Bước chuyển mình sau 2 năm thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

18:00, 08/09/2017

Kỳ II - Xác lập tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong 2 năm qua đạt gần 393 tỷ đồng. Trong đó, vốn giao thực hiện Đề án Tái cơ cấu trên 30 tỷ đồng, vốn sự nghiệp nông nghiệp gần 12 tỷ đồng, vốn vay theo Nghị quyết 209/HĐND trên 273 tỷ đồng, lồng ghép từ các nguồn phân cấp cho huyện gần 13,6 tỷ đồng và vốn khác gần 63 tỷ đồng. Những dòng vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời đã và đang tạo nên diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp.

[links()]

Sau vụ thu hoạch dứa đầu tiên, người nông dân Phong Quang đã có của ăn, của để.
Sau vụ thu hoạch dứa đầu tiên, người nông dân Phong Quang đã có của ăn, của để.

Vụ thu hoạch dứa vừa qua, người nông dân Phong Quang (Vị Xuyên) thắng đậm khi được cả mùa, cả giá. Chủ tịch UBND xã Phong Quang Nguyễn Mạnh Thắng tự hào cho biết, Đề án Phát triển dứa hàng hóa sau 18 tháng thực hiện đạt kết quả rất khả quan. Trên địa bàn xã có 143 hộ tham gia, tổng diện tích thực hiện 52 ha, trong đó có gần 43 ha phát triển tốt, chiếm 82%, trên 9 ha phát triển kém, chiếm 18%; tỷ lệ cây ra hoa, quả đạt 70%, năng suất bình quân 18 tấn/ha, những hộ đầu tư chăm sóc tốt năng suất đạt 30-33 tấn/ha. Sản lượng toàn vụ dứa đạt 861 tấn, trong đó bán theo hợp đồng cam kết với Công ty Đồng Giao 466 tấn, giá thu mua 3.500 đ/kg, doanh thu trên 1,6 tỷ đồng; 395 tấn người dân bán ngoài thị trường, giá bình quân 6.000 đ/kg, doanh thu gần 2,4 tỷ đồng... tổng doanh thu dứa vụ 1 đạt trên 4 tỷ đồng.

Sau khi thu hoạch xong dứa chính vụ, hiện người dân Phong Quang đang tập trung làm cỏ, bón phân, chăm sóc vụ 2, dự kiến thu hoạch sau Tết Nguyên đán tới đây. Theo tính toán của cán bộ kỹ thuật Công ty Đồng Giao - doanh nghiệp liên kết trồng, bao tiêu sản phẩm dứa với người dân Phong Quang, vụ dứa tới, trọng lượng sẽ đạt bình quân 0,5kg/quả, với diện tích hiện có, sản lượng đạt khoảng 193 tấn và người trồng dứa sẽ có thêm gần 2 tỷ đồng thu được từ bán sản phẩm. Ngoài ra, bà con còn thu được trên 5,7 triệu chồi giống, đơn giá thu mua 400 đồng/chồi, vùng dứa Phong Quang sẽ có thêm số tiền trên 2,3 tỷ đồng. Sau 2 vụ thu hoạch quả, bán chồi dứa giống, người nông dân sẽ có trong tay trên 8,2 tỷ đồng, bình quân thu nhập đạt 170 triệu đồng/ha, lợi nhuận 100 triệu đồng/ha. Như vậy, tính cả chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây dứa (30 tháng), lợi nhận thu được/ha đất canh tác cao hơn 44,5 triệu đồng so với trồng ngô. Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện Vị Xuyên sẽ tiếp tục mở rộng vùng trồng dứa theo hình thức liên kết với doanh nghiệp tại xã Phong Quang, Phú Linh, Kim Linh, Tùng Bá, Đạo Đức, Quảng Ngần, Ngọc Minh, Bạch Ngọc... nhằm tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa.

Công ty Đồng Giao - doanh nghiệp đi tiên phong, đã nhiều năm gắn bó với người nông dân tỉnh ta trong thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp hàng hóa. Sau nhiều lần triển khai các mối liên kết, tính bền vững đã được xác lập, trách nhiệm của các bên liên quan được thực thi hiệu quả hơn, giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng lên, thu nhập của người nông dân cao hơn nhiều so với sản xuất thuần túy. Sau Công ty Đồng Giao, hiện nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đang rất quan tâm, có ý định đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mới đây nhất, Công ty TNHH Hào Hưng (thành phố Hồ Chí Minh) - nhà đầu tư mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp đã đến thực địa tại Hà Giang và có cuộc tiếp xúc, làm việc chính thức với các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Công ty TNHH Hào Hưng thành lập từ năm 2000, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến nguyên liệu giấy, ván ghép thanh, xây dựng cầu cảng. Đến nay, doanh nghiệp đã mở rộng quy mô hoạt động trên toàn quốc với 27 chi nhánh, hơn 3 nghìn cán bộ, công nhân viên. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Hào Hưng cho biết, sau một thời gian tìm hiểu thực tế các cơ chế, chính sách của tỉnh, doanh nghiệp quyết định xây dựng chiến lược đầu tư ra Hà Giang. Công ty đã đề xuất với tỉnh, cho chủ trương đầu tư một số dự án thuộc lĩnh vực lâm nghiệp như, xây dựng vườm ươm cây giống cấy mô chất lượng cao với công suất 5-6 triệu cây/năm; xây dựng Nhà máy chế biến gỗ ván ghép thanh và dây chuyền ván sợi với công nghệ hiện đại, tính tự động hóa cao. Thực hiện các dự án trên, doanh nghiệp cần khoảng 30 nghìn ha đất rừng trồng nguyên liệu và cam kết sẽ cung cấp cây giống, phân bón, ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho người dân theo giá thị trường.

Trước đó, một số doanh nghiệp lớn cũng đã mạnh dạn đầu tư nhiều tỷ đồng thực hiện các dự án nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu như Công ty Cổ phần phát triển nông - lâm nghiệp Hà Giang trồng chuối xuất khẩu tại xã Yên Định (Bắc Mê). Anh Lý Mạnh Cường, Giám đốc Công ty cho biết, được sự đồng ý, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ đồng, triển khai trồng được 150 ha chuối xuất khẩu, cây chuối phát triển rất tốt và đã cho quả. Thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, bước đầu doanh nghiệp tạo công ăn, việc làm ổn định cho hơn 60 lao động, trong đó có 30% con em người địa phương...

Hay như, Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam - Chi nhánh Hà Giang cũng dành hàng chục tỷ đồng, đầu tư thực hiện Dự án Phát triển nông thôn bền vững vùng Phìn Hồ từ cây dược liệu và cây chè bản địa. Doanh nghiệp được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, triển khai dự án trên diện tích 237 ha tại thôn Phìn Hồ, xã Tân Thành (Bắc Quang). Dự án bắt đầu khởi động từ tháng 4.2016, đến nay Công ty đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cùng các hạng mục phụ trợ như: Hoàn thành lắp đặt Nhà máy sản xuất, lắp ráp dây chuyền sản xuất bột chè xanh xuất khẩu; đầu tư phòng khám, chữa bệnh; tiến hành trồng 2 ha dược liệu; vườn ươm giống cây dược liệu 1.500 m²; xây dựng trên 3 km đường bê-tông nối từ trung tâm xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì) lên khu vực Phìn Hồ; trồng trên 75 ha thảo quả và trên 15 ha một số loại cây dưới tán rừng; xây dựng vườn cây mẫu trong rừng với gần 160 loại dược liệu... Từ thực tiễn triển khai, cũng như đánh giá nghiêm túc hiệu quả kinh tế của dự án, Công ty mong muốn được UBND tỉnh tạo điều kiện, cho thuê thêm 500 ha đất để mở rộng diện tích trồng dược liệu.

Cùng với sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, sau khi Đề án Tái cơ cấu được triển khai, các huyện, thành phố cũng đã có cách làm chuyên nghiệp hơn, nhằm hình thành các sản phẩm hàng hóa, có giá trị kinh tế cao. Đơn cử như, huyện Quản Bạ, Yên Minh đã có chiến lược nhân rộng diện tích, nâng cao giá trị sản phẩm hồng không hạt. Đến nay, Quản Bạ sở hữu trên 92 ha hồng không hạt, trên 56 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 286 tấn và đã đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; huyện Yên Minh cũng sở hữu trên 205 ha hồng không hạt, gần 32 ha cho sản phẩm, năng suất bình quân gần 38 tạ/ha, sản lượng đạt trên 120 tấn. Còn huyện vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn lại tập trung phát triển cây lê, diện tích hiện có lên tới hơn 433 ha, gần 198 ha cho thu hoạch, năng suất trên 42 tấn/ha, sản lượng 839 tấn.

Thực hiện công cuộc tái cơ cấu, đến nay hầu hết những lĩnh vực thế mạnh, được xác định tập trung nội lực, ngoại lực để trở thành hàng hóa đều cho “hoa thơm, trái ngọt”. Sau 2 năm thực hiện đề án, cơ cấu nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 33,4%, đạt trên 101%; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm trên 30%, đạt 101% mục tiêu đề ra; giá trị sản xuất/ha canh tác đạt trên 41 triệu đồng... Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, nhưng con đường tái cơ cấu phía trước còn rất gian nan, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao hơn nữa của mọi cấp, mọi ngành và mỗi người dân.

Kỳ cuối – Tháo gỡ “nút thắt” trên con đường tái cơ cấu

THIÊN THANH

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn với Chương trình1 triệu tấn xi-măng

BHG - Chương trình 1 triệu tấn xi-măng được tỉnh ta phát động vào đầu năm 2017, nhằm đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, xây dựng Nông thôn mới (NTM) theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Chương trình được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 25% số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí về đường giao thông trong bộ tiêu chí NTM; nâng số xã đạt chuẩn NTM từ 16 xã năm 2016 lên 38 xã vào năm 2020; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. 

08/09/2017
Bước chuyển mình sau 2 năm thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Kỳ I - Hướng tới những... "mùa quả ngọt"

Năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu nhằm nâng cao giá trị, sự đóng góp của ngành Nông nghiệp trong phát triển KT-XH; tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển cân đối, hợp lý giữa trồng trọt - chăn nuôi - lâm nghiệp. Sau 2 năm nỗ lực thực hiện tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang có bước chuyển mình mạnh mẽ.

08/09/2017
Những nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Quang Bình

BHG - Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững" là một trong những phong trào thi đua được Hội Nông dân (HND) huyện Quang Bình triển khai thực hiện hiệu quả, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, nghị lực vượt khó của quần chúng nhân dân vươn lên làm giàu chính đáng.

08/09/2017
Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng ĐBKK và Giao ban tiến độ Chương trình xây dựng NTM

BHG - Ngày 8.9, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) giai đoạn 2014 – 2016 và Giao ban tiến độ Chương trình xây dựng NTM. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, thành phố, huyện, xã...

08/09/2017