Hà Giang

Lòng hồ Sông Miện 5 mang lại nguồn lợi cho người dân Thuận Hòa

15:37, 05/05/2018

BHG - Từ thành phố Hà Giang đến lòng hồ Thủy điện Sông Miện 5 không xa. Theo hướng Hà Giang - Đồng Văn, đến km 9, rẽ phải vào khoảng 1 km là đến đầu hồ, nằm trên địa bàn thôn Hòa Bắc, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên). Theo con đường nhựa uốn lượn ven hồ, khách đến thăm sẽ cảm nhận được vẻ đẹp hữu tình cũng như những sinh lợi mà lòng hồ mang lại cho người dân. Và đây cũng là khu vực được Đảng ủy, chính quyền xã xác định là một trong những tiềm năng cần được phát triển, khai thác mang lại nguồn thu nhập chính đáng cho người dân.

Một phần bè cá lồng của ông Thượng Văn Luyện cho thu nhập 36 triệu đồng/vụ.
Một phần bè cá lồng của ông Thượng Văn Luyện cho thu nhập 36 triệu đồng/vụ.

Với diện tích 35 ha, bắt đầu từ thôn Thuận Hòa vào thôn Mịch B, Mịch A, lòng hồ đã mang lại một tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thủy sản và khai thác du lịch. Để khai thác tiềm năng từ lòng hồ mang lại, cũng nằm trong chủ trương của huyện, xã đã thành lập Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản và Du lịch sinh thái. Sau gần 2 năm được thành lập, với 8 lồng cá ban đầu, đến nay 15 thành viên của HTX đã phát triển lên 28 lồng cá, với nhiều chủng loại giống cá bản địa phù hợp môi trường, nguồn nước và khả năng đầu tư của thành viên. Theo ông Thượng Duy Luyện, Phó Giám đốc HTX cho biết, hầu hết các thành viên đều nuôi các loại cá bản địa, truyền thống như Trắm cỏ, Chép, Rô phi… vừa dễ nuôi, vừa có hiệu quả kinh tế, dễ tiêu thụ vì giá cả bình dân, phù hợp trên thị trường, dễ thu hồi vốn để tái đầu tư phát triển lồng cá. Từ giữa năm 2017 đến nay, các thành viên HTX thu nhập từ 22,5 triệu đến 36 triệu đồng (tùy theo mức đầu tư, số lượng lồng cá của mỗi thành viên). Nhận thấy nguồn lợi thu được từ nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân, nhóm sở thích ngoài HTX đã mạnh dạn đầu tư để làm sinh kế. Đặc biệt, hộ Nguyễn Văn Hải, thôn Hòa Bắc đầu tư trên 700 triệu đồng với 12 lồng cá, mỗi lồng 16 m2, nhà bè, thuyền máy… và các loại cá giống đặc sản bản địa như: Cá Lăng 2.000 kg, cá Bỗng 1.800 kg, cá Chép 800 kg, cá Chiên 400 kg, cá Quất 1.400 kg. Mặc dù chưa cho thu cá thương phẩm do mới đầu tư, nhưng ông Hải cho biết, nhiều nhà hàng ẩm thực trong và ngoài tỉnh đã đặt hàng. Bên cạnh đó, cũng tại thôn Hòa Bắc, Nhóm sở thích nuôi trồng thủy sản cũng đăng ký làm mới thêm 10 lồng cá, nâng tổng số lên 38 lồng trong toàn xã. Cùng với việc tạo điều kiện cho HTX, nhóm sở thích, hộ dân có điều kiện đầu tư nuôi cá lồng thì lòng hồ cũng là nơi để mọi người dân có thể đánh bắt tôm, cá ngoài tự nhiên bằng các hình thức như thả lưới, cất vó, giăng câu (nghiêm cấm sử dụng các hình thức kích điện, nổ mìn)…, trang trải một phần cuộc sống.

Khu vực nuôi cá lồng của ông Nguyễn Văn Hải được đầu tư trên 700 triệu đồng.
Khu vực nuôi cá lồng của ông Nguyễn Văn Hải được đầu tư trên 700 triệu đồng.

Bên cạnh việc mang lại nguồn lợi từ nuôi trồng thủy sản, du lịch lòng hồ đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng phát triển, khuyến khích đầu tư. Nhà hàng Sông Miện Xanh là một trong những điểm đến của không ít du khách từ nhiều địa phương trong và nước ngoài. Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm những món ăn truyền thống của dân tộc Tày, dân tộc Dao, chế biến từ các loại lương thực, thực phẩm được người dân địa phương nuôi, trồng tại chỗ. Trong khi thưởng thức những món ăn truyền thống của bà con nơi đây du khách có thể vừa lướt trên mặt hồ bằng con thuyền có thể chở 40 người. Làng mạc, cánh đồng, rừng núi bao quanh lòng hồ chắc chắn sẽ làm đậm đà thêm những món ăn truyền thống đặc sắc. Hoặc du khách có thể neo đậu nơi nào đó trên lòng hồ vừa nhâm nhi cá nướng, vừa ngắm nhìn những gợn sóng lăn tăn, cảm nhận làn gió lộng trong ngày hè oi ả. Phong cảnh và ẩm thực quyện vào nhau sẽ giúp du khách có những trải nghiệm khó quên tại nơi này.

Người dân bắt cá tự nhiên ven lòng hồ.
Người dân bắt cá tự nhiên ven lòng hồ.

Chủ tịch UBND xã, Vi Quốc Trung cho biết: Ngoài diện tích mặt nước sẵn có của các gia đình, lòng hồ Thủy điện Sông Miện 5 thực sự mang lại nguồn lợi thiết thực cho người dân. Trước đây bà con chỉ thuần làm nông nghiệp, từ khi có lòng hồ nhiều người dân đã chủ động tìm hiểu kiến thức về nuôi trồng thủy sản để có thể khai thác lợi thế từ lòng hồ một cách hiệu quả và bền vững. Hiện xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản, đồng thời lồng ghép các chương trình của Nhà nước để hỗ trợ một phần cho các hộ đầu tư ban đầu.

Bài, ảnh:  AN DƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bảo tồn cây chè cổ thụ ở thôn Phiêng Luông

BHG - Có tuổi đời trên 100 năm, những cây chè cổ thụ tại thôn Phiêng Luông, xã Phiêng Luông (Bắc Mê) thân to, cao 5 - 6 m, rất quý. Tuy nhiên, do người dân chưa biết cách chăm sóc đúng quy trình nên vườn chè cổ đang ngày một lụi tàn, cả thôn hiện chỉ còn hơn 100 cây. Thôn Phiêng Luông có khí hậu quanh năm mát mẻ, đất tơi xốp, rất thích hợp phát triển cây chè. Mọc giữa rừng sâu, bên cạnh dòng suối mát đã giúp cây chè phát triển tốt, hương thơm, nước chè xanh, vị ngọt, đắng hòa quyện, rất quyến rũ... Thế nhưng, đối với người dân thôn Phiêng Luông, chè cổ thụ hiện chỉ có giá trị tạo bóng mát cho đồng bào ngồi nghỉ mỗi khi đi làm nương...

 

04/05/2018
Vị Xuyên đổi mới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

BHG - Nhận thức rõ vai trò của công tác đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) đối với sự phát triển KT - XH của địa phương, mặc dù gặp không ít khó khăn do nhu cầu sử dụng lao động chưa cao, ngân sách dành cho ĐTN hàng năm còn ít, xong hơn 2 năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Vị Xuyên đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra...

04/05/2018
Nhiều chính sách phát triển ngành nghề nông thôn

Theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề.

04/05/2018
Quản Bạ siết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật

BHG - Sản xuất nông nghiệp sạch hiện đang là hướng đi tất yếu, do vậy công tác quản lý việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được huyện Quản Bạ luôn quan tâm, chú trọng và hướng tới phát triển nông nghiệp hữu cơ, bền vững. Thuốc BVTV có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nên nhưng trước đây, trên địa bàn huyện Quản Bạ vẫn có tình trạng buôn bán thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Hạng Dương Thành, cho biết: Để công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV nói chung và thuốc diệt cỏ luôn được huyện quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.

04/05/2018