Huyện Quản Bạ với thế mạnh phát triển cây dược liệu

09:14, 02/06/2017

BHG - Quản Bạ là huyện cửa ngõ của Cao nguyên đá, với lợi thế vùng có khí hậu mát mẻ, huyện Quản Bạ có nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng và phong phú, như Giảo cổ lam, thảo quả, ba kích. Ngoài ra còn thích hợp trồng các loại cây như Đương quy, Đan sâm, Bạch chỉ… Xác định đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển mạnh diện tích trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Lãnh đạo phòng Nông
Lãnh đạo xã Quyết Tiến và phòng Nông nghiệp huyện kiểm tra tiến độ phát triển các loại cây dược liệu tại vườn ươm của gia đình anh Vàng Thìn Nghì, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến.

Thực hiện đề án phát triển cây dược liệu của tỉnh, huyện Quản Bạ đã tập trung lãnh, chỉ đạo chương trình phát triển cây dược liệu như thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc; đẩy mạnh thu hút đầu tư... Đến nay, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia trồng và chế biến dược liệu, nâng tổng diện tích cây dược liệu lên gần 3 nghìn ha, gồm hơn  2 nghìn ha Thảo quả, 186 ha Hương thảo và nhiều loại cây dược liệu khác... Chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn huyện đã mang lại rất nhiều hy vọng cho một hướng đi mới, một sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của huyện cũng như  xu hướng phát triển của xã hội. Hiện nay, dược liệu được trồng tại 9/13 xã, thị trấn, gồm: Quyết Tiến, Thanh Vân, Tùng Vài, Quản Bạ, Thái An, Bát Đại Sơn, Cao Mã Pờ, Tả Ván và thị trấn Tam Sơn.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn ươm các loại dược liệu của anh Vàng Thìn Nghì, thôn Đông Tinh, xã Quyết Tiến, các anh Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến và Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện hồ hởi kể về những tiềm năng và hiệu quả kinh tế của loại cây này. Để khuyến khích nhân dân, huyện Quản Bạ đã có cơ chế thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất giống trên địa bàn, tạo ra nguồn giống dược liệu có chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất tại chỗ và là cơ sở bảo tồn nguồn gen dược liệu bản địa. Hỗ trợ người dân chuyển đổi đất trồng ngô, lúa sang trồng dược liệu bằng hình thức hỗ trợ lãi suất hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để mua giống, phân bón; xây dựng dây chuyền sơ chế, chế biến dược liệu; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các loại sản phẩm dược liệu. Nhờ triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật đã góp phần thay đổi nhận thức và ý thức chăm sóc, bảo tồn các loại cây dược liệu bản địa nên hiệu quả sản xuất dược liệu cải thiện đáng kể.

Người dân xã Quyết Tiến chăm sóc cây dược liệu.
Người dân xã Quyết Tiến chăm sóc cây dược liệu.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Nghì cho biết: Từ năm 2013, anh mạnh dạn chuyển đổi 3 ha đất nông nghiệp sang trồng cây dược liệu, đến năm 2016 anh tiếp tục vay vốn theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh để thuê đất liên kết trồng 35 ha cây dược liệu gồm Đương Quy, Đan sâm và gừng. Với giá bán Đương Quy khoảng 50 nghìn đồng/kg, giá gừng từ 15 – 20 nghìn đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, năm 2016 thu nhập của gia đình là 700 triệu đồng từ cây dược liệu.

Ngoài ra anh Nghì còn tích cực tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm và quy trình sản xuất. Bản thân anh đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, tự tìm hiểu qua các kênh thông tin đại chúng, từ đó biết được trồng cây dược liệu là một hướng đi có triển vọng. Nên ngoài mở rộng diện tích trồng cây dược liệu của gia đình anh còn tuyên truyền nhân dân thực hiện việc liên doanh, liên kết trồng cây dược liệu và thu mua toàn bộ sản phẩm bà con trồng được, từ đó góp phần vào việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong thôn nói riêng và toàn xã nói chung. Bên cạnh đó, người trồng dược liệu đều khẳng định đây là loại cây dễ trồng do phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở đây. Đến nay trong thôn đã có nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất sang trồng cây dược liệu. Cụ thể như gia đình ông Vàng Xín Chủ trồng 0,64 ha, Cáo Thìn Séng trồng 0.9 ha, Vương Ngọc Xuân trồng 1,5 ha... diện tích cây dược liệu của các hộ gia đình trên đang phát triển tốt.

Anh Phạm Ngọc Pha, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ cho biết: Chương trình phát triển dược liệu luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và BTV Huyện ủy nên đã đạt được một số kết quả như huy động được các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội và thu hút các tổ chức, cá nhân và các hộ gia đình tham gia đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu; Diện tích các loại cây dược liệu ngày càng tăng, đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho hơn 2.000 hộ với hơn 5.000 lao động. Thu nhập của các HTX và nhân dân các xã, thị trấn từ dược liệu ngày càng cao, nhận thức, tư duy và tập quán sản xuất có sự chuyển biến, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng lên. Hình thành mối liên kết 4 nhà trong phát triển sản xuất dược liệu thông qua việc thành lập các HTX, tổ hợp tác vệ tinh trong phát triển dược liệu. Việc tập hợp các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ thành các nhóm sản xuất có quy mô lớn đã tạo tiền đề cho việc sản xuất dược liệu hàng hóa. Nhận thức, tư duy sản xuất và khả năng canh tác các loại cây dược liệu của người dân được nâng lên, thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây dược liệu có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất… Đây được coi là hướng đi đúng đắn có tính khả thi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng để đem lại lợi nhuận cao, góp phần tích cực vào công cuộc XĐGN ở địa phương.

THANH THỦY - PHAN MẠNH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Dân vận khéo" trong xây dựng Nông thôn mới ở Bắc Quang

BHG- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", những người làm công tác Dân vận (DV) ở huyện Bắc Quang luôn biết lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, "vận khéo" để dân nghe rồi làm theo.

31/05/2017
Xây dựng Nông thôn mới trên Công viên đá, cần làm theo đặc thù vùng

BHG- Thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), những năm qua, toàn tỉnh nói chung và vùng Cao nguyên đá (CNĐ) nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy nhiệm vụ XDNTM trên CNĐ là nhiệm vụ song hành với bảo tồn và phát huy các giá trị của Công viên Địa chất toàn cầu.

31/05/2017
Xã Khuôn Lùng duy trì và hoàn thiện các tiêu chí sau đạt chuẩn

BHG- Khuôn Lùng là xã đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện tại của huyện Xín Mần đạt chuẩn Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) ngày 26.11.2016. Ngay sau đạt chuẩn NTM, xã Khuôn Lùng đã bắt tay ngay vào công tác duy trì, hoàn thiện các tiêu chí; nhằm phát huy hiệu quả các tiêu chí NTM, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

31/05/2017
Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020".

30/05/2017