Hà Giang

Thanh niên Xín Mần khởi nghiệp với nhiều thử thách

08:25, 10/08/2017

BHG - Nguồn vốn đầu tư, đầu ra sản phẩm, các thể chế, chính sách... Đó là những băn khoăn và thử thách với thanh niên (TN) huyện Xín Mần sau khi diễn đàn khởi nghiệp @ được tổ chức đầu năm 2017. Tại diễn đàn TN khởi nghiệp @, đã có 46 ý tưởng của TN được giới thiệu ở các lĩnh vực, như: Trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán... Tuy số lượng ý tưởng của TN chưa nhiều, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền huyện Xín Mần đã đưa diễn đàn khởi nghiệp @ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến với TN. 

Khởi nghiệp là một quá trình phấn đấu lâu dài và để thành công thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong đó, nguồn lực đóng vai trò quan trọng để cho TN khởi nghiệp, nhất là nguồn vốn đầu tư cho việc thực hiện các mô hình. Trong số 46 ý tưởng được TN giới thiệu tại diễn đàn có dự tính kinh phí ban đầu để thực hiện trong khoảng từ 60 - 150 triệu đồng, trong khi đó, huyện Xín Mần là một trong 6 huyện nghèo 30a của tỉnh, có địa hình phức tạp, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 58,74%... Vì vậy, vấn đề nguồn vốn đang là trở ngại không nhỏ đối với TN khởi nghiệp. Trao đổi với nhiều TN đang chuẩn bị làm kinh tế hoặc đang làm chủ các mô hình khởi nghiệp về tâm tư, băn khoăn thì tất cả đều có chung một câu trả lời đó là vốn. Chị Lù Thị Nghì, Tổ trưởng mô hình dệt thổ cẩm Nùng U, thôn Nấm Dẩn, xã Nấm Dẩn chia sẻ: Để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lâu đời của dệt thổ cẩm Nùng U, tạo việc làm tại chỗ cho TN, nên Chi đoàn thôn Nấm Dẩn đã chọn mô hình dệt thổ cẩm để khởi nghiệp. Mô hình có dự tính chi phí ban đầu với 70 triệu đồng để duy trì hoạt động và cần tổng kinh phí khoảng 150 triệu đồng để trang bị máy móc và thành lập HTX sau này. Do đó, nếu không được sự hỗ trợ kịp thời thì đó là một thách thức lớn đối với việc thực hiện và duy trì hiệu quả mô hình.

Thực tế cho thấy, ngoài một số ý tưởng dựa trên tiềm năng lợi thế vốn có của địa phương như trồng Thảo quả hay dệt thổ cẩm; thì đa số các ý tưởng khác đều xuất phát từ sản xuất truyền thống, chăn nuôi, trồng trọt mà chưa có nhiều tính đột phá, sáng tạo. Trong 46 mô hình được giới thiệu tại Diễn đàn khởi nghiệp, chỉ có 3 mô hình được các đại biểu đánh giá thiết thực, sáng tạo và rõ nét là: Mô hình trồng Thảo quả gắn với bảo vệ rừng; dệt thổ cẩm Nùng U (xã Nấm Dẩn) và trồng rau sạch ở Cốc Pài. Đoàn viên Nùng Văn Đơn, chủ ý tưởng của mô hình rau sạch, cho biết: Với thị trường như hiện nay, nhu cầu rau sạch được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, huyện Xín Mần có nhiều lợi thế về con người, đất đai, khí hậu... Từ suy nghĩ đó, nên tôi muốn trồng rau sạch bằng việc sử dụng phân giun và áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động. Sản phẩm sản xuất ra trước hết sẽ cung cấp cho người dân trong huyện và vùng lân cận... Hiện tại, mô hình được anh Đơn và các thành viên trong nhóm đang được triển khai. Tuy nhiên, anh Đơn cũng mong muốn: Các cấp chính quyền hỗ trợ trong việc liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Do hầu hết các ý tưởng khởi nghiệp đều xuất phát theo khả năng của TN mà chưa quan tâm nhiều đến thị trường tiêu thụ, nên vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là nỗi lo của nhiều TN. Anh Lộc Văn Huy, Bí thư Đoàn xã Pà Vầy Sủ cũng chia sẻ: Xã Pà vầy Sủ là xã đặc biệt khó khăn của huyện, năm 2017 diễn đàn khởi nghiệp @ đã thổi làn gió mới cho phong trào TN làm kinh tế trong xã. Đã có trên 10 TN tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, như: Nuôi bò, dê và trồng trọt... Tuy nhiên, đa số các sản phẩm do TN làm ra chủ yếu bán tại chợ địa phương nên không chủ động được giá cả, bán giá thấp hoặc bị thương lái ép giá. Nếu như giải quyết được vấn đề đầu ra sản phẩm thì việc TN khởi nghiệp sẽ mang tính thiết thực và hiệu quả hơn.

Trao đổi với chúng tôi về những thách thức của TN khi lập nghiệp, đồng chí Thèn Văn Quân, Bí thư Huyện đoàn Xín Mần cho biết: Huyện đoàn Xín Mần luôn nỗ lực sát cánh, đồng hành cùng với ĐVTN, phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tạo điều kiện về chính sách, tiếp cận nguồn vốn vay, khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường cho TN lập nghiệp. Những băn khoăn của TN cũng là trăn trở và nhiệm vụ trọng tâm của Huyện đoàn trong thời gian tới...

VĂN LONG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại ở Bắc Quang

Phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm theo quy mô gia trại, trang trại (GTTT), hướng đến chăn nuôi theo chuỗi liên kết đang mở ra bước ngoặt quan trọng cho nghề chăn nuôi trên địa bàn huyện Bắc Quang.

10/08/2017
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh kiểm tra dự án Thủy điện Nho Quế I và quy hoạch xây dựng Trung tâm xã Lũng Cú

BHG - Trong 2 ngày (8 – 9.8), đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc, kiểm tra Dự án Thủy điện Nho Quế I (Mèo Vạc) và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB) thực hiện các dự án theo quy hoạch xây dựng Trung tâm xã Lũng Cú (Đồng Văn). 

09/08/2017
Hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm cam sành niên vụ 2017-2018

BHG - Sáng 9.8, tại phòng họp Hội trường lớn huyện Bắc Quang, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm cam sành niên vụ 2017-2018. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 

09/08/2017
Tập trung đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh các công trình thủy điện

BHG- Những ngày đầu tháng 8, trên những công trường xây dựng thủy điện tại tỉnh ta, hàng nghìn cán bộ, công nhân vẫn miệt mài, hăng say lao động chạy đua với thời gian, mưa lũ vì mục tiêu đảm bảo tiến độ thi công; sớm đưa nhà máy thủy điện (NMTĐ) đi vào hoạt động, phát điện chính thức lên lưới điện Quốc gia, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển KT-XH của tỉnh.

09/08/2017