Xúc tiến đầu tư - cần tiến hành một cách chuyên nghiệp

17:48, 07/04/2017

BHG- Cho đến thời điểm hiện tại, Hà Giang là một trong số rất hiếm các địa phương chưa thu hút được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa bàn. Tại các cuộc xúc tiến đầu tư (XTĐT) tổ chức hàng năm, tỉnh chào hàng với nhiều dự án, nhưng lại rất thiếu thông tin cơ bản cung cấp cho nhà đầu tư. Thực tế này đòi hỏi công tác XTĐT cần đi vào chất lượng, chắt lọc tinh tuý, tránh hiện tượng cái gì cũng có, nhưng không đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Nhà máy Thuỷ điện Sông Miện 6 (phường Quang Trung - thành phố Hà Giang) có tổng vốn 200 tỷ đồng đang được chủ đầu tư và các nhà thầu thi công tích cực triển khai.
Nhà máy Thuỷ điện Sông Miện 6 (phường Quang Trung - thành phố Hà Giang) có tổng vốn 200 tỷ đồng đang được chủ đầu tư và các nhà thầu thi công tích cực triển khai.

Giới thiệu chung chung

XTĐT - một trong những hoạt động quan trọng, thường được các tỉnh, thành tổ chức theo định kỳ hàng năm nhằm giới thiệu, cung cấp đến nhà đầu tư thông tin về các dự án kêu gọi vốn, từ đó tiến hành liên doanh, liên kết đầu tư vào địa phương. Nhận rõ vai trò quan trọng của XTĐT, hàng năm tỉnh ta cũng tổ chức hội nghị, năm thì tại các thành phố lớn nơi tập trung nhiều nhà đầu tư chiến lược, nhiều tập đoàn kinh tế, năm lại tổ chức tại địa phương và cũng thu hút nhiều tổ chức trong, ngoài nước tham dự, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Phải khẳng định, về mặt sự kiện, các hội nghị XTĐT đều thành công, thu hút sự quan tâm lớn của doanh nghiệp, nhiều dự án thuộc các lĩnh vực thế mạnh khi chào mời đều nhận được sự quan tâm. Nhưng thực tế cho thấy, hậu công tác XTĐT vẫn còn nhiều trăn trở, bởi lẽ cho đến nay, tỉnh ta vẫn chưa thu hút được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, rất hiếm tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn triển khai dự án.

Trong các hội nghị XTĐT, nhiều nhà đầu tư thừa nhận tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế. Những khác biệt về điều kiện tự nhiên, khí hậu, không gian văn hoá, phong tục tập quán... đều trở thành lợi thế cạnh tranh so với nhiều địa phương khác. Nhưng, điểm lại, những tiềm năng, lợi thế đến nay vẫn cứ nằm ở dạng tiềm năng, việc đầu tư, khai thác thời gian qua rất nhỏ giọt, đã có nhiều nhà đầu tư đến rồi lại đi. Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, do chúng ta thiếu quy hoạch chi tiết, thiếu mặt bằng sạch, thiếu diện tích đất để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Ông Hùng nêu ví dụ, thời gian gần đây, có nhiều nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Mường Thanh đến tìm hiểu, khảo sát mặt bằng, địa điểm xây dựng khách sạn theo mời gọi của tỉnh. Thế nhưng, khi dành thời gian đi thực tế tại huyện Đồng Văn và thành phố Hà Giang, với yêu cầu mặt bằng sạch, diện tích đủ rộng để nhà đầu tư có thể triển khai tổ hợp khách sạn 3-5 sao trong vòng 8-12 tháng, tỉnh ta lại không đáp ứng được nên “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn đã chuyển địa bàn đầu tư.

Cần sự tinh tuý

Thu hút đầu tư, tận dụng nguồn vốn từ các nhà đầu tư đã trở thành nhu cầu cấp bách trong bối cảnh đầu tư công ngày càng eo hẹp. Chính vì vậy, tại hội nghị xem xét nội dung chương trình XTĐT năm 2017 được UBND tỉnh tổ chức vào cuối năm 2016, vấn đề chọn lọc dự án giới thiệu đến nhà đầu tư được đặt ra rất nghiêm túc. Bà Phùng Thị Hoa, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, năm nào cũng vậy, chúng ta giới thiệu rất nhiều dự án do các địa phương, ngành trình nhưng bản thân các dự án lại thiếu tính khả thi, không thể thu hút được đầu tư. Vì vậy, các ngành, địa phương cần hiểu dự án nào thuộc lĩnh vực kêu gọi và phải mang lại hiệu quả mới trình, nếu không sẽ tốn tiền in ấn tài liệu, còn nhà đầu tư như rơi vào ma trận, không biết đâu mà lần. Còn ông Nguyễn Tiến Lợi, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, ngành sẽ rà soát lại tổng thể các dự án do các cơ quan trình, chỉ cần ít, đầy đủ thông tin, hiệu quả còn hơn chào mời nhiều nhưng không ai quan tâm.Trên cơ sở xem xét thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu, trong chương trình XTĐT năm 2017, các dự án đưa vào danh mục chào mời, kêu gọi nên tập trung vào lĩnh vực trọng tâm, dự án trọng điểm, tính liên kết vùng cao như đường giao thông liên kết phát triển KT-XH phía Đông Hà Giang đi giáp ranh tỉnh Cao Bằng, đường cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang; các dự án Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thuỷ đã quy hoạch 7 khu chức năng, Khu công nghiệp Bình Vàng, Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn... Đặc biệt, trong thu hút, XTĐT phải tạo ra được mặt bằng sạch, xây dựng các dự án có tính khả thi cao trên cơ sở định hướng quy hoạch của các chuyên gia; chú trọng các dự án thuộc lĩnh vực thế mạnh.

Những năm qua, hoạt động XTĐT được UBND tỉnh chú trọng xây dựng, thúc đẩy nhằm tạo thêm kênh thu hút đầu tư cho phát triển KT-XH của địa phương; các hoạt động, chương trình XTĐT được xây dựng, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ phát triển của tỉnh. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư cho 88 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký gần 9 nghìn tỷ đồng, tăng 38% so với giai đoạn 2011-2013. Tuy nhiên, việc xây dựng, ban hành danh mục các dự án mời gọi đầu tư chưa đảm bảo về chất lượng, nội dung, thiếu tính khả thi, không có mặt bằng sạch, không cung cấp được thông tin cần thiết, chính xác cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động XTĐT còn đơn điệu, thiếu tính sáng tạo, chưa tiếp cận được nhà đầu tư chiến lược, năng lực triển khai dự án của một số nhà đầu tư còn yếu về kinh nghiệm, khả năng tài chính dẫn đến dự án kéo dài, ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư và dư luận quần chúng.

Từ thực tế đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng phải phối hợp chặt chẽ, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động XTĐT, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, các tài liệu, ấn phẩm phục vụ hội nghị, tổ chức tuyên truyền, quảng bá tiềm năng của tỉnh. Các giải pháp đưa ra nhằm thu hút đầu tư sẽ được triển khai như: Thực hiện các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế, tổ chức các đoàn đi khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm XTĐT; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư; tích cực hợp tác với các đơn vị, viện nghiên cứu, công ty tư vấn trong và ngoài nước, triển khai nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống hoá các số liệu, dữ liệu về quy hoạch, môi trường đầu tư. Đặc biệt, việc xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư phải đảm bảo chất lượng, có tính khả thi cao; tạo mặt bằng sạch cho các dự án kêu gọi đầu tư... Có như vậy, tỉnh ta mới thực sự trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhà đầu tư.

Thiên Thanh   


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

BCĐ Đổi mới và phát triển DNNN T.Ư làm việc tại tỉnh ta

BHG - Chiều 30.3, đoàn công tác Ban chỉ đạo (BCĐ) Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) T.Ư do đồng chí Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban chuyên trách làm trưởng đoàn làm việc tại tỉnh ta, nhằm kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Dự buổi làm việc về phía tỉnh ta có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn tỉnh.

30/03/2017
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thanh toán tiền điện qua hệ thống Ngân hàng

BHG - Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ ,Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã ký văn bản số 1010/UBND-KT, gửi các sở, ban, ngành, cơ quan, Ngân hàng nhà nước, Công ty Điện lực Hà Giang và các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc thanh toán tiền điện qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

30/03/2017
Hội nghị trực tuyến sơ kết các mô hình phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn

BHG - Chiều 28.3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố sơ kết các mô hình phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. lãnh đạo một số sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; tại các huyện, thành  phố có Thường trực Huyện ủy, UBND và một số phòng, ban chuyên môn. 

29/03/2017
Lợi nhuận từ nuôi cá chiên lồng

BHG - Tận dụng dòng nước sông Lô chảy qua, nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn (TT) Vĩnh Tuy (Bắc Quang) đã đầu tư và đưa mô hình nuôi cá chiên lồng để phát triển kinh tế. Đến nay, mô hình đang mang lại hiệu quả cao giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

29/03/2017