Hà Giang

Ngọc Đường cửa ngõ quan trọng trong phát triển kinh tế phía Đông thành phố

10:03, 21/01/2017

BHG - Xuất phát điểm là một xã thuần nông, không có nhiều tiềm năng rõ nét nhưng với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” và phát huy nội lực trong nhân dân, xã Ngọc Đường (TP Hà Giang) đã được công nhận đạt chuẩn NTM cách đây tròn một năm. Đến nay, địa phương đang nỗ lực duy trì và nâng cao các tiêu chí, quyết tâm trở thành cửa ngõ quan trọng trong phát triển kinh tế phía Đông thành phố.

Trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, Ngọc Đường chỉ đạt 2/19 tiêu chí, đó là hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và đảm bảo về an ninh trật tự xã hội. Nhưng trong phát triển kinh tế thì người dân còn sản xuất theo hướng tự cung, tự cấp; diện tích đất sản xuất từng hộ còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có các mô hình sản xuất; thu nhập bình quân đầu người thấp; dịch vụ - thương mại chưa phát triển; kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất... Tuy nhiên, sau 5 năm quyết tâm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã có sự đổi thay toàn diện; nhiều mô hình kinh tế mang lại cuộc sống thực sự mới cho người dân.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Kim Cần, thôn Thái Hà mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Kim Cần, thôn Thái Hà mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong triển khai thực hiện, đồng chí Bùi Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Đường cho biết: “Mặc dù thuộc TP Hà Giang nhưng điều kiện phát triển KT – XH của xã còn nhiều khó khăn. Hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM là kết quả được tạo ra bởi quyết tâm chính trị cao; kế hoạch chỉ đạo cụ thể; chủ động, sáng tạo, sâu sát của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và của BCĐ xây dựng NTM xã để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bên cạnh đó, xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là nội dung cốt lõi; tuyên truyền đúng đối tượng, đúng nội dung; chỉ rõ những việc người dân cần phải làm và cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu; phát huy dân chủ ở cơ sở để phát huy nội lực trong nhân dân; các kế hoạch, chủ trương thực hiện trên địa bàn các thôn, xã phải thông báo công khai, rộng rãi đến nhân dân; lắng nghe, kịp thời giải quyết các vướng mắc đảm bảo khách quan. Đồng thời, việc xây dựng kế hoạch phải đi từ cơ sở, do người dân lựa chọn những nội dung mang tính cấp thiết và phù hợp với điều kiện thực tế; linh hoạt trong tiếp cận, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn vốn xây dựng NTM...

Từ những kết quả đạt được, Ngọc Đường đang tập trung sản xuất để tăng thu nhập cho người dân, tạo nền tảng vững chắc giúp nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM. Với lợi thế về điều kiện đất đai, xã đã chú trọng vào việc thâm canh sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Theo tìm hiểu, đến nay, địa phương đã và đang phát huy tốt việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế nông – lâm nghiệp một cách toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, tạo được phong trào xây dựng NTM sâu rộng đến từng thôn, được người dân chủ động, tích cực tham gia.

Ngoài những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả đã được triển khai trong quá trình xây dựng NTM, Ngọc Đường đã tích cực trong việc phát triển sản xuất hàng hóa tập trung; mở rộng vùng chuyên canh rau; vận động nhân dân phát triển các mô hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung gắn với thực hiện dự án vành đai thực phẩm; chuyển đổi cơ cấu giống lúa sang loại giống chất lượng cao, đẩy mạnh sản xuất cây vụ Đông gắn với ủ phân xanh làm phân hữu cơ. Để tạo động lực cho người dân, xã đã liên kết với doanh nghiệp trong việc đầu tư giống và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân; thành lập các tổ HTX chăn nuôi bò hàng hóa, lợn đen, gà và sản xuất nông – lâm nghiệp tại các thôn. Từ đó, góp phần nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích lên trên 70 triệu đồng/ha. Trong số các mô hình hiệu quả phải kể đến mô hình chăn nuôi tập trung của gia đình anh Nguyễn Kim Cần, thôn Thái Hà. Đây là mô hình chăn nuôi tổng hợp, thường xuyên duy trì nuôi trên dưới 100 con lợn các lứa, ngoài ra còn nuôi gà, chim bồ câu; thu nhập mỗi năm của gia đình ổn định ở mức trên 100 triệu đồng...

Bằng việc lấy phát triển sản xuất làm nền tảng cho sự phát triển KT – XH của địa phương, cùng với đẩy mạnh thương mại, dịch vụ, tiếp tục rà soát các tiêu chí NTM có khả năng biến động và có kế hoạch thay đổi kịp thời đang giúp Ngọc Đường thêm vững chắc ở cửa ngõ phía Đông TP Hà Giang và hơn hết, cuộc sống người dân đang ngày một ấm no.

Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đưa trái cam Sành VietGAP lên mâm cỗ ngày Tết

BHG- Tháng Chạp, mùa trái cam Sành Hà Giang chín vàng khắp các vườn cam ở vùng đất phía Nam của tỉnh. Để giúp cho trái cam ngọt của địa phương không ngừng vươn xa, những năm qua, cây cam Sành được coi là cây trồng chủ lực của tỉnh. Ngành Công thương là một trong những ngành luôn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phục hồi và không ngừng phát triển của trái cam Sành, đặc biệt là những trái cam Sành sạch theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua việc quảng bá, xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm. 

21/01/2017
Thủy điện Sông Bạc Vận hành an toàn và hiệu quả

BHG- Thủy điện Sông Bạc chính thức được khởi công xây dựng tháng 10.2010, toàn bộ công trình nằm trên địa bàn 4 xã: Tân Trịnh, Tân Bắc, Tiên Nguyên và Xuân Minh, huyện Quang Bình (Hà Giang). 

21/01/2017
BCĐ đổi mới phát triển kinh tế tập thể tỉnh tổng kết nhiệm vụ năm 2016

BHG - Sáng 20.1, Ban Chỉ đạo (BCĐ) đổi mới phát triển kinh tế tập thể của tỉnh tổng kết nhiệm vụ năm 2016. 

20/01/2017
Lấy ý kiến tham gia xây dựng bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 – 2020

BHG - Chiều 20.1, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các ngành về xây dựng Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

20/01/2017