Hà Giang

Cần sử dụng hiệu quả phí dịch vụ môi trường rừng

08:43, 01/11/2017

BHG-Thời gian qua, phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã góp phần quan trọng, chấm dứt tình trạng phá rừng, cải thiện đời sống người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện một số địa phương vẫn còn lúng túng trong việc chi trả và sử dụng tiền DVMTR.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng diện tích rừng giao khoán bảo vệ và được nhận tiền chi trả DVMTR là 275.119,6 ha, chiếm 61,8% diện tích rừng toàn tỉnh với 4 chủ rừng là tổ chức Nhà nước, hơn 1.500 chủ rừng cộng đồng dân cư thôn đại diện cho 107.864 hộ có diện tích rừng cung ứng DVMTR. Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (Quỹ) đã ủy nhiệm chi và hướng dẫn Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố, Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng thanh toán tiền DVMTR cho các chủ rừng với tổng số tiền trên 39 tỷ đồng; bàn giao hồ sơ thiết kế và hiện trường trồng rừng thay thế năm 2017 cho BQL rừng phòng hộ Bắc Mê và BQL rừng đặc dụng Du Già. Thực hiện công tác trồng rừng thay thế năm 2017, các hộ đã trồng được trên 132 ha, đạt trên 58% kế hoạch. Qua kiểm tra, đôn đốc, các hộ nhận khoán thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng theo đúng quy trình kỹ thuật từ năm 2 đến năm 4 trên 344 ha. Trong đó, huyện Đồng Văn trên 1 ha, Yên Minh gần 4 ha, Xín Mần gần 7 ha, Bắc Mê trên 331 ha và thành phố Hà Giang 1 ha.

Dù phần lớn các huyện đã làm khá tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn. Tuy nhiên, theo các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, tại các huyện, thành phố, công tác kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo; chi trả tiền DVMTR cho những diện tích rừng còn tranh chấp giữa các thôn; chi trả tiền khi chất lượng rừng không đảm bảo... Có nơi, Hạt Kiểm lâm chi quá nhiều cho trách nhiệm quản lý như huyện Quang Bình, Vị Xuyên sử dụng chi phí quản lý không ưu tiên chi cho hoạt động nghiệp vụ phục vụ công tác lập thủ tục, hồ sơ theo hướng dẫn. Việc chi trả tiền DVMTR cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm Đồng Văn còn chậm tiến độ. Đối với các huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Vị Xuyên, Quản Bạ diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR còn xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản, cháy rừng. Ban kiểm tra, giám sát thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên chưa thực sự quan tâm, việc giám sát thực hiện chính sách chi trả DVMTR.

Bên cạnh đó, chưa có sự phối hợp giữa các BQL bảo vệ và phát triển rừng, BQL rừng phòng hộ với Hạt Kiểm lâm trong việc lồng ghép chi trả tiền DVMTR với tiền hỗ trợ bảo vệ rừng từ ngân sách Nhà nước thuộc các chương trình, Nghị quyết 30a, Nghị định 75. Công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn sử dụng tiền DVMTR của một số đơn vị chi trả cấp huyện, chính quyền địa phương chưa sâu sát đã dẫn đến có một số thôn sử dụng tiền DVMTR chưa hiệu quả, đúng theo hướng dẫn; tiền nhận được không sử dụng hết, trưởng thôn thống nhất người dân gửi tiền ngân hàng. Một khó khăn nữa là địa bàn chi trả tiền DVMTR rộng, nhiều vùng kiểm lâm địa bàn phụ trách 2 – 3 xã nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng nhiệm vụ được giao.

Để sử dụng tiền DVMTR vào đúng mục đích bảo vệ và phát triển rừng, theo Trưởng phòng Kế hoạch – kỹ thuật Quỹ, Phan Đình Bình, các huyện, thành phố cần chỉ đạo các xã, thôn có rừng cộng đồng thành lập tổ tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng; bàn giao dứt điểm nhiệm vụ chi trả DVMTR từ BQL rừng sang Hạt kiểm lâm; hướng dẫn rõ việc quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR đối với cộng đồng thôn, BQL. Đồng thời, đôn đốc các Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND các xã, niêm yết công khai danh sách nhận tiền chi trả DVMTR tại trụ sở thôn, xã...

Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa ở huyện động lực "cửa ngõ"

BHG-Ở Bắc Quang, vùng gạo thơm chất lượng cao được khoanh trồng tại 6 xã: Hữu Sản, Liên Hiệp, Bằng Hành, Kim Ngọc, Quang Minh và Việt Vinh. Các xã trên được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu nóng ẩm, đất đai màu mỡ, thuận nước tưới tiêu và có truyền thống canh tác lúa nước lâu đời. Từ rất lâu, sản phẩm lúa, gạo tại 6 xã trên đã nổi tiếng trong cả nước với chất lượng dẻo, thơm

31/10/2017
Người dân thị trấn Đồng Văn hy vọng thoát nghèo từ cây ớt Gió

BHG-Lâu nay, hình thức canh tác của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn được gắn với hình ảnh người lao động, sản xuất trên triền đá với cây trồng chủ yếu là ngô và hoa màu xen canh. Nhưng để tìm được cây trồng phù hợp với khí hậu và địa hình không phải dễ. Thời gian gần đây, cây ớt Gió đang được người dân quan tâm sản xuất, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, XĐGN ở thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn).

 

31/10/2017
Nguyễn Việt Cường đứng dậy từ gian khó!

BHG-"Con đường dẫn đến thành công luôn đầy gian nan. Những trái ngọt ngày hôm nay tôi đang gặt hái đều là những cố gắng không ngừng nghỉ, bằng cả mồ hôi và nước mắt; các bạn trẻ đừng bao giờ bỏ cuộc trước thất bại mà hãy lấy đó làm động lực bước đi". Đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Việt Cường, (sinh 1983), Bí thư Chi đoàn thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành, huyện Bắc Quang, người đang trên hành trình khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi gia súc hàng hóa tập trung, chất lượng cao.

31/10/2017
Quang Bình thu hút các dự án đầu tư vào Cụm công nghiệp Tân Bắc

BHG-Quang Bình - huyện vùng động lực của tỉnh, có nhiều tiềm năng phát triển KT-XH và thu hút đầu tư. Ngoài những lợi thế được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nơi đây còn có hệ thống hạ tầng cơ sở tương đối đồng bộ, mạng lưới giao thông thuận lợi, tính kết nối cao, khả năng vận chuyển hàng hóa giữa các vùng, miền thuận tiện. 

31/10/2017