Hiệu quả các mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở Quang Bình

08:59, 16/09/2017

BHG - Trong những năm gần đây, việc phát triển kinh tế hộ bằng các mô hình trang trại, gia trại đã trở thành trào lưu ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quang Bình. Có được điều đó bởi lẽ người dân nhận thức rõ ngoài việc sản xuất nông nghiệp thuần túy, muốn phát triển kinh tế, làm giàu thì phải phát triển kinh tế trang trại, gia trại.

Để các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất; phối hợp với tỉnh, huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân... Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con; ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi, sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, doanh thu từ các mô hình bình quân đạt từ 150 - 300 triệu đồng/năm. Việc phát triển các mô hình kinh tế trên không những giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo mà còn thúc đẩy ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển theo hướng bền vững. Cùng với đó, việc đưa loại hình kinh tế này trở thành một trong những nguồn thu nhập đáng kể cho người dân góp phần đảm bảo các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới của các xã đã đạt được và các xã còn lại.

Mô hình nuôi cá thương phẩm của hộ anh Hoàng Văn Thụy, thị trấn Yên Bình.
Mô hình nuôi cá thương phẩm của hộ anh Hoàng Văn Thụy, thị trấn Yên Bình.

Tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế tại xã Vĩ Thượng, chúng tôi được biết: Để thực hiện hiệu quả các mô hình này, Ban lãnh đạo xã đã gương mẫu thực hiện cho dân tin và nghe theo. Anh Linh Văn Vụ là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩ Thượng nhiều năm, anh có điều kiện được học hỏi tiếp xúc với các mô hình phát triển kinh tế mới, vì vậy anh đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; hướng dẫn người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vươn lên thoát nghèo bền vững. Bản thân anh, ngoài việc được tham quan các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương, anh cũng luôn tự mình tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm những mô hình làm kinh tế giỏi qua sách, phương tiện thông tin đại chúng. Anh đầu tư vào việc chăn nuôi, đào ao thả cá, trồng thêm cây ăn quả. Đến nay, gia đình anh đã và đang duy trì tốt mô hình nuôi cá rô phi đơn tính và cá chép, mỗi năm gia đình anh xuất bán 2 lứa cá/năm với gần 7 tấn cá thịt, trừ chi phí anh cũng thu nhập từ nguồn thu này khoảng 150 – 200 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi và trồng các loại cây ăn quả đã đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình anh.

Không chỉ phát triển theo quy mô hộ gia đình mà nhiều nông dân đã dám nghĩ, dám làm, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi và vận động nguồn lực từ gia đình để tập trung đầu tư lớn hơn vào kinh tế trang trại, nên trang trại chăn nuôi tổng hợp của các hộ gia đình trong xã Vĩ Thượng đã đi vào ổn định và ngày càng phát triển. Đến nay, toàn xã đã có 74 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nhiều điển hình nông dân dám nghĩ, dám làm, phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, như hộ ông Nguyễn Quang Ý ở thôn Yên Thượng với mô hình trồng cam Sành và nuôi trâu sinh sản, vỗ béo trâu gầy cho thu nhập 300 triệu đồng/năm; mô hình phát triển kinh tế VAC của hộ ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Hạ Sơn, cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm; hộ bà Nguyễn Thị Sen ở thôn Yên Thượng với mô hình cải tạo vườn đồi tạp, phát triển kinh tế VAC cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm; hộ anh Nông Văn Vịnh ở thôn Thượng Minh, với mô hình mô hình VAC thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm...

Đến thăm mô hình nuôi cá thương phẩm của một số hộ gia đình tại thị trấn Yên Bình, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy các hộ đều xây dựng các ao nuôi cá rất quy mô. Anh Hoàng Văn Thụy, tổ 4, thị trấn Yên Bình cho biết: Tôi đã đầu tư 0,5 ha mặt nước để nuôi cá, toàn bộ quanh ao đều được xây kè kiên cố, có hệ thống nước ra, nước vào thường xuyên, có máy sục khí để giúp cho cá nhanh lớn. Hiện nay trong ao tôi nuôi 3 loại cá, gồm rô phi đơn tính, cá riêu hồng, cá chép, với số lượng khoảng gần 1 vạn con, thức ăn chủ yếu từ lá và củ sắn, cây chuối cộng với 50% thức ăn công nghiệp. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ xuất bán với giá bình quân 50.000 đồng/kg...

Có thể nói, mô hình kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Quang Bình đã và đang dần được khẳng định với những mô hình phát triển kinh tế đem hiệu quả, năng suất, lợi nhuận cao cho người dân, đến nay trên địa bàn huyện có hàng trăm mô hình trang trại, gia trại lớn nhỏ, các mô hình này đều phát huy được hiệu quả. Để phát huy tốt hiệu quả những mô hình này, cần sự quan tâm sâu sắc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở, trong đó việc khuyến khích và hỗ trợ nhân rộng các mô hình điển hình sẽ tạo tiền đề trong mục tiêu phát triển kinh tế của huyện Quang Bình một cách bền vững.

Bài, ảnh: Hiến Chương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo tham vấn ý kiến hoàn thiện dự thảo báo cáo phân tích và kế hoạch chiến lược đầu tư chuỗi giá trị cây lạc

BHG - Ngày 14.9, Sở NN&PTNT tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến để hoàn thiện dự thảo báo cáo phân tích và kế hoạch chiến lược đầu tư chuỗi giá trị cây lạc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 – 2020. Dự Hội thảo có lãnh đạo một số sở, ngành, UBND các huyện, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất lạc.

15/09/2017
Thành công từ mô hình trồng cây lê xen canh và chăn nuôi tổng hợp

BHG - Trên con đường lập thân, lập nghiệp có nhiều cách làm, lĩnh vực để các bạn trẻ lựa chọn cho mình hướng đi riêng, vừa khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương nhưng cũng phù hợp với điều kiện, sở trường. 

15/09/2017
Hoàng Su Phì chú trọng phát triển cây ăn quả bản địa

BHG - Những năm gần đây, huyện Hoàng Su Phì tập trung phát triển các loại cây ăn quả bản địa (cây lê, mận) theo hướng sản xuất hàng hóa mang tính bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. 

15/09/2017
Người tiên phong đưa cây Thanh long ruột đỏ về trồng cho thu nhập cao ở xã Đồng Yên

BHG - Cây Thanh long ruột đỏ được trồng phổ biến ở các tỉnh miền Nam như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và một số tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc... Những năm gần đây, loại cây này được anh Đỗ Đại Tuân, sinh năm 1987 đưa về trồng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Đồng Yên (Bắc Quang).

 

15/09/2017