Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu ở Hoàng Su Phì

09:39, 03/11/2017

BHG - Thực hiện mục tiêu phát triển cây dược liệu theo hướng hiệu quả, bền vững, huyện Hoàng Su Phì đang tập trung rà soát quy hoạch, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, chú trọng tư vấn chọn lọc giống, chuyển giao KHKT về cách trồng, chăn sóc, thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Nằm ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, Hoàng Su Phì được thiên nhiên ưu đãi với thảm thực vật phong phú; nơi đây không chỉ sở hữu hàng trăm loài cây thuốc quý mà còn lưu giữ rất nhiều bài thuốc dân gian, có khả năng chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Hiện, toàn huyện có trên 2 nghìn ha cây Thảo quả, trong đó, diện tích cho thu hoạch trên 1 nghìn ha, năng suất bình quân ước đạt 9 tạ/ha; sản lượng ước đạt 650 tấn. Những năm qua, cây Thảo quả đã mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân, với giá bán ra thị trường luôn ổn định. Ngoài ra, huyện còn trồng mới được 125,69 ha dược liệu, chủ yếu là các loại cây, như: Gừng, Nghệ đen,  u tẩu, Xuyên khung, Tam thất, Sâm, Atiso, Ích mẫu và Đương quy...

Nậm Ty là xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với rất nhiều loài cây dược liệu. Phát huy thế mạnh đó, từ nhiều năm nay, xã đã tập trung nguồn lực để phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để bảo tồn và phát triển dược liệu của địa phương, đầu năm 2014, đồng bào người Dao ở đây đã tập hợp nhau lại, thành lập HTX để bảo tồn và phát triển nghề thuốc, lấy tên là HTX sản xuất và thu mua cây thuốc Nam. Anh Phàn Giào Chìu, thành viên HTX cho biết: Những năm trước, việc khai thác tràn lan không đi đôi với tái tạo, bảo tồn, dẫn đến tình trạng các loại cây dược liệu trong tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Sau khi thành lập HTX, các thành viên có trách nhiệm bảo tồn, phát triển các loài thuốc quý của dân tộc mình. Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong HTX sẽ quy hoạch để trồng một vườn dược liệu tại nhà với mục đích vừa bảo tồn, vừa nhân giống các loài thuốc quý đang ngày càng hiếm, như: Kim tuyến, Lan gấm, cây Khôi, Huyết dụ, Bẩy lá một hoa, Thài lài tía... Hiện, đồng bào người Dao ở đây vẫn còn lưu truyền được nhiều bài thuốc cổ truyền rất quý, đang được nhiều người biết và chữa bệnh có hiệu quả, như: Thuốc bó gãy xương; thuốc làm tan sỏi thận, sỏi bàng quang; thuốc giúp chị em phụ nữ sau khi sinh; thuốc chữa bệnh vô sinh... Ưu điểm của những loại thuốc này là khi uống không để lại phản ứng phụ, giá cả phù hợp, dễ uống.

Tuy nhiên, việc phát triển dược liệu của huyện vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; việc nghiên cứu, ứng dụng KHKT trong sản xuất giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ dừng lại ở kinh nghiệm cá nhân. Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu; nên khả năng cạnh tranh tiêu thụ dược liệu rất hạn chế...

Theo kế hoạch phát triển cây dược liệu đến năm 2020, cùng với khai thác dược liệu trong tự nhiên, huyện Hoàng Su Phì sẽ tập trung thu hút đầu tư vào việc trồng và chế biến, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tạo việc làm ổn định cho người dân. Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị kinh tế của dược liệu và cây thuốc Nam sẵn có tại địa phương; điều tra, đánh giá đúng thực trạng sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng để có chính sách cụ thể phát triển vùng dược liệu, cây thuốc Nam...

TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Quang tích cực gieo trồng cây vụ Đông

BHG-Theo kế hoạch, vụ Đông năm nay huyện Bắc Quang phấn đấu gieo trồng gần 1.500 ha cây nông nghiệp; trong đó trên 500 ha ngô, chủ yếu là giống nếp HN88, MX4, MX10, nếp địa phương và các giống ngô lai... Còn lại 900 ha các loại rau, đậu gồm: Dưa chuột, cà chua, khoai tây, bắp cải... Đối với cây ngô, tập trung ở các xã dọc Quốc lộ 2 và các xã Việt Vinh, Tân Quang, Tân Thành, Bằng Hành, Liên Hiệp... các xã trọng điểm trồng rau màu gồm Quang Minh, Hùng An, Đồng Yên, Vĩnh Phúc... 

31/10/2017
Xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa ở huyện động lực "cửa ngõ"

BHG-Ở Bắc Quang, vùng gạo thơm chất lượng cao được khoanh trồng tại 6 xã: Hữu Sản, Liên Hiệp, Bằng Hành, Kim Ngọc, Quang Minh và Việt Vinh. Các xã trên được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu nóng ẩm, đất đai màu mỡ, thuận nước tưới tiêu và có truyền thống canh tác lúa nước lâu đời. Từ rất lâu, sản phẩm lúa, gạo tại 6 xã trên đã nổi tiếng trong cả nước với chất lượng dẻo, thơm

31/10/2017
Nguyễn Việt Cường đứng dậy từ gian khó!

BHG-"Con đường dẫn đến thành công luôn đầy gian nan. Những trái ngọt ngày hôm nay tôi đang gặt hái đều là những cố gắng không ngừng nghỉ, bằng cả mồ hôi và nước mắt; các bạn trẻ đừng bao giờ bỏ cuộc trước thất bại mà hãy lấy đó làm động lực bước đi". Đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Việt Cường, (sinh 1983), Bí thư Chi đoàn thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành, huyện Bắc Quang, người đang trên hành trình khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi gia súc hàng hóa tập trung, chất lượng cao.

31/10/2017
Tích cực chuẩn bị gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tại Hội nghị APEC

BHG-Nằm trong khuôn khổ Hội nghị APEC năm 2017, diễn ra từ 7-10.11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Aryana Đà Nẵng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Triển lãm "Việt Nam – đối tác kinh doanh tin cậy và giàu tiềm năng", tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch tham gia triển lãm trưng bày các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu...

31/10/2017