Hà Giang

Trồng rừng, trồng cây làm thuốc theo lời Bác dạy nơi địa đầu Tổ quốc

Kỳ cuối: Hiện thực hóa ước mơ "Vương quốc" dược liệu

07:22, 06/07/2017

BHG- Với lợi thế sở hữu cả nghìn loài dược liệu quý, ngay từ năm 2015, tỉnh ta đã tổ chức hội thảo khoa học, xây dựng đề án phát triển dược liệu với bước đi, lộ trình phù hợp, cùng sự quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chủ trương của tỉnh đã được các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, nhiều nhà đầu tư đã triển khai dự án trồng, chế biến... từ đó nâng cao giá trị dược liệu địa phương. Với quyết sách đúng, hướng đi đúng, tỉnh ta đang tự tin, vững bước để trở thành “Vương quốc” dược liệu.

[links()]

Ươm giống dược liệu theo phương pháp nuôi cấy mô tại Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức.
Ươm giống dược liệu theo phương pháp nuôi cấy mô tại Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức.

Nằm ở phía Bắc Tổ quốc, tỉnh ta được mệnh danh vùng đất khó với thiên nhiên khắc nghiệt, địa hình chia cắt mạnh... nhưng đổi lại, mảnh đất này lại sở hữu nhiều loài thảo dược quý, hiếm. Theo số liệu điều tra, tỉnh ta có gần 1.565 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ và 6 ngành; 51 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam; 97 loài cây thuốc nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia, nhiều loài quý, hiếm như Bát giác liên, Hoa tiên, Giảo cổ lam, Hoàng tinh cách, Thạch hộc, Ngân đằng, Râu hùm, Thiên lý hương, Thông tre lá dài... Trong số 300 loài dược liệu nhập khẩu và 40 loài nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam đều tại Hà Giang, có chất lượng tốt. Kết quả điều tra thổ nhưỡng cũng xác định, tỉnh ta có 9 nhóm đất rất thích hợp cho canh tác nông nghiệp, đặc biệt cây dược liệu.

Từ thực tế đó, tỉnh ta xác định trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về dược liệu và đã được Ban Bí thư T.Ư Đảng đồng ý, mục tiêu phấn đấu năm 2020 sản lượng dược liệu tươi đạt trên 40 nghìn tấn và tăng lên trên 58 nghìn tấn vào năm 2025, lợi nhuận đạt trên 2 nghìn tỷ đồng. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh ta đã xây dựng dự án tổng thể phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới 6 huyện nghèo 30a. Quy mô dự án trồng mới, bảo tồn trên 12.600 ha, gồm 7.400 ha đã có và trên 5.200 hình thành vùng trồng gồm 41 loài cây dược liệu theo tiêu chí GACP (thực hành trồng trọt dược liệu), thu hái từ tự nhiên 16 loài cây dược liệu theo tiêu chí GCP (thực hành tốt thu hái dược liệu)... Từ đó tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao và ổn định, có khả năng cạnh tranh, tạo vùng sản xuất dược liệu có tầm cỡ quốc gia, tham gia thị trường dược liệu trong nước và khu vực.

Trong năm nay, tỉnh ta thực hiện chăm sóc khoảng 5.680 ha dược liệu, trồng mới hơn 30 loài với tổng diện tích khoảng 1.932ha, thu hái từ tự nhiên các loài dược liệu có sẵn trên cơ sở chọn lọc, nhằm bảo tồn nguồn dược liệu có sẵn. Đồng thời, phát triển sản xuất một số sản phẩm cao trà, thực phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe từ dược liệu; xây dựng trung tâm bảo tồn, phát triển dược liệu trên cơ sở bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ mới; hỗ trợ Chi nhánh Công ty Cổ phần Phát triển Nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam xây dựng vườn bảo tổn, phát triển cây thuốc và lâm sản ngoài gỗ tại xã Phong Quang (Vị Xuyên)...

Còn nhớ, tại Hội thảo phát triển dược liệu tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2015, trước các nhà khoa học, đông đảo doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh khẳng định: Hướng đi, cách làm của địa phương trong phát triển dược liệu hoàn toàn đúng và trúng, tỉnh quyết tâm phấn đấu trở thành vùng trọng điểm về phát triển dược liệu của cả nước. Hiện thực hóa quyết tâm này, tỉnh rất cần sự giúp đỡ của các nhà khoa học về quy trình sản xuất cây giống dược liệu, tạo ra những loài cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng vùng. Hà Giang sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược liệu.

Chủ trương phát triển dược liệu của tỉnh đã được nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Dược khoa; Công ty Cổ phần Nam Dược; Công ty Cổ phần Dược y tế và thương mại Bảo Châu; Công ty Cổ phần phát triển dược liệu ANVY; Viện Y học Bản địa Việt Nam... hưởng ứng. Sau khi tìm hiểu chủ trương, định hướng của tỉnh, cũng như lợi thế về dược liệu, Viện Y học bản địa Việt Nam quyết định đầu tư 100 tỷ đồng thực hiện Dự án Phát triển nông thôn bền vững vùng Phìn Hồ từ cây dược liệu và cây chè bản địa. Hơn một năm thực hiện dự án, trên vùng đất Phìn Hồ (Tân Thành - Bắc Quang), đã hình thành hệ thống nhà lưới phục vụ việc sưu tầm, ươm cây giống với hàng trăm loài dược liệu bản địa. Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học của viện đã phát hiện, ươm nuôi thành công nhiều loài dược liệu quý, đặc hữu như Sâm ngọc linh, Lan kim tuyến, Sâm trúc diệp, Sâm vũ hoàng, Tam thất hoang có giá trị hơn 3 lần Tam thất thường, Thạch tùng răng - vị thuốc không thể thiếu trong sản phẩm “Lohha trí não” dùng chữa teo não, hay quên, lẫn lú tuổi già, nấm Linh chi đen, Linh chi đỏ. Ngoài phát triển diện tích trồng dược liệu, viện còn xây dựng phòng khám bệnh y học cổ truyền, đang hoàn thành khu nhà phục vụ nghỉ dưỡng, du lịch.Cùng với Viện Y học Bản địa, Công ty Cổ phần Dược y tế và thương mại Bảo Châu cũng đã đưa Nhà máy sản xuất nước ép hoa quả, sơ chế dược liệu tại Vị Xuyên vào hoạt động. Nhà máy có tổng vốn đầu tư trên 28 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 1,5 ha, toàn bộ dây chuyền, trang thiết bị nhập khẩu từ các nước G7. Các sản phẩm chính của nhà máy gồm nước cam ép TRUE ORANGE, trà túi lọc giảo cổ lam, nước sâm tăng lực NABEST, trà túi lọc sâm Ngọc Linh NANOSI... đã được xuất khẩu sang một số nước trong khu vực ASEAN, doanh thu bán hàng, thị trường tiêu thụ không ngừng được mở rộng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, giá trị dược liệu của tỉnh ta đã được nâng cao, có mặt tại thị trường một số nước trong khu vực; nhiều hộ dân đang có thu nhập ổn định thông qua mô hình liên kết cung cấp dược liệu cho doanh nghiệp. Hiện nay, tỉnh ta đang rà soát các loài dược liệu có khả năng ưu tiên phát triển theo điều kiện thực tế. Đồng thời, đề xuất với Bộ Y tế đưa 5 loài cây Đan sâm, Kim ngân, Ngũ gia bì gai, Địa hoàng và Cà gai leo vào danh mục 100 loài cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế của cả nước. Thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiến hành khảo sát, kết nối việc cung ứng sản phẩm dược liệu tại thị trường Hà Nội, đây được coi như một trong những giải pháp quan trọng, đưa dược liệu của tỉnh xâm nhập thị trường.

... Hơn nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày Bác Hồ kính yêu lên thăm mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc, những lời căn dặn của Người luôn được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh ta khắc cốt, ghi tâm. Và lời Người dặn “Phải chú ý hơn nữa bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng. Trồng cây ăn quả và cây làm thuốc” đã trở thành ngọn đuốc soi đường, đưa tỉnh ta gặt hái thành công từ trồng rừng và phát triển dược liệu.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo đánh giá mức độ phù hợp của tài liệu "Hướng dẫn hoạt động khuyến nông"

BHG- Ngày 29.6, Sở NN&PTT tổ chức Hội thảo đánh giá mức độ phù hợp của tài liệu "Hướng dẫn hoạt động khuyến nông" thuộc chương trình dự án JICA giai đoạn I (2016 - 2017) tại tỉnh Hà Giang. 

30/06/2017
Thực hiện Nghị quyết 209 ở Quản Bạ

BHG- Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, toàn huyện Quản Bạ có 2.192 hộ đăng ký vay vốn, đã giải ngân 26.198,204 triệu đồng. Những đồng vốn vay ưu đãi giúp nông dân mua thêm con giống, mở rộng chuồng trại, quy mô sản xuất đi vào chiều sâu.

05/07/2017
Chè hữu cơ – hướng đi mới trong nâng cao giá trị sản phẩm chè ở Hoàng Su Phì

BHG- "Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng sinh học, giảm sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật..." chính là phương thức canh tác thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản theo hướng phát triển ổn định bền vững. 

05/07/2017
Quang Bình phát huy hiệu quả hoạt động của các cơ sở chế biến nông, lâm sản

BHG- Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của tỉnh về sản xuất hàng hóa tập trung, các cơ sở chế biến nông, lâm sản trên địa bàn huyện Quang Bình đã được xây dựng và có những bước phát triển tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho người lao động.

05/07/2017