Hoàng Su Phì nỗ lực thực hiện tiêu chí Thu nhập

10:30, 12/06/2018

BHG - Tiêu chí Thu nhập là tiêu chí số 10 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) và được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. Cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Hoàng Su Phì đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh thăm Mô hình nuôi cá Tầm thương phẩm cho giá trị kinh tế cao tại xã Nậm Ty.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh thăm Mô hình nuôi cá Tầm thương phẩm cho giá trị kinh tế cao tại xã Nậm Ty.

Là địa phương vừa được công nhận đạt chuẩn NTM trong tháng 1 vừa qua, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Nậm Ty đạt 25,1 triệu đồng/năm. Với đặc thù là một xã thuần nông, nên khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, tiêu chí Thu nhập đã gặp phải không ít khó khăn. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 22,2 triệu đồng; trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của xã còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển đồng bộ, công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn cũng còn nhiều hạn chế. Để tăng mức thu nhập, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, chăn nuôi, trang trại tổng hợp; đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích cây chè. Hỗ trợ các hộ phát triển sản xuất theo phương án đầu tư có thu hồi, tái đầu tư. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình; đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân… Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu, đến cuối năm 2017, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt 25,1 triệu đồng/năm. Nậm Ty “cán đích” NTM trong niềm hân hoan, phấn khởi của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, diện mạo chung của xã Đản Ván đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, đến hết năm 2017, xã mới đạt 6/19 tiêu chí. Chặng đường xây dựng NTM của Đản Ván còn rất nhiều tiêu chí khó phải vượt qua, như: Giao thông, cơ sở hạ tầng nông thôn; đặc biệt là tiêu chí Hộ nghèo và thu nhập. Tính đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân của xã mới đạt 14 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 56%.

Đồng chí Vi Trung Luyến, Chủ tịch UBND xã Đản Ván cho biết: Với đặc thù là xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong khi đó, địa hình của xã nhiều đồi núi và bị chia cắt mạnh, đất canh tác manh mún, nhỏ lẻ; nhiều thôn vùng cao thiếu nước sản xuất, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cùng với đó, trình độ canh tác của người dân vẫn còn lạc hậu nên đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển những cây, con thế mạnh của địa phương, như: Sản xuất đậu tương hàng hóa, đưa cây mận Máu vào trồng thử nghiệm ở những thôn vùng cao; khuyến khích nhân dân vay vốn nuôi trâu, bò hàng hóa theo chính sách Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh… Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 14 triệu đồng, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2015.

Xác định thu nhập là tiêu chí quan trọng, làm nền tảng để thực hiện thành công các tiêu chí còn lại trong xây dựng NTM và tạo đà cho phát triển KT – XH; cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Hoàng Su Phì đang  tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, chú trọng phát triển các cây, con thế mạnh của địa phương, như: Chè, dược liệu, lê, mận, trâu, bò, dê. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất để giảm chi phí lao động và tăng năng suất, giá trị cây trồng. Chỉ đạo Tổ thẩm định phối hợp với các xã, thị trấn đẩy nhanh công tác thẩm định, giải ngân cho các hộ có nhu cầu theo chính sách Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh; đến nay, đã giải ngân được trên 31 tỷ đồng cho 389 hộ đủ điều kiện vay vốn. Bên cạnh đó, trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, như: Mô hình canh tác bền vững trên đất dốc, trồng Đậu tương và cỏ tại 2 xã Chiến Phố, Tụ Nhân; mô hình thí điểm sử dụng phân hữu cơ dạng lỏng trên cây chè tại các xã Nậm Ty, Hồ Thầu; chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học tại thị trấn Vinh Quang… Các mô hình bước đầu đã đem lại kết quả khả quan, mở ra nhiều hướng đi mới cho người dân trong việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, XĐGN và góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

BHG - Xuất phát từ nghề phụ xe khách tuyến Đồng Văn - Hà Giang, anh Tải Đình Sinh (sinh 1977), tổ 5, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn), bằng nghị lực của mình đã vươn lên làm giàu chính đáng. Từ đôi bàn tay trắng, anh khởi nghiệp thành công khiến nhiều người khâm phục. Sinh ra, lớn lên trong gia đình thuần nông và đông anh em, nên Sinh luôn ý thức tự bản thân phải cố gắng, nỗ lực vươn lên...

12/06/2018
Lao Và Chải, lời giải nào cho "bài toán" thoát nghèo?

BHG - Lao Và Chải là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh. Xã nằm trên trục Quốc lộ 4C, có địa giới hành chính tiếp giáp với thị trấn Yên Minh và chỉ cách trung tâm huyện khoảng 11 km, thổ nhưỡng phần lớn đồi, núi đất; điều này đem lại những lợi thế nhất định cho Lao Và Chải trong phát triển kinh tế. Thế nhưng đến nay, xã vẫn có tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 52%. Vì sao, Lao Và Chải chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững?.

 

12/06/2018
Phát huy vai trò Tổ hợp tác quản lý, khai thác, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng

BHG - Được thành lập từ năm 2014, Tổ hợp tác (THT) quản lý, khai thác, nuôi trồng thủy sản (Quang Bình) đã phát huy vai trò quan trọng trong việc quản lý, khai thác, tái tạo nguồn thủy sản và giữ gìn cảnh quan sinh thái trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng.

 

12/06/2018
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở Quang Bình

BHG - Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, BCH Đảng bộ huyện Quang Bình đã xác định 2 chương trình trọng tâm và 3 khâu đột phá. Trong đó, chương trình sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm là nội dung "mở đường" cho ứng dụng khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào nông nghiệp. Hơn nửa chặng đường, huyện đã tập trung mọi nguồn lực về kinh phí...

12/06/2018