"Mong muốn đưa sản phẩm chè Shan tuyết vươn tầm"

15:32, 02/05/2018

BHG - “Mong muốn của doanh nghiệp là thu mua nguyên liệu cho bà con xã Tân Lập (Bắc Quang) và vùng lân cận, đồng thời đưa sản phẩm chè Shan tuyết ra thị trường khu vực, thế giới...” - ông Nguyễn Đức Lai, Giám đốc Công ty TNHH trà Hoàng Long chia sẻ tại Lễ khai trương Nhà máy chế biến chè hữu cơ xuất khẩu Long Trà, thôn Chu Thượng, xã Tân Lập đầu tháng 4 vừa qua.

Sản phẩm của Công ty TNHH trà Hoàng Long được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại, nhập khẩu từ Nhật Bản.
Sản phẩm của Công ty TNHH trà Hoàng Long được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại, nhập khẩu từ Nhật Bản.

Công ty TNHH trà Hoàng Long được thành lập năm 1995, trụ sở chính tại thành phố Hà Nội. Sau 9 năm hoạt động, thị trường của Công ty ngày càng phát triển, mở rộng trên thế giới. Năm 2002, trên cơ sở khảo sát thực tiễn và chính sách kêu gọi đầu tư của tỉnh, huyện Bắc Quang, Công ty đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến chè tại xã Hùng An với công suất 20 tấn chè tươi/ngày. Sau 4 năm hoạt động, công suất nhà máy nâng lên 50 tấn chè tươi/ngày, giúp bà con tiêu thụ chè với giá ổn định. Cùng với việc mở rộng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp đã đưa ra thị trường nhiều mẫu sản phẩm chè đen, chè xanh xuất khẩu và chè ướp hương nội tiêu. Các sản phẩm của doanh nghiệp có chất lượng, được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước như Nhật Bản, châu Âu… được khách hàng ưu chuộng và bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao trong nhiều năm. Ngoài ra, sản phẩm chè ướp hương nhài của doanh nghiệp được Cục Nông nghiệp địa phương (Bộ Công thương) tặng danh hiệu sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp Nhà nước năm 2012 và 2016.

Năm 2016, Công ty TNHH trà Hoàng Long tiếp tục đầu tư, xây dựng Nhà máy chè hữu cơ xuất khẩu Long Trà. Sau hơn 1 năm xây dựng, nhà máy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nằm ở độ cao hơn 1 nghìn m so với mực nước biển, nhà máy được xây dựng trên diện tích 4.500 m2, tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Nhà máy có quy trình sản xuất tự động, sử dụng công nghệ hiện đại, toàn bộ hệ thống máy móc được nhập khẩu từ Nhật Bản với 2 dây chuyền sản xuất công suất 56 tấn chè tươi/ngày. Hoạt động của nhà máy được xác lập theo chuỗi giá trị từ việc phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư kỹ thuật chăm sóc, quy trình bón phân đến thu hái, chế biến theo quy trình khép kín... nên sản phẩm luôn giữ được hương vị thuần khiết của thiên nhiên.

Những năm qua, chè được xác định cây hàng hóa, mũi nhọn, nằm trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Hiện vùng chè của tỉnh có diện tích hơn 20 nghìn ha đã tạo nên lợi thế để Công ty có thể xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu an toàn, chất lượng. Riêng xã Tân Lập, hiện có hơn 450 hộ trồng chè, diện tích hàng trăm ha, chủ yếu chè Shan tuyết, chè cổ thụ. Anh Triệu Tả Pú, xã Tân Lập cho biết: Người dân trong xã rất vui khi nhà máy được hoàn thành và hy vọng Công ty sẽ đưa thương hiệu sản phẩm chè Hà Giang vươn xa hơn, giúp người dân trồng chè yên tâm sản xuất.

Giám đốc Công ty TNHH trà Hoàng Long, Nguyễn Đức Lai cho biết thêm: Công ty triển khai nhiều chính sách liên kết với người dân, tổ hợp tác trong vùng nguyên liệu, tạo liên kết trồng chè hiệu quả. Ngoài việc thu mua nguyên liệu cho người dân địa phương, Công ty sẽ xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với thị trường, đăng ký Chỉ dẫn địa lý, thương hiệu và tăng cường quảng bá sản phẩm. 

Bài, ảnh: Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực triển khai nhiệm vụ thu thuế xuất, nhập khẩu

BHG - Theo kế hoạch, năm 2018, Cục Hải quan được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh giao chỉ tiêu thu 230 tỷ đồng thuế xuất, nhập khẩu (XNK) trên địa bàn Hà Giang và Tuyên Quang. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, ngay từ đầu năm, Cục đã xây dựng và triển khai chương trình công tác trọng tâm; kế hoạch cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách; tích cực phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

 

30/04/2018
Tạo sinh kế cho người dân từ phát triển du lịch cộng đồng

BHG - Hoàng Su Phì – mảnh đất miền Tây đầy nắng, gió của tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Ngoài danh lam, thắng cảnh ruộng bậc thang kỳ vĩ, nơi đây còn có những đồi chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những đỉnh núi cao trên 2 nghìn m so với mực nước biển và nhiều cung đường hiểm trở, thuận tiện cho việc phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá. Những yếu tố đó đã, đang trở thành lợi thế riêng, giúp địa phương mở hướng phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), tạo sinh kế cho người dân.

 

30/04/2018
Xã Bạch Ngọc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

BHG - Bạch Ngọc là xã vùng III của huyện Vị Xuyên, xã hiện có 871 hộ với gần 4.100 khẩu, sinh sống ở 9 thôn, bản. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã chiếm 58,6%. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, cấp ủy, chính quyền xã đã xác định các loại cây, con thế mạnh của địa phương; từ đó, tập trung lãnh, chỉ đạo phát triển theo hướng trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác; góp phần xóa đói, giám nghèo, xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.

 

30/04/2018
Người đảng viên dám nghĩ, dám làm

BHG - Đến thăm trang trại của anh Hà Ngọc Dân, sinh năm 1990, trú thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), khi anh đang chuẩn bị cỏ cho đàn bò. Anh Dân vui vẻ chào khách và mời vào nhà, đồng thời cũng luôn tay tranh thủ chuyển nốt cỏ vào khu chuồng bò. Người dân thôn Bảo An nhận xét, anh Dân là một đảng viên trẻ, luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động Đoàn, công tác xã hội ở địa phương, đồng thời mạnh dạn vay vốn theo Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi bò sinh sản, lợn, gà. Tạm dừng công việc đang làm, qua trò chuyện, tôi được biết anh Hà Ngọc Dân là một đảng viên năng động. Anh được kết nạp đảng vào năm 2012. 

30/04/2018