Hà Giang

Thêm cơ hội để các doanh nghiệp tiếp tục chuyển đổi loại hình hoạt động

09:17, 01/06/2017

BHG- Từ nay đến năm 2020, tỉnh ta hỗ trợ 20 dự án khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; 8 dự án ươm tạo doanh nghiệp (DN) khoa học - công nghệ (KHCN); hình thành, phát triển 4 DN KHCN... Đây thực sự là tín hiệu vui, tạo thêm cơ hội, giúp các DN tiếp tục chuyển đổi loại hình hoạt động. Đồng thời, cũng khuyến khích DN đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng, đẩy mạnh sản xuất, tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, cạnh tranh tốt trên thị trường.

Sản xuất giống dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Phát triển Nông -lâm nghiệp và Môi trường. Ảnh: Hoàng Ngọc
Sản xuất giống dược liệu bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Phát triển Nông -lâm nghiệp và Môi trường. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đầu tháng 3 vừa qua, Công ty Cổ phần Phát triển Nông - lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam (Thái Nguyên) chính thức khai trương Chi nhánh tại huyện Vị Xuyên. Công ty được hình thành từ kết quả của Dự án Hoàn thiện công nghệ nhân giống In vitro và nuôi trồng một số cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao, thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển DN KHCN và tổ chức KHCN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Quyết định 592/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đại diện lãnh đạo Công ty, đây là một trong những DN KHCN đầu tiên của cả nước, hội tụ các yếu tố tiên tiến về mặt thiết bị, tài chính và nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao.

Trong quá trình hoạt động, DN nhận thấy, Hà Giang có nhiều chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt chú trọng lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất dược liệu từ các loài cây bản địa. Kết quả khảo sát của các nhà khoa học đã xác định, Hà Giang có rất nhiều lợi thế, sở hữu gần 1.565 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ và 6 ngành, 51 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam; 97 loài cây thuốc nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia, nhiều loại quý hiếm như Bát giác liên, Hoa tiên, Giảo cổ lam, Hoàng tinh cách, Thạch hộc, Ngân đằng, Râu hùm, Thiên lý hương, Thông tre lá dài. Trong số 300 loài dược liệu nhập khẩu và 40 loại nhập nhiều nhất vào Việt Nam đều được trồng, có chất lượng tốt tại Hà Giang. Hơn nữa, Hà Giang đang nỗ lực trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về dược liệu, mục tiêu đến năm 2020 sản lượng dược liệu tươi đạt trên 40 nghìn tấn và tăng lên trên 58 nghìn tấn vào năm 2025, lợi nhuận đạt trên 2 nghìn tỷ đồng... Từ lợi thế này, Công ty quyết định đầu tư sang Hà Giang, đây là tiền đề quan trọng, nhằm phát huy thế mạnh trong các hoạt động chuyển giao, tư vấn, dịch vụ sản phẩm KHCN trên địa bàn tỉnh.

Tuy mới hoạt động thời gian ngắn, nhưng các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, làm việc tại Công ty đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm KHCN như Nấm Đông trùng-Hạ thảo, Đinh lăng, Gừng gió, Lan kim tuyến, Lan thạch hộc, Hà thủ ô đỏ, Sa nhân tím, Thất diệp nhất chi hoa... Các sản phẩm lâm nghiệp như Keo lai mô, Bạch đàn mô, Keo tai tượng, Xoan ta, Lát hoa, Lim xanh, Tre mai,... và nhiều loài cây ăn quả khác. Bên cạnh đó, Công ty còn thực hiện nhiều hoạt động dịch vụ và thương mại các sản phẩm KHCN có giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Trước đó, năm 2016, tỉnh ta cũng cấp Giấy chứng nhận cho Viện Y học Bản địa (YHBĐ) có trụ sở tại tỉnh Thái Nguyên, triển khai Dự án Phát triển nông thôn bền vững vùng Phìn Hồ từ cây dược liệu và chè bản địa. Viện YHBĐ Việt Nam là một tổ chức khoa học, nghiên cứu chuyên sâu về dược lý lâm sàng từ thảo dược và các phương pháp chữa bệnh từ kho tri thức YHBĐ Việt Nam. Sau khi nghiên cứu các chính sách khuyến khích đầu tư, chủ trương phát triển dược liệu của tỉnh, Viện YHBĐ quyết định đầu tư khoảng 100 tỷ đồng thực hiện dự án trên. Hiện, các nhà khoa học Viện YHBĐ phát hiện, sưu tầm, ươm nuôi thành công nhiều loài dược liệu quý, đặc hữu, ít nơi có được, như: Sâm ngọc linh, Lan kim tuyến, Sâm trúc diệp, Sâm vũ hoàng, Tam thất hoang có giá trị hơn 3 lần Tam thất thường, Thạch tùng răng - vị thuốc không thể thiếu trong sản phẩm Lohha trí não dùng chữa teo não hay quên, lẫn lú tuổi già, nấm Linh chi đen, Linh chi đo,... nhiều loài đã đưa lên trồng trên rừng tự nhiên, đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Nhìn chung, các DN đầu tư nghiên cứu khoa học, sản xuất sản phẩm từ thế mạnh của địa phương đang từng bước khẳng định thương hiệu. Tuy nhiên, số liệu thống kê của ngành chức năng cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.500 DN, nhưng số DN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất trên nền tảng công nghệ sẵn có trong nước,... hiếm như lá mùa Thu. Nhằm tạo cú hích thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành, phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; nâng cao năng lực của các DN thông qua hỗ trợ về hoạt động khoa học, phát triển công nghệ; hình thành hệ thống DN KHCN, xây dựng hạ tầng kỹ thuật KHCN để đẩy mạnh ứng dụng các kết quả KHCN vào sản xuất, kinh doanh,... tỉnh ta đã ban hành Chương trình Hỗ trợ phát triển DN về lĩnh vực KHCN giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2020 sẽ hỗ trợ phát triển 20 dự án khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; 8 dự án ươm tạo DN KHCN; hình thành, phát triển 4 DN KHCN.Theo đó, các DN KHCN sẽ được hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ; chi phí nguyên liệu, năng lượng sản xuất thử; trả tiền công cho người lao động trực tiếp tham gia trong thời gian sản xuất thử; chi phí kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất thử, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, mua thiết bị mới, tiên tiến; hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ năng tay nghề; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị, dịch vụ tại các phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia, cơ sở ươm tạo DN KHCN; hỗ trợ hoạt động điều tra, khảo sát, tìm kiếm thông tin về công nghệ trong, ngoài nước,... với mức tối đa 50% tổng chí phi thực hiện các nội dung, nhưng không quá 200 triệu đồng/dự án khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; không quá 300 triệu đồng/dự án hỗ trợ ươm tạo DN KHCN và không quá 500 triệu đồng/dự án hỗ trợ phát triển DN KHCN.

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phan Đăng Đông, Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết: Việc triển khai chính sách hỗ trợ DN nghiên cứu KHCN là một bước cụ thể hóa khâu đột phá ứng dụng KHCN vào sản xuất trong các ngành, đơn vị theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh. Chủ trương, quyết sách, lộ trình đã được chỉ rõ, tuy nhiên các DN vẫn còn lạ lẫm với loại hình này. Chính vì vậy, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ chủ động tìm đến DN, khảo sát, nếu đủ điều kiện sẽ giúp họ lập hồ sơ, hưởng chế độ theo chính sách của tỉnh. Thực hiện tốt điều này, chúng ta hy vọng sẽ có thêm nhiều DN trực tiếp sản xuất ra của cải, vật chất, tạo nhiều công ăn, việc làm và làm giàu cho xã hội; đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương một cách bền vững.

THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Khuôn Lùng duy trì và hoàn thiện các tiêu chí sau đạt chuẩn

BHG- Khuôn Lùng là xã đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại của huyện Xín Mần đạt chuẩn Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) ngày 26.11.2016. Ngay sau đạt chuẩn NTM, xã Khuôn Lùng đã bắt tay ngay vào công tác duy trì, hoàn thiện các tiêu chí; nhằm phát huy hiệu quả các tiêu chí NTM, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

31/05/2017
Xây dựng Nông thôn mới trên Công viên đá, cần làm theo đặc thù vùng

BHG- Thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), những năm qua, toàn tỉnh nói chung và vùng Cao nguyên đá (CNĐ) nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy nhiệm vụ XDNTM trên CNĐ là nhiệm vụ song hành với bảo tồn và phát huy các giá trị của Công viên Địa chất toàn cầu.

31/05/2017
"Dân vận khéo" trong xây dựng Nông thôn mới ở Bắc Quang

BHG- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", những người làm công tác Dân vận (DV) ở huyện Bắc Quang luôn biết lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, "vận khéo" để dân nghe rồi làm theo.

31/05/2017
Xã Quảng Nguyên tập trung nuôi trâu hàng hóa

BHG- Xã Quảng Nguyên được đánh giá là xã có đàn trâu lớn nhất huyện Xín Mần. Hiện nay, phong trào trồng cỏ, mở rộng diện tích chuồng trại và vay thêm vốn ngân hàng để nuôi trâu hàng hoá đang trở thành mục tiêu phấn đấu của đồng bào nơi đây.

30/05/2017