Phát triển kinh tế tập thể ở Yên Minh

08:36, 05/06/2018

BHG - “Dù có rất nhiều chính sách ưu đãi và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhưng đến nay, hầu hết các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển” - các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Minh thẳng thắn chia sẻ.

Nhận thức của một bộ phận người dân Yên Minh về tầm quan trọng liên kết sản xuất còn thấp khiến các hình thái kinh tế tập thể chưa phát triển.  Trong ảnh: Các hộ dân xã Ngam La tự chế biến chè và bán lẻ tại các phiên chợ.
Nhận thức của một bộ phận người dân Yên Minh về tầm quan trọng liên kết sản xuất còn thấp khiến các hình thái kinh tế tập thể chưa phát triển. Trong ảnh: Các hộ dân xã Ngam La tự chế biến chè và bán lẻ tại các phiên chợ.

Theo báo cáo của ngành chức năng, tính đến cuối năm 2017, huyện Yên Minh có 23 HTX, với tổng số 336 thành viên, số vốn hoạt động trên 56 tỷ đồng. Trong đó, có 10 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp; 4 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 1 HTX vận tải; 4 HTX thương mại dịch vụ và 4 HTX xây dựng. Ngoài ra, còn 92 Tổ hợp tác với 341 thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp.

Phó phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Yên Minh, Thiều Quang Hùng cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, hỗ trợ hoạt động của HTX, Tổ hợp tác, Nhóm sở thích trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp nhưng hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể này chưa thực sự phát huy hiệu quả và vẫn đang loay hoay tìm hướng đi. Anh Hùng dẫn chứng: Từ khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02 ngày 27.4.2014 về tổ chức lại sản xuất cho nông dân giai đoạn 2014 – 2020, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành hàng chục văn bản liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các hình thái kinh tế tập thể. Nổi bật trong đó là các quyết định về việc hỗ trợ 330 triệu đồng theo chính sách Nghị quyết số 47 và số 35 của HĐND tỉnh cho 7 HTX thành lập mới và 2 hộ kinh doanh trong năm 2016, 2017; hỗ trợ 200 triệu đồng cho 3 cơ sở, HTX đầu tư dây truyền công nghệ sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, mỗi quý Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của huyện đều tổ chức giao ban, đánh giá kết quả hoạt động; các ngành chức năng của huyện đã tổ chức tập huấn cho 40 cán bộ quản lý chủ chốt các HTX và cán bộ theo dõi về kinh tế tập thể của các xã, thị trấn; tập huấn cho 98 thành viên các Tổ hợp tác, Nhóm sở thích; phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức hội nghị cung cấp thông tin và đối thoại với các HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn…

 Tuy nhiên, năm 2017, toàn huyện có 6 HTX thành lập mới thì cũng có 6 HTX giải thể do không có hoạt động trên 12 tháng. Từ năm 2016 đến hết năm 2017, toàn huyện không phát triển thêm các Tổ hợp tác sản xuất nông - lâm nghiệp thôn bản. Dù có 14/23 HTX hoạt động hiệu quả nhưng chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và xây dựng, vận tải. Với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, phần lớn sản xuất, kinh doanh hiệu quả không cao, chưa đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên…

Những nguyên nhân, hạn chế về phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp do trình độ quản lý của các Giám đốc HTX chưa cao, còn thụ động, chưa theo kịp cơ chế quản lý mới; sự tác động các chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, bởi tài sản thế chấp của các HTX hầu như không có, khó tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX cấp huyện, xã chưa phát huy hiệu quả; năng lực của cán bộ tham mưu về kinh tế tập thể ở cơ sở còn yếu, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chậm áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Đặc biệt, nguyên nhân quan trọng nhất là nhận thức của người dân về tầm quan trọng, vai trò của liên kết, hợp tác trong sản xuất còn thấp và sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết, giá cả thị trường thường xuyên biến động, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX sản xuất, dịch vụ nông - lâm nghiệp thôn Cốc Cai, xã Mậu Duệ cho biết: HTX thành lập đã 2 năm theo Mô hình HTX thôn Chang (Việt Lâm - Vị Xuyên), toàn bộ các hộ dân trong thôn cùng đóng góp kinh phí và trở thành thành viên HTX, mức đóng chỉ 200 nghìn đồng/hộ. Thế nhưng đến nay, nhiều hộ vẫn không đóng số tiền này và hầu như không cùng tham gia duy trì hoạt động của HTX. Do đó, công tác sản xuất, kinh doanh của HTX gặp rất nhiều khó khăn.

Quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế tập thể và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh rất phù hợp với quá trình sản xuất hàng hóa đang phát triển mạnh mẽ những năm gần đây. Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền huyện Yên Minh cũng thể hiện quyết tâm trong phát triển các hình thái kinh tế tập thể ở địa phương. Tuy nhiên, để các HTX, Tổ hợp tác, Nhóm sở thích ở huyện vùng cao này thành lập và duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả, thiết nghĩ cần các yếu tố như: Tinh thần tự nguyện và tiếng nói chung trong quan điểm sản xuất cũng như nhận thức và điều kiện kinh tế tương đồng của các thành viên; thực tiễn sản xuất đòi hỏi phải có sự liên kết và cần có một tổ chức với tư cách pháp nhân để thực hiện các giao dịch, ký kết hợp đồng thu mua, bán sản phẩm. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành của huyện và cấp ủy, chính quyền ở cơ sở để kịp thời tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các HTX trong thời gian đầu thành lập. Đặc biệt, không chạy theo thành tích…

Bài, ảnh: Lương Hà


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vị Xuyên nâng cao hiệu quả hoạt động chợ nông thôn

BHG - Hiện nay, 21/24 xã, thị trấn của huyện Vị Xuyên có chợ trung tâm. Các xã, thị trấn đều xây dựng phương án quản lý, kinh doanh, khai thác hoạt động chợ một cách có hiệu quả. Từ khi có chợ, việc trao đổi, giao thương của nhân dân diễn ra thuận lợi, các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương được trao đổi nên đã kích thích sản xuất phát triển.

 

31/05/2018
Phát huy hiệu quả hệ thống "Đèn cao áp nông thôn" tại xã Đạo Đức

BHG - Dọc Quốc lộ 2, đoạn từ km7 - km15 (Hà Giang – Tuyên Quang),  ta dễ dàng nhìn thấy những cột đèn nhỏ hai bên đường. Những cột đèn này, được người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) ví là những "Đèn cao áp nông thôn", bởi sự nhỏ gọn và tiện ích; những tia sáng nhỏ không chỉ mang đến cho riêng người dân nơi đây, mà còn có ý nghĩa với những phương tiện đi lại trên đoạn đường này.

 

31/05/2018
Xã Liên Hiệp quyết tâm thoát nghèo

BHG - Bí thư Đảng bộ xã Liên Hiệp (Bắc Quang) Nông Hoàng Chương khoe khéo: Hết giờ làm việc, anh em mình đi ao nuôi cá đặc sản câu mấy con, làm mấy món, tối về uống rượu rồi đi xem đám "nam thanh - nữ tú" hát Lướn, hát Cọi cho đời... trẻ lại! …Hát Lướn, hát Cọi được xem là "hồn cốt" của đồng bào Tày, Nùng vùng Chiến khu Cách mạng Trọng Con. Nam, nữ đến tuổi trưởng thành thường lấy câu hát bày tỏ tình cảm. Người già, người lớn tuổi lấy câu hát để tâm tình.

31/05/2018
Tăng cường quản lý quy hoạch đất đai trên địa bàn thành phố Hà Giang

BHG - Thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý đất đai (QLĐĐ), đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác quản lý quy hoạch (QLQH), QLĐĐ trên địa bàn, ngay từ đầu năm 2018, thành phố Hà Giang (TP) đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó, chú trọng công tác QLQH, QLĐĐ phục vụ nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân và thu hút đầu tư cho phát triển.

 

30/05/2018