Hà Giang

Bắc Quang đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình vay vốn ưu đãi

15:08, 08/03/2018

BHG - Trong những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD) huyện Bắc Quang đã kịp thời triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến các đối tượng bằng nhiều chương trình đa dạng, phong phú, tạo nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo và phát triển KT – XH tại địa phương. Năm 2018, PGD huyện đã, đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phụ vụ sản xuất, kinh doanh.

Anh Nguyễn Xuân Mẫn, thôn Việt Tân, thị trấn Việt Quang sử dụng hiệu quả vốn vay từ Ngân hàng CSXH để cải tạo vườn cam Sành theo hướng VietGap.
Anh Nguyễn Xuân Mẫn, thôn Việt Tân, thị trấn Việt Quang sử dụng hiệu quả vốn vay từ Ngân hàng CSXH để cải tạo vườn cam Sành theo hướng VietGap.

Tính lũy kế đến hết tháng 2.2018, có 13.967 người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Bắc Quang được vay vốn ưu đãi từ 12 chương trình tín dụng của PGD huyện để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, với tổng dư nợ hơn 284 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo chiếm số lượng đông nhất. Để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn, PGD thường xuyên chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở các xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn đăng ký và bình xét đối tượng vay vốn đảm bảo công khai. Với 327 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ủy thác; nguồn vốn hỗ trợ đã kịp thời tác động mạnh mẽ, tạo cơ sở vững chắc cho người dân phát triển kinh tế vươn lên.

Năm 2012, gia đình ông Lương Thế Bình, thôn Tân An, xã Việt Vinh thuộc diện hộ nghèo, được PGD huyện cho vay 8 triệu đồng, với lãi suất thấp trong thời hạn 5 năm để phát triển chăn nuôi. Có được vốn trong tay, ông Bình đã mạnh dạn nuôi lợn thương phẩm. Từ đó, kinh tế bắt đầu đi lên, khi tích cóp đủ số tiền lớn hơn, ông chuyển hướng sang đầu tư nuôi 2 con trâu sinh sản; đến nay, đã sinh được 1 nghé con. Nhờ đó, gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo trả được vốn trước kỳ hạn. Ông Bình cho rằng, nguồn vốn vay đã đáp ứng được nguyện vọng của người nông dân. Không chỉ cá nhân ông Bình, thôn Tân An đang có 81/130 hộ được vay vốn từ PGD Ngân hàng CSXH huyện, với tổng dư nợ 1,5 tỷ đồng. Đây được xem là đòn bẩy trong công cuộc giảm nghèo của bà con; vui mừng hơn, trong thôn chỉ còn 4 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo.

Thông qua chương trình vay vốn giải quyết việc làm, anh Nguyễn Xuân Mẫn, thôn Việt Tân, thị trấn Việt Quang cho biết: Vừa qua, anh vay 30 triệu đồng từ PGD huyện Bắc Quang để cải tạo, mua cây giống, phân bón trồng cam Sành. Hiện, gia đình đang tập trung nguồn lực vốn, nhân công đào hố, chuẩn bị sẵn sàng trồng 1.000 gốc cam. Sự quan tâm ưu tiên, giải ngân vốn vay nhanh, gọn, đã giúp anh có thêm điều kiện mở rộng diện tích cam sạch theo tiêu chuẩn VietGap, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Theo kết quả cho vay của xã Bằng Hành, đến thời điểm này, toàn xã có 594/1.069 hộ được hưởng lợi từ các chương trình vay vốn ưu đãi, với dư nợ 15 tỷ đồng; 15 Tổ TK&VV của xã đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến người dân; đặc biệt là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng chí Hoàng Văn Tiêu, Chủ tịch UBND xã Bằng Hành cho hay: Nguồn vốn vay đều được bà con sử dụng đúng mục đích, chủ yếu để phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa; trồng các loại hoa màu có giá trị kinh tế cao và trồng rừng. Các gói tín dụng đã góp phần đáng kể vào quá trình giảm nghèo của địa phương, bằng chứng là năm 2017, xã giảm được 23/131 hộ nghèo; năm 2018, xã phấn đấu tiếp tục giảm thêm 36 hộ nghèo. Do nhu cầu đăng ký vay vốn của người dân rất lớn, vì vậy, xã tiếp tục chỉ đạo các hội, đoàn thể nhận ủy thác tuyên truyền để bà con nắm bắt được nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ một cách hiệu quả.

Theo chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2018, PGD huyện Bắc Quang sẽ đạt dư nợ tăng trưởng trên 10%; phấn đấu trong quý I, sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân khoảng 20 tỷ đồng đối với một số chương trình cho vay như: Hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ tạo việc làm, hộ sản xuất kinh doanh,… để nhân dân có vốn sản xuất kịp thời. Trên cơ cở đó, PGD đã tham mưu cho Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn; kịp thời giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch tín dụng năm 2018, theo nguồn vốn được bổ sung và nguồn thu hồi để các xã triển khai. Trong đó, chú trọng 13 xã thuộc vùng khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số cao, mà mức vay bình quân còn thấp; tránh lãng phí vốn, mang đến tiềm lực cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: MỘC LAN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảm bảo tiến độ các dự án từ nguồn vốn ODA

BHG - Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 21 chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài được thực hiện. Trong đó, 6 dự án do UBND tỉnh là cơ quan chủ quản, 15 dự án do các bộ, ngành T.Ư làm chủ quản, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; các dự án đã góp phần tích cực vào sự phát triển KT - XH của tỉnh.

28/02/2018
Tiếp thêm nguồn lực giúp người dân thoát nghèo

BHG - Trong năm nay, nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục dành hơn 1.356 tỷ đồng thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh với mong muốn: Giảm thêm từ 7.511 hộ nghèo trở lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo 4,2%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm trên 6%; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới… Nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng, nhưng để thoát nghèo, mỗi người dân, mỗi gia đình cần nỗ lực, biến ý chí, quyết tâm thoát nghèo thành hành động cụ thể.

 

28/02/2018
Mở hướng liên kết và thu hút đầu tư

BHG - Tỉnh ta đang đổi mới, nỗ lực, chủ động hội nhập quốc tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh ở các lĩnh vực chủ lực như du lịch, nông nghiệp chất lượng cao và thu hút các nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài. Nhằm biến tiềm năng thành "đòn bẩy" phát triển, tỉnh ta đã, đang triển khai nhiều giải pháp, mở hướng liên kết và thu hút đầu tư phát triển KT - XH…

27/02/2018
Quản Bạ khôi phục và phát triển đàn ngựa

BHG - Mới chỉ cách đây gần 20 năm về trước, hình ảnh những chú ngựa thồ hàng xuống chợ luôn gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá, tuy nhiên ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, giao thông thuận tiện, nên ngày càng ít dần các nhà nuôi ngựa. Với mục đích nuôi ngựa để phát triển kinh tế và phục vụ du lịch, thời gian gần đây, huyện Quản Bạ đã khôi phục và phát triển đàn ngựa, bước đầu mang lại những kết quả khả quan.

26/02/2018