Hà Giang

Người dân thôn Phia Dầu thoát nghèo nhờ cây chè

20:08, 04/11/2017

BHG - Trong chiến lược phát triển kinh tế của xã Yên Định (Bắc Mê), cùng với cây chuối, cây nguyên liệu giấy và cây Thảo quả..., thì cây chè cũng được xác định là cây trồng chủ lực của xã từ nhiều năm nay. Một trong những thôn đi đầu trong phát triển cây chè là thôn Phia Dầu, với 100% số hộ trong thôn đều trồng chè, đã và đang cho thu nhập ổn định và góp phần đáng kể vào xóa đói, giảm nghèo cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Những ngày cuối Thu, chúng tôi tới thăm thôn Phia Dầu để tìm hiểu về cây chè ở nơi đây. Bởi từ lâu, nhiều người đã từng ví chè ở Phia Dầu chất lượng ngày càng ngon không thua kém gì chè ở các nơi khác trong tỉnh. Dưới cái nắng nhè nhẹ, những ngọn đồi được tô nổi bật bằng một màu xanh ngát của cây chè. Đi đến đâu, chúng tôi cũng cảm nhận thấy được hương thơm ngai ngái của ngọn chè tươi đang được hái. Thôn Phia Dầu có 28 hộ, với 131 khẩu, 100% đồng bào nới đây là dân tộc Dao. Những năm qua, bên cạnh việc trồng lúa, ngô, lạc; trồng rừng, Thảo quả và phát triển chăn nuôi..., người dân trong thôn còn chủ động tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và đưa các cây công nghiệp ngắn ngày cho năng suất, hiệu quả kinh tế vào trồng tại các khu đất đồi rừng của gia đình; một trong số đó là cây chè. Hiện, toàn thôn có tổng số 41 ha chè, trong đó có 32 ha đang cho thu hoạch.

Người dân thôn Phia Dầu sao chè bằng máy để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Người dân thôn Phia Dầu sao chè bằng máy để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Phàn Văn Chắn, Trưởng thôn Phia Dầu cho biết: Tất cả các hộ gia đình trong thôn đều tham gia trồng chè, bình quân mỗi hộ có khoảng 1,5ha chè, nhà trồng nhiều nhất từ 3 đến 5ha. Bên cạnh việc tiêu thụ chè ở các chợ phiên của xã, nhiều hộ gia đình còn chủ động đem bán tại chợ thành phố Hà Giang hoặc tại các quán, nhà hàng..., cho thu nhập cao hơn. Điển hình trong mấy năm trở lại đây, việc thu nhập từ cây chè của thôn đã được cải thiện đáng kể. Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về giống, phân bón theo chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhiều hộ gia đình còn chủ động đầu tư thêm vốn, tận dụng những đồi đất còn bỏ trống để trồng bổ sung, mở rộng diện tích. Đất và khí hậu ở đây rất phù hợp cho cây chè phát triển, chỉ tính riêng trong năm 2014, toàn thôn trồng mới được trên 10ha chè.

Đến thăm gia đình chị Lý Thị Diền, một hộ có kinh tế khá nhất trong thôn;  chị Diền chia sẻ: “Năm 1999 gia đình tôi trồng 3ha chè San tuyết, sau 6 năm gắn bó với cây chè, đến năm 2005 thì chính thức có sản phẩm cho thu hoạch. Cứ mỗi phiên chợ, gia đình tôi lại có từ 2 đến 3 cân chè khô đem bán. Mỗi kg chè khô có thể bán từ 150 đến 160 nghìn đồng/kg. Hàng năm, cứ 3 tháng thì vườn chè lại cho thu hái một lần, sản phẩm thu được sau khi sao sấy đạt từ 20 đến 30kg chè. Như vậy một năm 4 lần cho thu hái được khoảng 120 kg chè khô, doanh thu từ 15 đến 20 triệu đồng”. Thấy rõ hiệu quả trong việc phát triển cây chè, hàng năm, bên cạnh việc chăm sóc tốt những diện tích đã trồng; gia đình chị Diền còn tận dụng những khu vực đất trống để mở rộng diện tích. Riêng trong năm 2016, gia đình chị trồng thêm mới 0,5ha cây chè,  bên cạnh đó, gia đình còn chủ động đầu tư về máy sao sấy nhằm nâng cao chất lượng, sản phẩm chè để có thu nhập cao hơn.

Để giúp người dân đạt hiệu quả cao nhất từ phát triển cây chè, bên cạnh các cơ chế chính sách hỗ trợ về phân bón, máy sao sấy; hàng năm, xã Yên Định còn cử cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn bà con thực hiện các khâu kỹ thuật chăm sóc cây chè, như: Đốn, tỉa cành, vun xới, bón phân..., và trồng bổ sung thêm diện tích mới. Từ việc trồng chè, nhiều hộ gia đình giờ đã có thu nhập ổn định để cải thiện đời sống. Mặc dù, hiện cây chè của thôn Phia Dầu chưa có thương hiệu trên thị trường, song việc người dân tự trồng và tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm đã được người tiêu dùng mua tại các phiên chợ là điều đáng mừng và cần được nhân rộng để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Đức Thủy, Chủ tịch UBND xã Yên Định cho biết: Nắm bắt được hiệu quả kinh tế của cây chè tại thôn Phia Dầu, UBND xã Yên Định đã đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân nhân rộng cây trồng này. Trong phương hướng phát triển kinh tế của xã giai đoạn 2015-2020, xã coi cây chè là một trong những cây trồng mũi nhọn, nhờ có cây chè mà tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm hẳn. Một điều đáng mừng là nhiều người mua chè của thôn đã khẳng định: Chè Phia Dầu có những hương vị riêng, nếu trồng ở những vùng thổ nhưỡng khác khó có thể sánh được. Do vậy, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả cây chè, trong Đề án xây dựng Nông thôn mới, xã xác định cây chè vẫn là cây chủ lực của người dân; xã cũng đã đưa ra định hướng để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm chè Phia Dầu.

Bài, ảnh: Văn Quân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa ở huyện động lực "cửa ngõ"

BHG-Ở Bắc Quang, vùng gạo thơm chất lượng cao được khoanh trồng tại 6 xã: Hữu Sản, Liên Hiệp, Bằng Hành, Kim Ngọc, Quang Minh và Việt Vinh. Các xã trên được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu nóng ẩm, đất đai màu mỡ, thuận nước tưới tiêu và có truyền thống canh tác lúa nước lâu đời. Từ rất lâu, sản phẩm lúa, gạo tại 6 xã trên đã nổi tiếng trong cả nước với chất lượng dẻo, thơm

31/10/2017
Tích cực chuẩn bị gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại Hội nghị APEC

BHG-Nằm trong khuôn khổ Hội nghị APEC năm 2017, diễn ra từ 7-10.11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Aryana Đà Nẵng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Triển lãm "Việt Nam – đối tác kinh doanh tin cậy và giàu tiềm năng", tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch tham gia triển lãm trưng bày các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu...

31/10/2017
Bắc Quang tích cực gieo trồng cây vụ Đông

BHG-Theo kế hoạch, vụ Đông năm nay huyện Bắc Quang phấn đấu gieo trồng gần 1.500 ha cây nông nghiệp; trong đó trên 500 ha ngô, chủ yếu là giống nếp HN88, MX4, MX10, nếp địa phương và các giống ngô lai... Còn lại 900 ha các loại rau, đậu gồm: Dưa chuột, cà chua, khoai tây, bắp cải... Đối với cây ngô, tập trung ở các xã dọc Quốc lộ 2 và các xã Việt Vinh, Tân Quang, Tân Thành, Bằng Hành, Liên Hiệp... các xã trọng điểm trồng rau màu gồm Quang Minh, Hùng An, Đồng Yên, Vĩnh Phúc... 

31/10/2017
Quang Bình thu hút các dự án đầu tư vào Cụm công nghiệp Tân Bắc

BHG-Quang Bình - huyện vùng động lực của tỉnh, có nhiều tiềm năng phát triển KT-XH và thu hút đầu tư. Ngoài những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nơi đây còn có hệ thống hạ tầng cơ sở tương đối đồng bộ, mạng lưới giao thông thuận lợi, tính kết nối cao, khả năng vận chuyển hàng hóa giữa các vùng, miền thuận tiện. 

31/10/2017