Hà Giang

Về vùng kinh tế "động lực" phía Đông sông Lô

07:36, 05/10/2017

BHG - Mục tiêu của Đảng bộ huyện Bắc Quang trong giai đoạn hiện nay là: Tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển vùng kinh tế “động lực” phía Đông sông Lô gồm các xã thuộc Tiểu khu Trọng con. Nơi đây đất đai màu mỡ, rộng lớn, nhiều sông, suối, ao, hồ, nhân dân luôn mang trong mình truyền thống cách mạng, tự chủ, kiên cường, dám nghĩ, dám làm.

Chúng tôi về Bắc Quang khi trời đã vào giữa Thu. Bí thư Đảng ủy xã Kim Ngọc, Ma Trọng Luận đưa chúng tôi đi một vòng trong Tiểu khu Trọng Con. Đi mới thấy, từ đầu cầu Sảo vào đến Thượng Bình, Hữu Sản, Liên Hiệp, Bằng Hành... ngát màu xanh cây trái. Gần như tất cả diện tích đất trống một thời đã được phủ một màu xanh của cây lâm nghiệp. Lãnh đạo các xã vùng Trọng Con đều xác nhận, rừng kinh tế đang được trồng tập trung chủ yếu ở mạn phía Đông sông Lô. Kinh tế rừng hiện đang là hướng đi hứa hẹn mang lại lợi ích “kép” cho cả vùng Trọng Con.

Các xã phía Đông sông Lô phát triển nuôi trâu hàng hoá.  Trong ảnh: Đàn trâu của gia đình bà Hướng, thôn Nậm Mái, xã Kim Ngọc.
Các xã phía Đông sông Lô phát triển nuôi trâu hàng hoá. Trong ảnh: Đàn trâu của gia đình bà Hướng, thôn Nậm Mái, xã Kim Ngọc.

Dọc Quốc lộ 279 có rất nhiều xưởng thu mua, chế biến gỗ bóc, làm đồ mộc dân dụng. Ghé thăm các xưởng, không khí lao động hết sức sôi động. Lãnh đạo một số xã trong vùng xác nhận, các xưởng chế biến đã giải quyết được nhiều công ăn, việc làm cho nhân dân. Tình trạng thất nghiệp giữa thời điểm nông nhàn hầu như không còn, ngoài thời gian làm việc trong xưởng, một số lao động còn tham gia trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Ở khu vực phía Đông sông Lô, mọi nhà, mọi người đều thi đua làm kinh tế rừng, vườn, ao, chuồng (RVAC) và đang mang lại nhiều kết quả tốt. Cây ăn quả có múi được trồng khắp vùng, cam Vinh, cam Chanh, cam Sành, bưởi đặc sản Da xanh, Phúc Trạch, bưởi Diễn... đang phủ xanh ven vườn đồi, vườn rừng.

Ông Trần Văn Sung, thôn Minh Tường, xã Kim Ngọc cho biết: Thôn có 81 hộ, trên 33 hộ trồng trên 38 ha cây ăn quả có múi, nhiều hộ thu về tiền tỷ mỗi năm nhờ cây ăn quả. Anh Nguyễn Văn Bẩy, thôn Mâng, xã Kim Ngọc đầu tư trồng 185 ha rừng và gần 600 cây cam, hiện rừng đã xanh, cam đã cho quả ngọt. Vùng đất phía Đông sông Lô rất phù hợp phát triển các loài cây ăn quả đặc sản, hiện diện tích cây ăn quả có múi lên tới hàng trăm ha, tới đây sẽ mở rộng cả nghìn ha và sẽ mang lại cho người dân nguồn lợi không hề nhỏ – anh Bẩy nói.

Phát triển trang trại tổng hợp ở xã Vố Điếm.
Phát triển trang trại tổng hợp ở xã Vố Điếm.

Bên cạnh trồng cây kinh tế, người dân các xã phía Đông sông Lô còn chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, cá, lợn...  Mỗi khe suối, hễ có nước là hình thành ao, đập ngăn nước nuôi cá. Nếu như trước kia, Vô Điếm nổi tiếng nhất về diện tích nuôi cá, thì nay, hầu hết các xã vùng Trọng Con đều đắp đập, đào ao thả cá. Phong trào trồng rừng, trồng cỏ, đắp đập, xây chuồng đã lan rộng trong toàn dân, đưa diện tích ao, hồ nuôi cá trên địa bàn huyện lên 963 ha và tập trung chủ yếu, khá dày đặc tại vùng phía Đông sông Lô.

Một điểm mạnh đang nổi lên trong “bản đồ kinh tế” vùng phía Đông sông Lô là chăn nuôi gia súc. Chỉ trong 8 tháng của năm 2017, vùng này đã trồng trên 96 ha cỏ phục vụ chăn nuôi; có trên 1.300 con trâu được mua mới bằng nguồn vốn vay Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Tính đến nay, Bắc Quang có trên 25 nghìn con trâu, trên 850 con bò, tổng đàn gia súc đạt trên 125 nghìn con. Chăn nuôi trâu, bò, lợn đã trở thành thế mạnh của các xã phía Đông sông Lô, nhiều trang trại, gia trại tập trung quy mô lớn đã hình thành.

Có thể nói, Đảng bộ, chính quyền các cấp ở Bắc Quang đã xác định được mục tiêu, chỉ rõ tiềm năng, lợi thế của vùng đất, con người bờ Đông sông Lô. Mong rằng, thời gian không xa, bên bờ Đông sông Lô sẽ vươn lên thành một vùng kinh tế trọng điểm, đủ sức “nâng đỡ” cho vùng đất Cách mạng Bắc Quang phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Làm giàu từ mô hình vườn-ao-chuồng

BHG - Không ngại khó, ngại khổ, anh Vàng A Chung (sinh 1980) là người dân tộc Giáy, sống tại thôn Nà Bưa, xã Mậu Duệ (Yên Minh) đã từng bước ổn định cuộc sống gia đình từ mô hình vườn-ao-chuồng (VAC).

30/09/2017
Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể

BHG - Nghị quyết 02 của BTV Tỉnh ủy về tổ chức sản xuất cho nông dân giai đoạn 2014 - 2020 ban hành ngày 2.7.2014 đã triển khai được 3 năm. Từ sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự quyết tâm của UBND tỉnh, các hình thái kinh tế tập thể sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được đổi mới và phát triển đáng kể, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm.

30/09/2017
Hoàng Su Phì chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc

BHG - Chỉ còn vài tháng nữa là bước vào mùa Đông, đây là thời điểm gia súc dễ bị suy kiệt, chết do đói và rét. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa Đông, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đang tích cực dự trữ rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa vụ Mùa.

29/09/2017
Hội thi Phương án hay nhận ngay tài trợ cho các nhóm cùng sở thích

BHG - Sáng 29.9, tại Trung tâm văn hóa huyện Vị Xuyên, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban điều phối chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh (CPRP) tổ chức hội thi "Phương án hay nhận ngay tài trợ" cho các nhóm cùng sở thích. 

29/09/2017