Góp phần thực hiện "Năm cao điểm Vệ sinh an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp"

08:28, 20/09/2017

 

BHG - Những năm qua, việc tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp là chủ đề rất được quan tâm. Ngày 29.3.2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 87 thực hiện “Năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp”. Để tìm hiểu về công tác đảm bảo VSATTP trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, phóng viên (P.V) có cuộc trao đổi với đồng chí (đ/c) Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Quản lí chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh.

- P.V: Xin đ/c cho biết những trọng tâm trong kế hoạch “Năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp” của tỉnh!?.

- Đ/c Nguyễn Văn Thành: Hà Giang là nơi có truyền thống sản xuất đặc thù với nhiều nông sản nổi tiếng bởi chất lượng, uy tín xuất xứ như: Cam sành, mật ong bạc hà, chè, thịt bò vàng vùng cao... Phát huy lợi thế này, những năm qua tỉnh rất chú trọng áp dụng thực hành nông nghiệp tốt vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2017, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch “Năm cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp” với mục tiêu là nâng cao hiệu quả công tác quản lí VSATTP, giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho sử dụng hàng ngày. Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về VSATTP, tập trung vào các quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; các quy định của pháp luật về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về VSATTP. Thông tin kịp thời, đẩy đủ về VSATTP nông lâm thủy sản, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng.

Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt. Tuân thủ quy định về điều kiện kinh doanh vật tư nông nghiệp, điều kiện về đảm bảo VSATTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm, thủy sản. Chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác quản lí nhà nước về VSATTP; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về VSATTP. Kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và VSATTP nông sản thực phẩm nhập khẩu, ngăn chặn, xử lí nghiêm việc nhập lậu vật tư nông nghiệp, nông sản thực phẩm. Thông tin kịp thời cho người tiêu dùng sản phẩm, vật tư không đảm bảo.

- P.V: Với nhiệm vụ được giao, thời gian qua Chi cục đã và đang thực hiện những hoạt động gì để góp phần vào công tác VSATTP trong nông nghiệp!?.

- Đ/c Nguyễn Văn Thành: Có thể nói, những năm qua tình hình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh ta tương đối ổn định, không phát hiện những vụ việc vi phạm lớn như ở nhiều tỉnh, thành khác. Có được điều đó là nhờ sự quan tâm của tỉnh, các ngành chức năng đối với công tác đảm bảo VSATTP. Với chức năng của mình, thời gian qua Chi cục đã thực hiện tốt việc thẩm định, cấp chứng nhận điều kiện ATTP cho nhiều cơ sở. Kiểm tra, cấp xác nhận kiến thức ATTP cho các cá nhân. Qua đó, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra chuyên ngành, thanh tra nhiều cơ sở chế biến thực phẩm về việc việc chấp hành pháp luật ATTP tại nhiều địa bàn. Kịp thời nhắc nhở và yêu cầu những cơ sở còn tồn tại hạn chế cần phải khắc phục ngay để đảm bảo VSATTP. Tích cực quảng bá hình ảnh về sản xuất và các sản phẩm nông lâm, thủy sản của Hà Giang, tập trung vào 6 sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Trọng tâm năm 2017, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai VietGAP trên cam sành với diện tích 1.236ha, đưa tổng diện tích cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP toàn tỉnh là trên 2.770ha; triển khai thực hành nông nghiệp tốt trên diện tích chè với diện tích 3.830ha, đưa tổng diện tích chè đạt tiêu chuẩn GAP lên 7.234ha, chiếm 40% diện tích chè cho thu hoạch toàn tỉnh. Đến nay Chi cục đã tích cực đôn đốc, hướng dẫn các huyện thành lập 44 cơ sở sản xuất Chè VietGAP và cam sành VietGAP, vận động 1 doanh nghiệp và 7 HTX tham gia vào xây dựng vùng sản xuất chè búp tươi theo nông nghiệp tiêu chuẩn hữu cơ với quy mô 1.582ha; tập huấn VietGAP trong sản xuất cam, chè 38 lớp tập huấn/3.242 hộ/44 cơ sở. Triển khai lựa chọn nhà thầu thực hiện 1.582ha chè theo tiêu chuẩn hữu cơ, 2.167ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện 1.236ha cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo đúng Luật đấu thầu; triển khai việc thiết kế, xây dựng hệ thống các vùng sản xuất cam sành, chè búp tươi được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP trên nền phần mềm bản đồ VN2.000 nhằm cung cấp thông tin về tiềm năng và hiện trạng phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo các tiêu chuẩn chất lượng của tỉnh và hỗ trợ công tác quản lý, giám sát hiệu quả các vùng sản xuất cam, chè trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, Chi cục đã phối hợp với huyện Vị Xuyên và đơn vị tư vấn hoàn thành cấp chứng nhận 2 vùng sản xuất rau VietGAP tại Vị Xuyên; hoàn thành việc cấp 2 giấy xác nhận chuỗi an toàn thực phẩm gồm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 6 sản phẩm rau và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho một số sản phẩm chế biến từ thịt bò, phấn đấu trong năm 2017 xây dựng và cấp xác nhận cho 6-8 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Phối hợp với Cục Trồng trọt tham gia đoàn kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất rau, chè....

- P.V: Cuối năm bao giờ cũng là thời điểm nhộn nhịp sản xuất, kinh doanh, Chi cục sẽ có những hoạt động như thế nào để góp phần kiểm soát VSATTP trong nông nghiệp!?

- Đ/c Nguyễn Văn Thành: Chi cục sẽ tiếp tục tổ chức đợt kiểm tra đột xuất về ATTP ở một số huyện, thành phố, tập trung vào cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh, cơ sở kinh doanh phân bón, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa quả... Tham gia đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh về giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm năm 2017 tại huyện Bắc Mê. Triển khai kế hoạch cao điểm thanh kiểm tra, giám sát ATTP và lấy mẫu giám sát ATTP trước Tết Trung thu. Tích cực phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, đặc biệt là báo, đài tỉnh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về ý thức đảm bảo VSATTP trong sản xuất và tiêu dùng. Tiếp tục bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện, xử lí các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực được giao quản lí, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2018.

- P.V Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

HUY TOÁN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đảng viên Hoàng Văn Pẳn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình ở thôn Tân Sơn

BHG - Đảng viên Hoàng Văn Pẳn, sinh năm 1960, Bí thư Chi bộ thôn Tân Sơn, xã Nà Chì (Xín Mần) luôn được người dân yêu quý và mến phục bởi ông không chỉ là cán bộ thôn luôn hết lòng, trách nhiệm với các hoạt động của địa phương mà còn là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình.

20/09/2017
Làng thanh niên lập nghiệp nơi biên cương Tổ quốc

BHG - Dọc theo con đường đang được thi công từ thôn Bản Hình vào thôn Phìn Sảng, chúng tôi thăm Làng thanh niên lập nghiệp (TNLN) biên giới Minh Tân (Vị Xuyên). Dưới những nếp nhà sàn truyền thống của người dân tộc Dao, cuộc sống nay đã no đủ hơn; ven đồi vài đàn dê thong dong gặm cỏ, những nương chè, nương ngô xanh mướt. 

20/09/2017
Người phụ nữ làm kinh tế giỏi ở Sủa Pả A

BHG - Sinh ra và lớn lên trong đói nghèo, lam lũ, chị Vàng Thị Mỷ, người con của dân tộc Mông, sinh năm 1984 ở thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo (Đồng Văn) thấu hiểu rằng muốn để con cái có được một tương lai tốt đẹp, gia đình được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì phải tìm cách để phát triển kinh tế, thoát khỏi cảnh lên nương rẫy tìm cái ăn mỗi ngày. 

19/09/2017
Đổi mới sản xuất nông nghiệp ở Bắc Mê

BHG - Nhằm kích cầu phát triển kinh tế, trong những năm qua Đảng bộ huyện Bắc Mê đã tập trung chỉ đạo bằng nhiều giải pháp để phát triển chăn nuôi gia súc, thông qua nhiều cơ chế hỗ trợ, qua đó tốc độ tăng trưởng đàn gia súc hàng năm tương đối ổn định. Năm 2016 tổng đàn gia súc có 311.197 con.

19/09/2017