Tập trung đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh các công trình thủy điện

08:34, 09/08/2017

BHG- Những ngày đầu tháng 8, trên những công trường xây dựng thủy điện tại tỉnh ta, hàng nghìn cán bộ, công nhân vẫn miệt mài, hăng say lao động chạy đua với thời gian, mưa lũ vì mục tiêu đảm bảo tiến độ thi công; sớm đưa nhà máy thủy điện (NMTĐ) đi vào hoạt động, phát điện chính thức lên lưới điện Quốc gia, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển KT-XH của tỉnh.

Nhân viên Nhà máy Thủy điện Sông Lô 4 cài đặt các thông số kỹ thuật.
Nhân viên Nhà máy Thủy điện Sông Lô 4 cài đặt các thông số kỹ thuật.

Hiện tỉnh ta đã lập quy hoạch 46 NMTĐ, tổng công xuất thiết kế 779 MW, hiện đã hoàn thành đưa vào khai thác 15 nhà máy với tổng công xuất 392,3 MW. Trên dòng sông Lô (đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hà Giang) hiện có 3 dự án thủy điện đang thi công là Thủy điện Sông Lô 2, Sông Lô 4 và Sông Lô 6 và các công trình thủy điện khác trên địa bàn toàn tỉnh đang chạy đua với thời gian để hoàn thành, chính thức phát điện vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018.

Trên công trường Thủy điện Sông Lô 4, tại thôn Ngần Hạ, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang, công trường còn đang ngổn ngang vật liệu; hàng trăm cán bộ, công nhân miệt mài lao động như chạy đua với thời gian, gấp rút với công việc cuối cùng để hoàn thành, khai thác vào cuối năm nay. Công trình do Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Lô 4 làm chủ đầu tư được khởi công từ cuối năm 2015. Dự án có công suất lắp máy 24 MW, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, dự kiến phát điện tổ máy số 1 vào tháng 8.2017, khi nhà máy hoàn thành trung bình sản xuất gần 80 triệu KWh điện mỗi năm và đóng góp lớn cho ngân sách địa phương. “Đến nay, công trình hoàn thành khoảng 95% khối lượng công việc, trong quá trình thi công cũng gặp không ít khó khăn do điều kiện địa hình nhỏ hẹp, mực nước sông thường xuyên dâng cao trong những ngày mưa to, việc xây dựng nền móng nhà máy gặp khó khăn do địa chất phức tạp. Thời gian để hoàn thành các phần việc chỉ còn tính bằng ngày, nên chủ đầu tư đã làm việc với các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng bằng mọi biện pháp. Do đó, ngay cả trong những ngày lễ, Tết công trường vẫn có các bộ phận làm việc”, anh Trương Đình Đàn, Chỉ huy Trưởng công trường Thủy điện Sông Lô 4 cho biết.

Anh Lê Văn Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Lô 4 khẳng định: Để tổ máy số 1 sẽ phát điện trong tháng 8.2017, trong thời gian qua, toàn bộ cán bộ, công nhân công ty đã chủ động khắc phục khó khăn về thời tiết, không quản thời gian ra sức thi đua lao động, đến nay các hạng mục chính của công trình đã cơ bản hoàn thành 100% khối lượng và đang trong quá trình bàn giao đưa vào sử dụng như: Các hạng mục xây dựng; Hạng mục cung cấp, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công đã hoàn thiện 100% công tác lắp đặt và thử khô hiện tại đang tiến hành tích nước thử để bàn giao đưa vào sử dụng; Hạng mục cung cấp, lắp đặt thiết bị cơ điện đồng bộ  đã hoàn thiện công tác lắp đặt tổ máy H1 và đang trong quá trình cài đặt, hiệu chỉnh để đưa vào vận hành; Hạng mục đường dây, trạm biến áp 110KV đã hoàn thiện công tác lắp đặt và thí nghiệm, hiện nay đang trong quá trình nghiệm thu để thực hiện đấu nối vào lưới điện Quốc gia; Công tác thí nghiệm, cài đặt hệ thống rơ le bảo vệ toàn nhà máy đã được triển khai hoàn thiện. Đặc biệt công ty đã tiến hành thu dọn vùng lòng hồ ngập nước theo ĐTM đã được duyệt và đang trình Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Giang nghiệm thu. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ phát tổ máy H1 vào tháng 8/2017 hai tổ máy H2, H3 sẽ phát điện trong tháng 9 và tháng 10/2017...NMTĐ Thuận Hòa vừa khánh thành được khởi công xây dựng từ tháng 10.2014 trên dòng sông Miện thuộc địa phận thôn Lũng Pù, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên với công suất với công suất 38 MW, gồm 2 tổ máy. Đây là dự án nằm trong quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, do Công ty Cổ phần Thủy điện Thuận Hòa làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn 1.300 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm thi công, đến nay dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành phát điện thương mại ổn định từ tháng từ ngày 19.6. 2017. Công trình hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định mỗi năm sẽ cung cấp khoảng từ 150 đến 160 triệu Kwh điện cho hệ thống điện Quốc gia với giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 170 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương, qua đó góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, phát triển công nghiệp và chuyển dịch nền kinh tế của tỉnh, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, tiềm năng về du lịch và nuôi trồng thủy sản.

Trạm biến áp 110 KV Nhà máy Thủy điện Sông Lô 4 đã hoàn thành chuẩn bị hòa vào hệ thống điện lưới Quốc gia.
Trạm biến áp 110 KV Nhà máy Thủy điện Sông Lô 4 đã hoàn thành chuẩn bị hòa vào hệ thống điện lưới Quốc gia.

Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Hà Giang là tỉnh miền núi, có nhiều sông suối, độ dốc lớn, với 3 hệ thống sông chính sông Lô, sông Gâm và sông Chảy cùng nhiều phụ lưu và suối nhỏ, từ đặc điểm tự nhiên đó đã tạo cho tỉnh ta tiềm năng, lợi thế rất lớn trong phát triển ngành công nghiệp thuỷ điện. Các công trình thủy điện đang thi công và đã hoàn thành sẽ đóng góp quan trọng vào nguồn năng lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tăng thu ngân sách cho địa phương, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động trong vùng dự án. Để các công trình đi vào hoạt động ổn định, lâu dài, phát huy hiệu quả, UBND tỉnh đã yêu cầu cấp uỷ, chính quyền các địa phương có công trình thủy điện; các sở, ban ngành của tỉnh và chủ đầu tư phải thường xuyên kiểm tra về công tác an toàn đập; xây dựng các phương án phòng, chống cháy nổ, phòng chống lụt bão; xây dựng mô hình quản lý, khai thác vùng lòng hồ, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch sinh thái phù hợp, gắn với hoạt động trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn; thiết lập các hệ thống quan trắc, thông tin tự động cảnh báo lũ đảm bảo an toàn cho vùng thượng lưu và hạ lưu nhà máy; chủ động thực hiện công tác quản lý an toàn đập theo quy định của pháp luật... Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI đề ra mục tiêu đến năm 2020, tỉnh thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, có trình độ phát triển đạt mặt bằng chung của khu vực. Trên cơ sở đánh giá các tiềm năng, thế mạnh, với lợi thế có hệ thống sông suối dày đặc, độ dốc cao, tỉnh đã xác định lĩnh vực thủy điện là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn để tập trung kêu gọi đầu tư khai thác thế mạnh đó.

VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách

BHG- Năm 2017, Chi cục thuế huyện Xín Mần được giao dự toán chỉ tiêu thu thuế và phí trên địa bàn là 33,3 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm những năm trước, ngay từ đầu năm, Chi cục thuế đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực hiệu quả trong công tác quản lý thuế. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn đạt 17 tỷ 056 triệu đồng đạt 51,2% so với dự toán UBND tỉnh giao, đạt 49,7% so với Nghị quyết HĐND huyện giao và tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016. 

09/08/2017
Hóa giải khó khăn trong hoạt động thu ngân sách những tháng cuối năm

BHG- Theo số liệu của cơ quan chức năng, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 5.724 tỷ đồng. Trong đó, thu trên địa bàn đạt 868 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch T.Ư giao, 45% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, gồm: Thu nội địa trên 728 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt trên 135 tỷ đồng.

09/08/2017
23% công trình thủy lợi tại 4 huyện núi đá phía Bắc bị xuống cấp

BHG- Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc có 480 công trình thủy lợi với trên 106 km kênh, cấp nước tưới cho 2.407 ha đất canh tác vụ Xuân, 4.807 ha đất sản xuất vụ Mùa. Hiện, hơn 60% công trình có tổ chức hợp tác dùng nước quản lý, các hoạt động dần đi vào nề nếp. 

09/08/2017
Các nhóm đồng sở thích thuộc Chương trình CPRP hoạt động tương đối hiệu quả

BHG- Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) được triển khai trên địa bàn 30 xã, thuộc 5 huyện: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần với tổng nguồn vốn 33,712 triệu USD. 

08/08/2017