Phát huy hiệu quả Tổ, đội Bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng ở Bắc Mê

09:10, 20/04/2017

BHG - Thời gian qua, tại nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Bắc Mê đã thành lập được các Tổ, đội Bảo vệ rừng - Phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR-PCCCR) góp phần phát huy tinh thần chủ động trong công tác tuần tra, kiểm soát và BVR ở địa phương. Từ đó, ý thức bảo vệ và phát triển rừng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được nâng lên, gắn cuộc sống của họ với sự sống của rừng.

Một buổi tuần tra rừng của lực lượng Kiểm lâm cùng các thành viên trông Tổ, đội BVR-PCCCR thôn Phiêng Đáy.
Một buổi tuần tra rừng của lực lượng Kiểm lâm cùng các thành viên trông Tổ, đội BVR-PCCCR thôn Phiêng Đáy.

Là huyện vùng sâu của tỉnh, Bắc Mê có tổng diện tích tự nhiên là 85.606,5 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 51.269,77 ha, bao gồm: Rừng đặc dụng 10.769,23 ha, rừng phòng hộ 16.572,11 ha, rừng sản xuất 22.944,18 ha và rừng khác có 984,25 ha. Trong những năm gần đây, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền huyện đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế từ nghề rừng, bước đầu nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định góp phần xoá đói, giảm nghèo; ý thức BVR của người dân cũng từng bước được nâng lên. Hiện, huyện đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo Kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng, Tổ xung kích BVR-PCCCR của huyện và các xã, thị trấn; 100% các thôn, bản có Tổ, đội BVR-PCCCR, đây là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong công tác BVR-PCCCR và là cộng tác viên của lực lượng Kiểm lâm tại cơ sở. Theo đó, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập được 138 Tổ, đội BVR-PCCCR. Trong số đó, đồng bào đân tộc Mông ở Phiêng Luông đã tham gia nhiệt tình và đạt được nhiều thành tích; việc quản lý và BVR không chỉ tạo việc làm mà còn nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.

Trong cái lạnh cuối tháng 2 (Âm lịch) chúng tôi có dịp đến xã Phiêng Luông, xã nằm cách trung tâm huyện Bắc Mê khoảng 16 km; vượt qua những đồi ngô, là những rừng cây: Nghiến, sồi, kháo... cổ thụ hàng trăm năm tuổi đứng sừng sững bên cạnh đường. Bằng tình yêu đối với rừng, bà con đồng bào Mông ở Phiêng Luông đã thành lập các Tổ, đội BVR-PCCCR để chung tay, bảo vệ an toàn rừng gỗ quý này trong suốt những năm qua. Đưa chúng tôi đi thăm một số khu rừng trong thôn, ông Vàng Sính Dình, Trưởng thôn Phiêng Đáy chia sẻ: Thôn Phiêng Đáy có hơn 218 ha rừng tự nhiên tái sinh. Diện tích này được giao cho 14 thành viên trong Tổ, đội BVR-PCCCR và cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, với người dân Phiêng Đáy, rừng là tài sản chung, được toàn dân tham gia bảo vệ không ai được xâm lấn, chặt phá. Không chỉ tạo cảnh quan môi trường, những cánh rừng tự nhiên này còn điều hòa không khí, cung cấp nguồn nước mát lành cho hàng trăm hộ dân các thôn sinh hoạt, sản xuất. Do vậy, người dân, lãnh đạo thôn luôn ý thức tầm quan trọng của những cánh rừng và cùng nhau chăm sóc, bảo vệ. Anh Ly Mí Sì, người dân trong thôn cho biết: Từ nhà của anh lên tới cây nghiến gần nhất cũng chỉ vài trăm mét. Tuy nhiên, từ thời ông bà trước đây đã rất quan tâm giữ rừng, nên rừng nghiến cổ thụ này mới tồn tại tới ngày nay. Tiếp nối truyền thống của thôn, gia đình anh đã tham gia vào Tổ, đội BVR-PCCCR, trực tiếp thường xuyên tuần rừng bảo vệ từng cây nghiến, sồi, kháo...

Những cây gỗ nghiến nhiều năm tuổi ở xã Phiêng Luông.
Những cây gỗ nghiến nhiều năm tuổi ở xã Phiêng Luông.

Thực tế khi đánh giá về tính hiệu quả của Tổ, đội BVR-PCCCR, anh Hoàng Công Trình, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Với những chính sách dịch vụ môi trường rừng, giao đất, giao rừng đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng dân cư sống gần rừng và được xem là một trong những giải pháp BVR hiệu quả. Để quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, nhiều gia đình, cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện đã lập các Tổ, đội BVR-PCCCR trong việc phối hợp và thay phiên nhau tuần tra BVR-PCCCR. Các thành viên trong Tổ, đội BVR-PCCCR chính là cánh tay nối dài của các Kiểm lâm viên, họ là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân về công tác phát triển cũng như quản lý, BVR trên địa bàn.

Có thế nói, những năm qua, Hạt Kiểm lâm Bắc Mê đã phối hợp với các cấp, các ngành và các địa phương làm tốt công tác BVR-PCCCR. Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện tích cực bám địa bàn, hướng dẫn người dân BVR; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BVR ở địa phương. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho nhân dân về PCCCR... để rừng Bắc Mê ngày càng thêm xanh.

Bài, ảnh: Văn Quân


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các cấp chính quyền đã thực sự"kiến tạo và hành động" vì doanh nghiệp

BHG - Chưa bao giờ giới doanh nhân cảm nhận được vai trò trung tâm phục vụ, cũng chưa bao giờ việc chuyển biến từ chính quyền quản lý sang phục vụ thể hiện rõ như hiện nay. Tinh thần kiến tạo, liêm chính, phục vụ đang lan tỏa mạnh mẽ trong khối hành chính Nhà nước, tiếp thêm động lực để các doanh nhân cống hiến, làm ra nhiều của cải cho xã hội. Những chia sẻ trên của các doanh nhân, chúng tôi ghi nhận được sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020.

19/04/2017
Xã Bạch Đích, nhiều khó khăn trong thực hiện Đề án xã phát triển toàn diện

BHG - Ngày 10.6.2014, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 1133 phê duyệt Đề án thí điểm cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 – 2016. Quyết định đã lựa chọn 10 xã nghèo biên giới của 10 huyện để thực hiện Đề án, trong đó có xã Bạch Đích (Yên Minh). Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi đã kết thúc giai đoạn thực hiện của Đề án, Bạch Đích vẫn chưa thể trở thành xã phát triển toàn diện và khó đạt được mục tiêu này trong năm 2017 hay đến năm 2020.

19/04/2017
Hội thảo Thông tin cho doanh nhân về cơ hội đồng tài trợ hợp tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp

BHG - Ngày 17.4, Ban điều phối chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức Hội thảo Thông tin cho doanh nhân về cơ hội đồng tài trợ hợp tác công tư (P-PC) trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành, Ban điều phối chương trình CPRP của tỉnh; các huyện và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

18/04/2017
Cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới

BHG - Ngày 17.4, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã ban hành Kế hoạch 1356/UBND – CNGTXD về việc giao nhiệm vụ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

18/04/2017