Cần đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Thèn Phàng – Xín Mần

07:24, 23/03/2017

BHG- Tuyến đường Thèn Phàng – Xín Mần có chiều dài khoảng 15 km. Đây là tuyến đường nằm trong số các công trình “trọng điểm” được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư nâng cấp ra Cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc). Mục tiêu nâng cấp tuyến đường là để hỗ trợ phát triển KT-XH đối với các xã phía Bắc của huyện Xín Mần. Đồng thời, thúc đẩy trao đổi kinh tế mậu dịch biên giới giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc cùng phát triển...

Rất nhiều xe chở hàng bị mắc kẹt trên tuyến đường Thèn Phàng – Xín Mần do lầy lội.
Rất nhiều xe chở hàng bị mắc kẹt trên tuyến đường Thèn Phàng – Xín Mần do lầy lội.

3 ngày chờ sau khi trời rứt mưa phùn, tôi mới dám liều lên xã Xín Mần. Tuy nhiên, chiếc xe ô-tô của UBND huyện Xín Mần vẫn phải giãy giụa mất tới gần 2 giờ mới vượt qua đoạn đường chừng trên 15 km. Từ điểm rẽ tại km 90, trên Quốc lộ 4D, đi lên xã Thèn Phàng hiện nay là cả một đoạn lầy lội, trơn trượt khủng khiếp (trời mưa). Ngược lại, con đường như thể vỡ nát, bụi mù khi trời nắng ráo. Từ đoạn rẽ tới ngã ba lối rẽ vào xã Chí Cà và lối rẽ lên xã Xín Mần là những chiếc xe tải chở hàng vẫn “nằm án binh, bất động”. Nhiều lái xe đã “mắc màn”  3 ngày liền ngay dưới gầm xe tải để trông xe, giữ hàng. Số lái xe còn lại thì tá túc trong nhà dân quanh đó.

Được biết, tuyến đường từ xã Thèn Phàng đi ra tới cửa khẩu Xín Mần – Đô Long có chiều dài khoảng 26 km đã được phê duyệt đầu tư nâng cấp mấy năm nay. Đoạn thi công đầu tiên từ trung tâm xã Xín Mần – Cửa khẩu, nay đã hoàn tất đưa vào khai thác. Còn lại, đoạn từ UBND xã Xín Mần xuôi xuống tiếp giáp Quốc lộ 4D nay vẫn ngổn ngang kéo dài. Hàng ngày, trên tuyến đường này có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 219, Hải quan, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 313, cùng giáo viên và các em học sinh của 4 xã vùng phía Bắc huyện Xín Mần qua lại. Thời gian thi công tuyến đường kéo dài đã gây ra không ít khó khăn cho đồng bào, chiến sĩ khu vực phía Bắc. Không những thế, đường đất ngổn ngang, lầy lội đã làm cản trở, ách tác các phương tiện vận chuyển hàng hoá qua, lại giữa 2 cửa khẩu biên giới. Các thương lái cho biết, trước đây sau mỗi mùa vụ thu hoạch lúa, ngô được vẩn chuyển từ các nơi, các huyện từ Bắc Quang, Quang Bình lên cửa khẩu rất nhiều. Hàng nông sản sau thu hoạch của đồng bào Xín Mần, Hoàng Su Phì như lúa, ngô, Thảo quả phần lớn được thu mua, vận chuyển lên Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long bán cho thương nhân bên nước bạn.

Kể từ khi nâng cấp con đường đến nay, việc đi lại hết sức khó khăn dẫn đến hàng nông sản ngay ở huyện Xín Mần cũng bị ứ đọng. Đồng bào địa phương cho biết, trước khi con đường Thèn Phàng – Xín Mần được đầu tư nâng cấp mặt đường tuy nhỏ nhưng xe cộ vẫn lưu thông bình thường. Ngày đó, sau mỗi vụ thu hoạch, giá thu mua lúa, ngô ở huyện là 7,5 – 8 ngàn đồng/kg được các tiểu thương thu mua bán qua Cửa khẩu Xín Mần – Đô Long. Từ vụ Mùa năm 2015- 2016, giá thu mua nông sản chỉ còn 4,5 – 5 ngàn đồng/kg, giảm từ 2 – 3 ngàn đồng/kg so với trước đó. Tuy giá thu mua thấp, nhưng người mua lại rất ít dẫn đến ứ đọng hàng nông sản ngay tại các xã thuộc huyện Xín Mần. Và tuyệt nhiên, hàng nông sản tại các huyện vùng trọng điểm lúa của tỉnh không thể ngược lên Xín Mần như những năm trước đó.

Ngược lại với ứ đọng hàng nông sản đã khó khăn thì, người dân trong vùng biên mậu 4 xã lại phải sử dụng hàng tiêu dùng thường nhật với giá tăng cao do khan hiếm vì giá cước vận chuyển tăng. Hiện, dọc theo các xã biên giới phía Bắc: Chí Cà, Xín Mần, Nàn Xỉn “nếu” trời mưa là bị cô lập, khó có thể đi lại được. Thực tiễn đó đang đặt ra cho các nhà quản lý, các đơn vị thi công cần phải đẩy nhanh tiến độ. Chậm hoàn thành tuyến đường Thèn Phàng – Xín Mần ngày nào là khó khăn cho đồng bào, chiến sĩ và các cháu học sinh đi lại ngày đó. Đồng thời, làm chậm công tác thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực khó khăn vùng biên giới và làm chậm lại công tác XĐGN tại một huyện 30a như Xín Mần hiện nay. Việc chậm hoàn thành tuyến đường còn ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biên mậu đã được Đảng, Nhà nước đề ra.

NGUYỄN HÙNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả từ HTX Dân quân trồng rừng ở Vị Xuyên

BHG- Vị Xuyên là một trong những huyện có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn. Để khai thác tiềm năng đó, địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án trồng mới rừng nhằm nâng cao độ che phủ, thu nguồn lợi từ rừng cũng như cải thiện môi trường sinh thái... Nhằm nâng cao hiệu quả từ trồng rừng sản xuất, huyện Vị Xuyên đã thành lập HTX Dân quân trồng rừng ở một số xã có điều kiện thuận lợi.

22/03/2017
Cho vay đầu tư có thu hồi: Trao cơ hội giảm nghèo ở Bắc Quang

BHG- Nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi tư duy "trông chờ, ỷ lại" vào Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của người được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tăng thu nhập, dần cải thiện cuộc sống... Đó là hiệu quả mà Chương trình cho vay đầu tư có thu hồi (ĐTCTH) đang phổ biến rộng ở huyện Bắc Quang.

22/03/2017
Quản Bạ phát huy thế mạnh vườn ươm giống cây dược liệu trong dân

BHG- Là nơi đi đầu trong việc trồng và chế biến dược liệu, với diện tích cây dược liệu trồng mới hàng năm là trên 300 ha ở toàn huyện Quản Bạ. Việc tìm nơi cung cấp nguồn giống cây dược liệu đang là vấn đề khá nóng, thiếu giống, khó khăn trong nhập giống mới, cây giống mang về trồng tỷ lệ sống thấp... đang dần được giải quyết bằng các vườn ươm giống trong nhân dân.

22/03/2017
Trồng cây màu xuống ruộng kém hiệu quả, người dân xã Quang Minh thu nhập cao

BHG- Nhiều năm gần đây, thay vì sản xuất độc canh cây lúa, nhiều hộ dân ở xã Quang Minh (Bắc Quang) đã chủ động chuyển đổi nhiều diện tích đất ruộng kém hiệu quả, không chủ động nước tưới tiêu sang trồng luân canh các loại cây hiệu quả kinh tế cao. Việc thay đổi tập quán canh tác này đã giúp người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

22/03/2017