Trồng chuối - giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển

08:33, 28/09/2017

BHG- Từ năm 2015 trở về trước, cây chuối thường chỉ được người dân trồng nhằm tận dụng những diện tích đất trống để phục vụ sinh hoạt trong gia đình, hay làm thức ăn cho gia súc, nên chưa được đầu tư chăm sóc, thâm canh trở thành hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế, thu nhập cao cho người dân. 2 năm trở lại đây, từ một số mô hình trồng chuối hàng hóa, có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã cho thấy tiềm năng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đối với loại cây này.

Ông Vàng Khái Rèn, thôn Séo Hồ, xã Na Khê, huyện Yên Minh (bên phải) thu được hàng tỷ đồng từ vụ chuối cuối năm 2016.
Ông Vàng Khái Rèn, thôn Séo Hồ, xã Na Khê, huyện Yên Minh (bên phải) thu được hàng tỷ đồng từ vụ chuối cuối năm 2016.

Từ những vườn chuối trị giá tỷ đồng...

Cuối năm 2015, tại thôn Séo Hồ, xã Na Khê (Yên Minh), sau thời gian làm thuê cho các chủ vườn ở Trung Quốc, có kinh nghiệm, hai hộ dân: Vàng Khái Rèn và Lù Hồ Giáo trở về địa phương, mạnh dạn trồng hơn 9.000 cây chuối. Sau 1 năm đầu tư, chăm sóc, tháng 9.2016, những buồng chuối đầu tiên được xuất bán cho các thương lái Trung Quốc. Vụ đầu tiên, mỗi cây chuối cho buồng nặng trung bình khoảng 40kg, may mắn thời điểm đó giá chuối tăng cao ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg nên vườn chuối của 2 nông dân thu về cả tỷ đồng. Năm nay, tuy giá bán chỉ bằng 1 nửa vụ trước, nhưng ông Rèn cho biết: Suất đầu tư cho một cây chuối từ khi trồng đến thu hoạch năm đầu tiên là gần 100.000 đồng/cây. Từ vụ thứ hai không phải đầu tư nhiều như vụ đầu, nên dù năm nay giá chuối giảm nhưng với hơn 6.000 gốc chuối, trừ các loại chi phí, ước tính năm nay vẫn có lãi vài trăm triệu đồng.

Cũng xuất phát từ nhu cầu thu mua chuối xuất khẩu sang Trung Quốc, năm 2016, người dân thôn Hai Luồng, xã Trung Thành (Vị Xuyên) đã ký kết với Công ty TNHH MTV Sơn Thủy (Hà Giang) với hình thức: Công ty thuê những diện tích đất vườn, đồi tạp, đất ven sông của người dân để trồng chuối, với kinh phí 12 triệu đồng/ha; những hộ dân có đất cho doanh nghiệp thuê được tuyển vào làm nhân công trồng, chăm sóc chuối, mức thù lao được trả sau khi thu hoạch là 12.000 đồng/buồng chuối. Tổng diện tích doanh nghiệp liên kết, thuê đất của người dân đầu tư trồng chuối là 15ha. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành, Khổng Văn Tuấn cho biết: Mô hình liên kết ở Hai Luồng được triển khai từ cuối năm 2015. Sau một năm thực hiện, mỗi hộ dân có thu nhập đạt khoảng trên dưới 40 triệu đồng/ha. Đây là nguồn thu lớn đối với các hộ dân vùng khó khăn như thôn Hai Luồng.

Các mô hình trồng chuối với diện tích nhỏ như ở Yên Minh và Vị Xuyên, cây chuối dường như chưa được đánh giá đúng tiềm năng phát triển và giá trị của nó. Dự án trồng chuối của Công ty Cổ phần phát triển nông - lâm nghiệp Hà Giang tại thôn Tạm Mò, xã Yên Định (Bắc Mê) mới thực sự khẳng định hiệu quả kinh tế của cây chuối hàng hóa. Ông Lý Mạnh Cường, Giám đốc công ty cho biết: Dự án trồng chuối của Công ty được thực hiện trên diện tích khoảng 150/260ha đất mà công ty đã mua lại của các hộ dân. Toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch đã được một công ty cam kết thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc (theo giá thị trường tại thời điểm xuất bán), nhưng hiện tại xấp xỉ 9.000 đồng/kg. Với tổng sản lượng vụ đầu tiên này ước đạt trên dưới 1.500 tấn. Trong khoảng nửa tháng nữa, chúng tôi bắt đầu thu hoạch chuối, tính theo giá thu mua hiện tại, 150ha chuối của Công ty sẽ cho thu trên 10 tỷ đồng.

Sau 1 năm trồng, hơn 100 ha chuối của Công ty cổ phần nông lâm nghiệp Hà Giang trồng tại Bắc Mê dự kiến cho giá trị thu hoạch trên 10 tỷ đồng.
Sau 1 năm trồng, hơn 100 ha chuối của Công ty cổ phần nông lâm nghiệp Hà Giang trồng tại Bắc Mê dự kiến cho giá trị thu hoạch trên 10 tỷ đồng.

Đến tiềm năng phát triển

Sau 1 năm trồng chuối thấy có lãi, ông Vàng Khái Rèn và Lù Hồ Giáo ở Séo Hồ, Na Khê đã trồng thêm trên 800 cây chuối. Ông Rèn chia sẻ: Do diện tích đất của gia đình đã hết, nếu không tôi còn trồng thêm nhiều nữa. Nếu được nhà nước hỗ trợ thêm, tôi sẽ thuê đất của người dân phát triển diện tích chuối lớn hơn. Bởi dù giá chuối bằng hoặc thấp hơn hiện tại chút ít, trồng chuối vẫn có lãi hơn nhiều so với các loại cây khác.

Anh Lê Văn Điển, Đội trưởng Đội kỹ thuật dự án chuối của Công ty Cổ phần phát triển nông lâm nghiệp Hà Giang - người đã có 6 năm làm quản lý và kỹ thuật viên các Dự án trồng chuối xuất khẩu ở tỉnh Lào Cai cho biết: Hiện tại suất đầu tư vào 1 cấy chuối từ khi trồng đến khi thu hoạch ở Dự án chuối ở Lào Cai và Hà Giang chưa đến 100.000 đồng. Với mỗi buồng chuối vụ đầu tiên này sau khi thu hoạch, cắt gọt các phần thừa, cuống và đóng gói sản phẩm, mỗi buồng có thể đạt cân nặng trên 20kg, giá thành hiện tại khoảng 9.000 đồng/kg và có thể cao hơn do cuối năm, nhu cầu tiêu thụ chuối ở Trung Quốc rất lớn. Như vậy mỗi cây chuối sẽ cho doanh thu khoảng 200.000 đồng, trừ chi phí có thể lãi trên 100.000 đồng/cây. Với diện tích của công ty hiện tại, vụ đầu tiên có thể lãi khoảng 50% tổng doanh thu.

Anh Điển thông tin thêm, trong thời gian làm việc ở Lào Cai cho các doanh nghiệp trồng chuối, chưa có năm nào doanh nghiệp bị thua lỗ vì giá chuối xuống thấp. Thậm chí có những năm, các doanh nghiệp phải về các tỉnh miền xuôi thu mua chuối lên bán sang Trung Quốc vì khan hiếm. Hiện tại, một số người quen của anh cũng có ý muốn lên Hà Giang thực hiện các Dự án trồng chuối vì tiềm năng phát triển loại cây này ở tỉnh ta là rất lớn. Nhu cầu thu mua chuối luôn cao hơn nguồn cung. Đặc biệt, đối với cây chuối, chỉ cần đầu tư giống năm đầu tiên, những năm sau có thể sử dụng chồi từ cây mẹ để làm giống khoảng 5 – 6 vụ chuối mới phải trồng lại. Đồng thời từ vụ chuối thứ 2, thời gian sinh trưởng được rút ngắn, sau 9 – 10 tháng là được thu hoạch, giảm đáng kể chi phí đầu tư.Theo tìm hiểu, với những gia đình như ông Rèn hay anh Giáo ở Na Khê, để đầu tư kinh phí trồng diện tích chuối như vậy, các hộ đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng. Riêng với Công ty Cổ phần phát triển nông - lâm nghiệp Hà Giang, doanh nghiệp này cho biết đã đầu tư trên dưới 60 tỷ đồng cho Dự án trồng chuối ở Bắc Mê. Nhìn vào những con số đầu tư cho trồng chuối của người dân và doanh nghiệp, cùng sự quan tâm của các doanh nghiệp trong thực hiện liên kết trồng chuối hàng hóa ở một số địa điểm như thôn Hai Luồng, xã Trung Thành (Vị Xuyên), có thể thấy, cây chuối đang ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư trở thành hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, với Dự án trồng chuối ở Bắc Mê, để trồng, chăm sóc toàn bộ diện tích chuối, công ty đã thuê hơn 20 gia đình, với trên 40 nhân khẩu là những hộ dân công ty thu mua đất thực hiện dự án. Mỗi gia đình được công ty giao trồng, chăm sóc từ 4.000 – 6.000 cây và hưởng mức thù lao sau thu hoạch là 1,2 nghìn đồng/kg chuối. Ngoài ra, trong thời điểm thu hoạch chuối, các hộ dân còn được hưởng tiền công vận chuyển chuối từ vườn đến nơi bốc, xếp lên xe. Theo tính toán của doanh nghiệp, mỗi cây chuối cho buồng đạt trên 20kg. Như vậy, mỗi hộ gia đình sau một năm làm công nhân cho công ty, trừ các đợt ứng lương có thể dành dụm khoảng 60 - 80 triệu đồng/năm. Điều này cho thấy cây chuối không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn tạo công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập khá cho lao động nông thôn.

Và những chính sách khuyến khích của tỉnh

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Đức Vinh cho biết: “Chủ trương của tỉnh rất khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất hàng hóa với người dân. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất hàng hóa đối với một số cây, con chủ lực của tỉnh cũng như các loại khác. Đặc biệt là những sản phẩm có nơi bao tiêu sản phẩm. Ngành Nông nghiệp luôn chào đón, ủng hộ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh”.

Đúng như những gì người đứng đầu ngành Nông nghiệp chia sẻ, Điểm e, Khoản 6, Điều 1 Nghị quyết 86 của HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 209, về chính sách hỗ trợ đối với các dự án đầu tư phát triển các cây, con ngoài chính sách quy định: “Tổ chức, cá nhân đầu tư dự án phát triển cây, con ngoài chính sách quy định tại Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và quy định tại Nghị quyết này có quy mô đầu tư 5 tỷ đồng/dự án trở lên được hỗ trợ tối đa 100% lãi suất vốn vay để thực hiện dự án, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất bằng 50% tổng kinh phí đầu tư dự án nhưng tối đa không quá 100 tỷ đồng; thời gian hỗ trợ lãi suất là 36 tháng...”. Đây là sự khẳng định mới nhất của tỉnh ta đối với các dự án sản xuất hàng hóa ngoài danh mục những cây, con chủ lực như dự án trồng chuối ở Bắc Mê. Điều này chắc chắn sẽ là động lực lớn để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các dự án vào tỉnh ta. Tuy nhiên, theo thông tin từ Công ty Cổ phần phát triển nông lâm nghiệp Hà Giang, doanh nghiệp này đã làm các thủ tục xin hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết 86 nhưng vẫn chưa có kết quả phê duyệt. Vì vậy, thiết nghĩ,  điều cần nhất là sớm đưa các chính sách vào cuộc sống, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Rất có thể, trong tương lai gần, cây chuối sẽ trở thành một trong những cây chủ lực của tỉnh trong sản xuất nông nghiệp.

DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Khơi" tiềm năng vùng chè Shan tuyết ở Tân Lập

BHG- Xã Tân Lập (Bắc Quang) là vùng có nhiều diện tích chè Shan tuyết – cây trồng chiến lược trong phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, trước đây lợi thế này chưa thực sự được "đánh thức" để góp phần làm thay đổi diện mạo xã đặc biệt khó khăn. Nhưng khi có sự đồng hành của các cấp, ngành, tiềm năng kinh tế vùng chè Shan tuyết Tân Lập thêm cơ hội bứt phá.

28/09/2017
Hiệu quả từ Tổ hợp tác sản xuất trồng rau an toàn Nậm Lương

BHG- Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang nhận được sự quan tâm của mọi người trong xã hội. Việc trồng rau an toàn, rau sạch đang là hướng đi mới, tất yếu theo nhu cầu của thị trường. Mô hình trồng rau an toàn ở Nậm Lương, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) đang bước đầu cho thấy hiệu quả, được người tiêu dùng đón nhận. 

28/09/2017
Thành công Đề án trồng dứa ở Phong Quang

BHG - Đề án phát triển dứa tại xã Phong Quang (Vị Xuyên) được thực hiện theo Quyết định số 4116 của UBND huyện Vị Xuyên từ 10.11.2015. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Phòng Nông nghiệp – PTNT đã phối hợp với Công ty Cổ phần xuất khẩu thực phẩm (CPXKTP) Đồng Giao (Ninh Bình) và 143 hộ tại thôn Lùng Càng, Bản Mán, Lùng Châu, xã Phong Quang cùng triển khai thực hiện. 

27/09/2017
Nông Quốc Thùy quyết tâm làm giàu với nghề chăn nuôi

BHG - Dám nghĩ, dám làm, chàng trai trẻ Nông Quốc Thùy (sinh 1993) ở thôn Chàng Sát, xã Yên Hà (Quang Bình) quyết tâm khởi nghiệp, vượt khó làm giàu với mô hình chăn nuôi cho thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm. Anh là một trong những đoàn viên, tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.

27/09/2017