đây là toàn văn nội dung văn bản.

07/06/2018
Bắc Mê phát huy hiệu quả mô hình nuôi bò nhốt chuồng

BHG - Tận dụng đất trống để trồng cỏ và các phụ phẩm từ nông nghiệp, những năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở huyện Bắc Mê đã áp dụng mô hình nuôi bò nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế, vươn lên thoát nghèo.Nhận thấy việc nuôi bò theo phương pháp nhốt chuồng nhanh có hiệu quả, an toàn và dễ chăm sóc, ông Phùng Văn Biên, Bí thư Chi bộ thôn Bản Nầng, xã Yên Phong chia sẻ: "Để nêu gương đối với đảng viên và nhân dân, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ. 

07/06/2018