Hà Giang

Phát triển chợ biên mậu Mốc 172, xã Pà Vầy Sủ

08:42, 01/11/2017

BHG - Sau 2 năm đưa vào hoạt động, chợ Mốc 172, thôn Ma Lỳ Sán, xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần) đã thu hút nhiều hộ kinh doanh; người dân trong và ngoài xã đến chợ mua, bán và trao đổi hàng hóa đã góp phần tích cực thúc đẩy hoạt động thương mại biên mậu; nâng cao thu nhập cho cư dân vùng biên giới.

Rất đông người dân đến chợ Mốc 172 vào thứ 6 hàng tuần
Rất đông người dân đến chợ Mốc 172 vào thứ 6 hàng tuần

 Pà Vầy Sủ là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Xín Mần,  những năm qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân khu vực biên giới, cũng như đảm bảo an ninh chính trị gắn với xây dựng vững mạnh vùng điểm “Thế trận Làng biên giới gắn với xây dựng Nông thôn mới” của huyện. Năm 2011, Ban Thường vụ Huyện ủy Xín Mần đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo toàn diện trong việc thực hiện quy tụ điểm dân cư biên giới; đồng thời quy hoạch, san ủi mặt bằng xây dựng điểm trường, trụ sở thôn, hệ thống điện, nước sinh hoạt, đường giao thông và các gian hàng ở chợ Mốc 172, để nhân dân yên tâm làm ăn sinh sống, bám đất, bám làng giữ gìn biên cương.

Sau một thời gian triển khai xây dựng, đến cuối tháng 11.2015, chợ Mốc 172 được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Khu chợ nằm bên dòng sông Chảy, thuộc địa phận thôn Ma Lỳ Sán và được xem là ngã 3 giao thương giữa xã Pà Vầy Sủ với huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) và cư dân biên giới nước bạn Trung Quốc. Sau khi đưa vào hoạt động, chợ đã thu hút lượng lớn thương lái và người dân đến trao đổi hàng hóa; trung bình, mỗi phiên chợ chính có khoảng 2 - 3 nghìn người đến chợ. Tại khu vực chợ, đã xây dựng 52 gian hàng của cư dân trong nước, mỗi gian hàng có diện tích từ 5 - 10m2, bày bán các mặt hàng, như: Hàng tạp hóa, quần áo; hàng nông sản, rau, củ, quả, đồ khô, thịt lợn; đồ gia dụng, nông cụ sản xuất; điện thoại, đồ điện tử và hàng hàng ăn, đồ ăn vặt... Trong đó, có 7 gian hàng của người dân Pà Vầy Sủ buôn bán hàng tạp hóa và hàng ăn uống. Anh Cháng Seo Pò, thôn Seo Lử Thận (Pà Vầy Sủ), cho biết: Sau khi chợ đi vào hoạt động, anh đã chủ động xuống mở một gian hàng để bán hàng tạp hóa để kiếm thêm thu nhập. Với gian hàng này, ngày bình thường anh thu về từ 400 - 500 nghìn đồng/ngày. Còn đối với phiên chợ chính thì thu nhập cao hơn.

Ngoài các gian hàng của người dân địa phương, còn có 27 gian hàng của cư dân biên giới nước bạn được bày bán chủ yếu là hàng tạp hóa, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, nông cụ sản xuất, hàng ăn và điện thoại... Chợ Mốc 172 chính thức được họp phiên vào thứ 6 hàng tuần, tuy nhiên các hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa vẫn diễn ra thường xuyên ở tất cả các ngày trong tuần, nhằm đáp ứng nhu cầu buôn bán sản phẩm nông sản của nhân dân trong xã và các xã lân cận. Theo thống kê, có 66 hộ kinh doanh không cố định, chủ yếu là các thương lái ở nơi khác đến, còn có 13 hộ kinh doanh cố định mở cửa buôn bán tất cả các ngày trong tuần.

Anh Lù Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Pà Vầy Sủ cho biết: Qua công tác kiểm tra, khảo sát; các mặt hàng bày bán ở chợ được khách hàng đánh giá cao, mẫu mã đa dạng, phong phú và giá thành hợp lý. Việc tổ chức mở chợ Mốc 172 đã trở thành địa điểm giao thương trao đổi hàng hóa, tạo được sự quan tâm, thu hút các thương buôn. Qua đó, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn xã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong xã phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo.  

Đến nay, chợ vẫn chưa thực hiện thu phí, việc quản lý người qua lại biên giới được tạo điều kiện đối với cư dân, thương buôn. Tuy nhiên, để chợ được duy trì tốt, thì vẫn cần có cơ chế quản lý như: Thành lập Ban quản lý chợ để đảm bảo an ninh khu vực, sớm quy hoạch chợ và tích cực kêu gọi nhà đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng... Hiện, chợ Mốc 172 đang được Công ty TNHH Gia Long (thị trấn Cốc Pài) san ủi mặt bằng mở rộng diện tích và xây dựng 3 nhà sàn mỗi nhà 5 gian để phục vụ cho việc trao đổi hàng hóa của các tiểu thương người Trung Quốc, tỉnh Lào Cai cũng như người dân trên địa bàn xã Pà Vầy Sủ.

Bài, ảnh: Văn Long


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa ở huyện động lực "cửa ngõ"

BHG-Ở Bắc Quang, vùng gạo thơm chất lượng cao được khoanh trồng tại 6 xã: Hữu Sản, Liên Hiệp, Bằng Hành, Kim Ngọc, Quang Minh và Việt Vinh. Các xã trên được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu nóng ẩm, đất đai màu mỡ, thuận nước tưới tiêu và có truyền thống canh tác lúa nước lâu đời. Từ rất lâu, sản phẩm lúa, gạo tại 6 xã trên đã nổi tiếng trong cả nước với chất lượng dẻo, thơm

31/10/2017
Người dân thị trấn Đồng Văn hy vọng thoát nghèo từ cây ớt Gió

BHG-Lâu nay, hình thức canh tác của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn được gắn với hình ảnh người lao động, sản xuất trên triền đá với cây trồng chủ yếu là ngô và hoa màu xen canh. Nhưng để tìm được cây trồng phù hợp với khí hậu và địa hình không phải dễ. Thời gian gần đây, cây ớt Gió đang được người dân quan tâm sản xuất, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, XĐGN ở thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn).

 

31/10/2017
Nguyễn Việt Cường đứng dậy từ gian khó!

BHG-"Con đường dẫn đến thành công luôn đầy gian nan. Những trái ngọt ngày hôm nay tôi đang gặt hái đều là những cố gắng không ngừng nghỉ, bằng cả mồ hôi và nước mắt; các bạn trẻ đừng bao giờ bỏ cuộc trước thất bại mà hãy lấy đó làm động lực bước đi". Đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Việt Cường, (sinh 1983), Bí thư Chi đoàn thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành, huyện Bắc Quang, người đang trên hành trình khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi gia súc hàng hóa tập trung, chất lượng cao.

31/10/2017
Quang Bình thu hút các dự án đầu tư vào Cụm công nghiệp Tân Bắc

BHG-Quang Bình - huyện vùng động lực của tỉnh, có nhiều tiềm năng phát triển KT-XH và thu hút đầu tư. Ngoài những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nơi đây còn có hệ thống hạ tầng cơ sở tương đối đồng bộ, mạng lưới giao thông thuận lợi, tính kết nối cao, khả năng vận chuyển hàng hóa giữa các vùng, miền thuận tiện. 

31/10/2017