Sản xuất Nông nghiệp ở Yên Minh với quyết tâm bứt phá

17:19, 07/05/2018

BHG - Sản xuất nông nghiệp ở Yên Minh những năm qua có sự chuyển biến rõ nét, điều này thể hiện trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị. Cùng với đó là xác định rõ các loại cây, con thế mạnh, chủ lực của địa phương, tương ứng với từng vùng khí hậu để định hướng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển. Đặc biệt, năm 2018, ngành Nông nghiệp huyện Yên Minh đang cho thấy quyết tâm bứt phá với những mục tiêu rõ ràng và tiến độ triển khai mạnh mẽ.

Gia trại của gia đình anh Nguyễn Văn Tấn, thôn Cốc Pảng, xã Du Già với quy mô 30 con trâu, bò và 300 con gà đang được hoàn thiện.
Gia trại của gia đình anh Nguyễn Văn Tấn, thôn Cốc Pảng, xã Du Già với quy mô 30 con trâu, bò và 300 con gà đang được hoàn thiện.

Ngoài thực hiện gieo trồng các loại cây theo khung thời vụ và các chương trình nông nghiệp chung của tỉnh, huyện; Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh Nguyễn Đình Duẩn cho biết: Năm 2018, huyện tập trung mạnh phát triển lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi hàng hóa và xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm có thương hiệu và giá trị kinh tế cao.

Khẳng định những quyết tâm của huyện nói chung và ngành Nông nghiệp huyện nói riêng, từ cuối năm 2017 đến nay, UBND huyện Yên Minh đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp như: Kế hoạch 49 về phát triển gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất hàng hóa; Kế hoạch 207 về xây dựng cơ sở sản xuất giống lợn, gà địa phương… với những mục tiêu và giải pháp cụ thể. Theo đó, Yên Minh phấn đấu phát triển mới 36 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó: 11 gia trại trâu, bò; 16 gia trại lợn; 2 gia trại dê và 7 gia trại gia cầm. Đồng thời xây dựng một cơ sở sản xuất giống lợn và một cơ sở sản xuất giống gà địa phương, phấn đấu mỗi năm cung ứng 600 con lợn giống và trên 10.000 con gà giống cho phát triển chăn nuôi, góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi giai đoạn 2017 – 2020 bình quân đạt 13,42%/năm và đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 30,8% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp vào năm 2020.

Không chỉ có mục tiêu cụ thể phát triển lĩnh vực chăn nuôi, giải pháp thực hiện cũng được chỉ ra cụ thể với việc phân công nhiệm vụ rõ ràng tới từng ngành, xã, thị trấn và thậm chí từng hộ dân, đặc biệt là nguồn vốn thực hiện được huyện Yên Minh xác định rất rõ và đưa ra cơ chế chính sách riêng như: Với mục tiêu xây dựng các cơ sở sản xuất giống, ngân sách huyện sẽ hỗ trợ trực tiếp mỗi cơ sở 50 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ cho vay đầu tư tái thu hồi 100 triệu đồng/1 cơ sở; riêng thực hiện mục tiêu phát triển các gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; ngân sách huyện hỗ trợ trực tiếp cho các gia trại trâu, bò có quy mô từ 20 con trở lên, các gia trại chăn nuôi lợn và dê từ 50 con trở lên, gia trại chăn nuôi gia cầm từ 1.000 con trở lên với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến 520 triệu đồng. Ngoài ra, các gia trại, cơ sở sản xuất giống đều được hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo chính sách của Nghị quyết số 209 và số 86 của HĐND tỉnh.

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Tấn, thôn Cốc Pảng, xã Du Già, một trong những hộ đang xây dựng mô hình gia trại chăn nuôi bò và gia cầm hàng hóa. Anh Tấn cho biết: Được sự vận động và tư vấn của địa phương, phòng Nông nghiệp với những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, gia đình tôi đang xây chuồng nuôi nhốt trâu, bò với số lượng khoảng 30 con và đang tìm mua con giống. Ngoài ra, hiện tôi  đang nuôi khoảng 200 con gà thịt.

Không chỉ có gia đình anh Tấn, tính đến cuối tháng 3 vừa qua, 2 hộ đăng ký xây dựng cơ sở sản xuất giống lợn và gà đã hoàn thành xong cơ sở hạ tầng chuồng trại và bắt đầu chăn nuôi. Ngoài ra, đến hết quý I, huyện đã phát triển mới 2 gia trại gà và lợn quy mô 100 con trở lên, số còn lại đang được thẩm định phương án chăn nuôi và chuồng trại để giải ngân và hỗ trợ vay vốn. Đặc biệt một Mô hình nuôi gà Trống thiến đang được thực hiện ở xã Đông Minh, chủ hộ đã mua được 300 con giống. Từ năm 2017, huyện Yên Minh đã hỗ trợ thực hiện các thủ tục giúp một số gia đình, HTX xin cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm như: Ổi Bản Vàng, Hồng không hạt Na Khê; mật ong và gạo Mậu Duệ. Dự kiến trong năm 2018 sẽ có 3 nhãn hiệu chính thức được đưa vào sử dụng.

Từ những định hướng đến kế hoạch thực hiện các chương trình nông nghiệp trọng tâm trong năm 2018 ở Yên Minh và tiến độ triển khai đến thời điểm này, có thể thấy quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp huyện nhằm bứt phá trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất hàng hóa trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Vô Điếm

BHG - Xác định sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap sẽ làm tăng giá trị sản phẩm cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh sản phẩm cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Vì vậy, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Vô Điếm (Bắc Quang) đã vận động người dân tập trung sản xuất chè theo hướng VietGap để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

 

05/05/2018
Quang Bình phát triển mô hình trồng bí ngô, dưa hấu trên đất 1 vụ

BHG - Hiện nay, huyện Quang Bình đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp địa phương. Tại một số xã vùng cao của huyện gồm: Xuân Minh, Tiên Nguyên, Tân Nam,… đã và đang phát triển mô hình trồng bí ngô, dưa hấu trên đất 1 vụ lúa; nhằm tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân.

 

05/05/2018
Lòng hồ Sông Miện 5 mang lại nguồn lợi cho người dân Thuận Hòa

BHG - Từ thành phố Hà Giang đến lòng hồ Thủy điện Sông Miện 5 không xa. Theo hướng Hà Giang - Đồng Văn, đến km 9, rẽ phải vào khoảng 1 km là đến đầu hồ, nằm trên địa bàn thôn Hòa Bắc, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên). Theo con đường nhựa uốn lượn ven hồ, khách đến thăm sẽ cảm nhận được vẻ đẹp hữu tình cũng như những sinh lợi mà lòng hồ mang lại cho người dân. Và đây cũng là khu vực được Đảng ủy, chính quyền xã xác định là một trong những tiềm năng cần được phát triển, khai thác mang lại nguồn thu nhập chính đáng cho người dân.

 

05/05/2018
Quản Bạ siết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật

BHG - Sản xuất nông nghiệp sạch hiện đang là hướng đi tất yếu, do vậy công tác quản lý việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được huyện Quản Bạ luôn quan tâm, chú trọng và hướng tới phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững. Thuốc BVTV có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nên nhưng trước đây, trên địa bàn huyện Quản Bạ vẫn có tình trạng buôn bán thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Hạng Dương Thành, cho biết: Để công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV nói chung và thuốc diệt cỏ luôn được huyện quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.

04/05/2018