Mùa Thu cách mạng ở vùng kinh tế "động lực" Bắc Quang

07:13, 02/09/2017

BHG- Về Bắc Quang thời điểm này, những cơn mưa cuối mùa tưởng như càng làm tăng thêm sức hấp dẫn cho một đô thị trẻ đang căng đầy sức sống. Thị trấn Việt Quang đang trẻ hoá bằng nền kinh tế thương mại, dịch vụ. Các xã lân cận đang cơ cấu sản xuất hàng hoá bền vững. Phong trào “thôn tự chủ, tự quản” gắn xây dựng Nông thôn mới đã, đang làm đổi thay quê hương Bắc Quang từng ngày, từng giờ...

Thế hệ tương lai của huyện Bắc Quang tham dự cuộc thi Toán Olimpic được tổ chức trong năm học vừa qua.Trong ảnh: Những học sinh đoạt giải cuộc thi chụp ảnh lưu niệm tại Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Hùng An.
Thế hệ tương lai của huyện Bắc Quang tham dự cuộc thi Toán Olimpic được tổ chức trong năm học vừa qua. Trong ảnh: Những học sinh đoạt giải cuộc thi chụp ảnh lưu niệm tại Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Hùng An.

Thị trấn Việt Quang nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Hàng hoá đa dạng, nhiều chủng loại có thể làm thoả mãn và hài lòng bất cứ du khách khó tính nào. Bí thư Đảng uỷ thị trấn Việt Quang, Lê Văn Sự vui mừng cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, thị trấn Việt Quang có trên 460 hộ kinh doanh đủ ngành nghề và đa dạng các loại hàng hoá phục vụ sản xuất, đời sống. Giá trị trao đổi hàng hoá hết tháng 8.2017, ước đạt gần 200 tỷ đồng. Hiện tại, Việt Quang có trên 68 tổ chức kinh tế hoạt động. Trong đó, có 20 HTX hoạt động theo Luật, 4 HTX được thành lập mới, 12 Công ty Cổ phần và 36 Công ty TNHH. Giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tính đến tháng 6 ước đạt trên 179 tỷ đồng. Mục tiêu phát triển của thị trấn dựa trên nền tảng của phát triển: Thương mại, dịch vụ gắn liền các ngành nghề tiểu thủ công mỹ nghệ để thúc đẩy du lịch. Kết quả trên là sự cải cách về thể chế hoạt động của các cấp uỷ, chính quyền theo hướng phục vụ nhân dân. Thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông” để giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính. Giải pháp đó đã huy động được nguồn lực trong dân, thu hút được các doanh nghiệp, HTX bỏ vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi với lãnh đạo huyện Bắc Quang về chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, được biết: Tổ chức lại sản xuất ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt từ nay đến năm 2020. Trong đó, các khu vực thuộc thị trấn, thị tứ, Cụm dân cư như: Thị trấn Việt Quang, Tân Quang, Vĩnh Tuy là tập trung phát triển thương mại, dịch vụ. Khuyến khích phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống để phục vụ khách du lịch. Quyết tâm, năm 2017 sẽ có nguồn thu ngân sách địa phương đạt trên 104 tỷ đồng chủ yếu là thu từ phí, lệ phí. Còn lại, ở các cụm dân cư và các xã thì từng bước cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng tập trung sản xuất hàng hoá, chế biến nông sản và hướng tới xuất khẩu nông sản đặc sản của địa phương. Trên cơ sở, khuyến khích sản xuất hàng hoá truyền thống đặc sắc ngay tại các làng, xã. Để từ đó, từng bước áp dụng sản xuất “mỗi làng xã, mỗi địa phương/1 sản phẩm đặc trưng”. Đảng bộ huyện xác định, các sản phẩm đặc sắc của từng làng, xã sẽ tạo ra thế mạnh đủ sức cạnh tranh để hội nhập. Và cho đây là một giải pháp có sức đột phá trong cạnh tranh khi mọi hàng rào thuế quan cắt giảm về không phần trăm trong lộ trình hội nhập nền kinh tế. Tất nhiên, các bước tổ chức lại sản xuất đều phải dựa trên thế mạnh của từng địa phương để có các bước đi phù hợp.

Rời trung tâm huyện lỵ về những nơi có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng quê nhận thấy: Cây chè, cây cam, cây dược liệu, rừng kinh tế được tập trung tối đa công sức, nguồn vốn đầu tư. Sản xuất chè Viet GAP đã từng bước được áp dụng quy mô rộng trên toàn bộ các xã vùng trọng điểm chè ở Hùng An, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tuy, Tân Lập... Tính đến hết tháng 8, diện tích chè Viet GAP đã chiếm trên 1/3 diện tích chè toàn huyện. Tại đây, người sản xuất, nhà chế biến (Công ty TNHH chè Hoàng Long) đã bắt tay liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ chè an toàn. Các sản phẩm chè xanh, chè đen, chè Mat tra (chè thực phẩm, mỹ phẩm) đã được tiêu thụ vào thị trường Nhật Bản, châu  u. Đã có sự liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong địa bàn với các Công ty Nhật Bản để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chè. Đây là một cơ hội mà Bắc Quang đã đạt được trong quá trình thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản đặc sản địa phương. Và Nhật Bản là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về tạo lập giá trị sản xuất hàng hoá chất lượng cao mang tên “Mỗi làng một sản phẩm”.Đối với cây cam, quýt, cây ăn quả có múi, Bắc Quang đã thành lập Hội trồng cam. Hội có trách nhiệm, hướng dẫn trồng, chăm bón, thu mua, tiêu thụ cam Sành đặc sản. Hiện nay, Hội có trên 2.750 hội viên tham gia ở 22/23 xã và đã thành lập Chi hội trồng cam trong toàn huyện. Diện tích các hội viên trồng cam chuyển sang đăng ký canh tác an toàn Viet GAP đã lên tới con số 3.750 ha, chiếm trên 85% diện tích cam hiện có. Vụ cam năm nay, Bắc Quang sẽ đưa ra thị trường trong nước khoảng 30.000 tấn cam thương phẩm chất lượng tốt tới tay người tiêu dùng. Hiện nay, mùa cam chín đang đến rất gần và đầy hứa hẹn một mùa thu hoạch hàng tỷ đồng cho các nhà nông.

Đi sâu về mạn phía Đông Sông Lô là các xã: Hữu Sản, Vố Điếm, Bằng Hành... Ngoài cây ăn quả có múi là các loại cây dược liệu có giá trị được trồng khá phổ biến tại các đồi, vườn rừng. Đến nay, toàn huyện Bắc Quang đã có trên 1.376 ha diện tích đất rừng, đất đồi rừng được cải tạo trồng cây có giá trị kinh tế cao. Kèm theo đó là hàng ngàn ha rừng kinh tế đã trồng phủ xanh hầu hết các đồi đất trống. Độ che phủ rừng của Bắc Quang hiện đang dẫn đầu trong tỉnh, đạt trên 65%-70%. Hàng năm, nguồn thu từ lâm sản trồng đã mang lại nhiều lợi ích về môi trường, kinh tế cho người dân. Mạn phía Đông Sông Lô của Bắc Quang ngày nay đang trở thành nơi thu hút các ngành nghề chế biến lâm sản có xuất phát điểm bằng nghề trồng rừng, trồng cây dược liệu.

Về Bắc Quang còn thấy nhiều cách làm kinh tế đặc sắc, độc đáo. Tính đến hết tháng 6.2017, Ngân hàng NN & PTNT huyện đã cho vay trên 43 tỷ đồng theo Nghị quyết 209/2015/HĐND để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất. Chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông, lâm sản là các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư. Đã có rất nhiều mô hình nuôi trâu, bò, lợn gắn liền việc cải tạo vườn tạp được mở ra. Nghề nuôi cá trên ao hồ, trên sông Lô mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều thương hiệu chè đặc sản Độ Khoa, chè hữu cơ Cổng trời 1, cá Lăng chấm Vĩnh Tuy... đang từng bước chinh phục người tiêu dùng.

Bắc Quang đầu mùa Thu này còn rộn lên các phong trào “Làng tự chủ, thôn tự quản” để hỗ trợ nhau xây dựng Nông thôn mới. Mục tiêu, đến năm 2020, Bắc Quang có 7 xã đạt Chuẩn Nông thôn mới. Hiện tại, Bắc Quang đã có 4 xã 1 thị trấn đã đạt Chuẩn. Cuối năm nay sẽ là xã Tân Quang về đích. Song, nổi trội nhất các phong trào là: Cán bộ, đảng viên trực tiếp đón nhận hỗ trợ và giúp hộ nghèo. Cán bộ, đảng viên cầm tay, chỉ việc và tư vấn làm ăn để các hộ nghèo tự mình nắm bắt cơ hội phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn viên Lý Thị Minh khởi nghiệp từ mô hình phát triển kinh tế gia đình

BHG - Đầu tháng 8 này, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình đoàn viên Lý Thị Minh, sinh năm 1982, tại thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình. Đây là một trong những mô hình thanh niên "khởi nghiệp" đầy triển vọng trên địa bàn huyện Quang Bình. 

31/08/2017
Hợp tác xã trồng rau quả sạch - mô hình cần được nhân rộng

BHG- Sau hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, HTX  Học Lập tại thôn Làng Vàng, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên) nhờ mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lại có sự chủ động nắm bắt xu hướng tiêu thụ hàng hóa nông sản của người tiêu dùng trong địa bàn đã nhanh chóng khẳng định uy tín của mình trước cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên và đông dảo người tiêu dùng thường xuyên tiêu thụ những sản phẩm nông sản chất lượng  của HTX.

31/08/2017
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh: Gửi mẫu giám định bệnh hại trên cây cam Sành tại xã Hương Sơn

BHG  -Trong thời gian vừa qua, trên 15 ha cây cam Sành tại xã Hương Sơn (Quang Bình) xuất hiện bệnh gây hại; hiện chưa rõ nguyên nhân.

31/08/2017
Bắc Mê đẩy mạnh phát triển trâu, bò hàng hóa tập trung theo vùng

BHG - Những năm qua, huyện Bắc Mê đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung; khuyến khích bà con phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nay người dân đã biết đầu tư chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, có đầu tư lớn và ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu, rút ngắn chu kỳ sản xuất. 

31/08/2017