Hà Giang

Xã Lũng Táo đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa

08:17, 01/12/2017

BHG - Nằm cách trung tâm huyện khoảng 20 km, xã Lũng Táo (Đồng Văn) có địa hình khó khăn, phức tạp, đá nhiều hơn đất; do vậy, bà con nơi đây hầu hết đều canh tác một số cây trồng truyền thống và chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhiều năm trở lại đây, khi chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức, cách làm và MỞ RỘNG diện tích trồng cỏ để tăng hiệu quả chăn nuôi, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định.

Người dân Cao nguyên đá từ ngàn xưa đã gùi đất về từng hốc đá để trồng trọt. Những vạt đất đều được tận dụng trồng ngô và một số rau màu theo vụ như đậu tương, bí. Tuy nhiên, theo thời gian, những bãi đất đều bị bạc màu, không còn phù hợp để trồng cây lương thực hay rau màu vì hiệu qủa thấp; người dân dần chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi. Ban đầu, chỉ là tận dụng quỹ đất để tạo nguồn thức ăn cho gia súc vào mùa Đông, từ đây gia súc bắt đầu có nguồn thức ăn dồi dào hơn và có cả nguồn dự trữ; người dân bắt đầu có ý thức đẩy mạnh việc phát triển đàn gia súc. Nhận thấy hiệu quả kinh tế ngày càng cao từ việc phát triển chăn nuôi, hiện nay, nhiều diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả đã được bà con chuyển sang trồng cỏ.

Đàn bò nhà anh Chư, có những con có giá trị lên đến gần trăm triệu đồng.
Đàn bò nhà anh Chư, có những con có giá trị lên đến gần trăm triệu đồng.

Từ việc tận dụng những điều kiện sẵn có, những diện tích đất có độ dốc lớn, kém màu mỡ, không thể trồng ngô; xã đã vận động nhân dân tích cực chuyển sang trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Đến nay, toàn xã có hơn 900 ha cỏ với tổng đàn bò trên 1.000 con. Ngày càng nhiều các gia đình vươn lên nhờ phát triển chăn nuôi bò hàng hóa, đặc biệt là giống bò Vàng địa phương. Gia đình anh Giàng Súa Vư, ở thôn Cá Ha,   nuôi bò đã được trên 10 năm. Tuy chỉ duy trì số lượng đàn khoảng 10 con, nhưng anh lại rất “mát tay” chăm sóc, vỗ béo cho đàn bò để xuất bán. Với hình thức mua bò gầy về vỗ béo (một số con bò gầy được mua về với giá từ 20 – 25 triệu đồng, qua vài tháng chăm sóc có thể bán với giá từ 50 – 60 triệu đồng). Ngoài ra, gia đình anh Vư còn chăn nuôi cả bò sinh sản. Với việc duy trì cả bò sinh sản và mua bò gầy về vỗ béo, gia đình anh Vư thu nhập gần 200 triệu mỗi năm. Anh cho biết: “Trước đây, gia đình cũng đã nuôi bò nhưng hiệu quả không cao, vì chỉ cho bò ăn cây ngô, lá rừng; hạt ngô thì dùng cho lợn, gà. Hiện nay, gia đình tôi trồng được gần 2 ha cỏ và 4.000m2 ngô nên lượng thức ăn luôn đảm bảo cho đàn gia súc. Chăn nuôi bây giờ đã tiến bộ hơn rất nhiều, nhất là vài năm gần đây, các hộ chăn nuôi ở xã đều có kinh tế khá”. Giống như anh Vư, gia đình anh Dinh Mí Chư, thôn Sà Lủng, là hộ cũng có thâm niên trong chăn nuôi bò của xã; có thời điểm, đàn bò của gia đình anh lên đến hơn 20 con, với hình thức mua bò gầy về vỗ béo và cho thu nhập trên 400 triệu đồng. Anh Chư cho biết: “Ở vùng cao, nếu không được ưu ái đất đai màu mỡ thì phải tìm cách để sống, không trồng cây ngô, cây lúa được thì trồng cỏ nuôi bò. Hiện, khoa học tiên tiến hơn, chăn nuôi ít vất vả hơn. Được sự giúp đỡ của Nhà nước, nhiều nhà trong thôn đã được hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò, lợn; nhiều gia đình vì thế mà con cái được ăn no, được đến trường”.

Hiện nay, tại xã Lũng Táo, các gia đình đều có hướng phát triển chăn nuôi, hộ khá mong muốn phát triển theo quy mô lớn, quy mô gia trại, hộ còn khó khăn thì chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhìn chung, chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cho xã ngày một phát triển. Anh Khổng Quốc Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Táo cho biết: “Người dân hiện nay đã biết vận dụng khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi và chăm sóc. Việc phát triển chăn nuôi của xã, nhất là chăn nuôi bò hàng hóa đã có uy tín trong việc phát triển thương hiệu bò Vàng địa phương; hiện, xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để các hộ có thể phát chăn nuôi gia súc theo quy mô phù hợp với mỗi gia đình”. 

Chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa tuy không còn là cách làm mới,  nhưng nhờ tận dụng những điều kiện, lợi thế sẵn có của địa phương nên đã đem lại hiệu quả cao cho người dân xã Lũng Táo, giúp họ từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững trên vùng Cao nguyên đá.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tăng cường tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn

BHG - Là kênh quan trọng trong việc đầu tư tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện Hoàng Su Phì (Agribank Hoàng Su Phì) đã giúp hàng nghìn hộ nông dân có nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng ngành nghề kinh doanh và giải quyết việc làm, tăng thu nhập tại địa phương.

30/11/2017
Nâng cao chất lượng và gia tăng các dịch vụ ngân hàng tiện ích

BHG - Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay. Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (Agribank Hà Giang) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi tiến hành các giao dịch không sử dụng tiền mặt. Tính đến 31.10, Agribank Hà Giang đã lắp đặt 17 máy ATM tự động tại tất cả các huyện, thành phố và 14 máy POS...

30/11/2017
Điện lực Quang Bình thực hiện tốt Văn hóa doanh nghiệp, Chương trình 5S và Dịch vụ khách hàng

BHG - Hoạt động trên địa bàn huyện Quang Bình - Huyện phía Tây - Nam của tỉnh, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết không thuận lợi, mưa lũ, giông sét nhiều… Song, những năm qua, Điện lực Quang Bình đã khắc phục mọi khó khăn đảm bảo cung cấp điện ổn định phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhu cầu điện sinh hoạt, điện cho sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Cùng với việc đảm bảo cung cấp điện ổn định cho nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, Điện lực Quang Bình còn thực hiện tốt công tác Văn hóa doanh nghiệp (VHDN), Chương trình 5S và công tác Dịch vụ khách hàng. 

29/11/2017
Các tham luận tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 – Hợp tác đầu tư và phát triển

BHG - Những năm qua, Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, tạo tiền đề quan trọng để phát triển. Tỉnh đã liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, GRDP năm 2017 tăng trưởng khoảng 7%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kinh tế biên mậu phát triển sôi động; lĩnh vực du lịch tăng trưởng tốt; các thành phần kinh tế đều có những bước phát triển; ...

29/11/2017