Hướng đi đúng trong phát triển kinh tế ở thôn Đội 5

07:53, 11/01/2017

BHG- Về thôn Đội 5, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) vào những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp không khí lao động hăng say của bà con; tiếng nói cười rộn ràng khắp những vạt mía, đồi chè, vườn cam... Những năm gần đây, nhờ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, đoàn kết, vượt khó vươn lên của chính những người nông dân lam lũ nơi đây đã mang đến một diện mạo mới cho mảnh đất thuần nông này.

Thôn Đội 5 hiện có 112 hộ, 372 khẩu. Phát huy lợi thế trong sản xuất nông, lâm nghiệp nhờ có diện tích đất rộng; cấp ủy, chính quyền xã và thôn đã xác định lấy cây chè và mía làm hướng đi chủ lực trong công cuộc phát triển kinh tế, XĐGN ở địa phương. Năm 2013, một nhóm hộ dân ở thôn Đội 5 của xã đã liên kết với Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) tiến hành trồng mía nguyên liệu và được phía Công ty cam kết bao tiêu sản phẩm. Sau một năm, mía bắt đầu cho thu hoạch với mức lợi nhuận từ 40 – 50 triệu/ha.

Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây mía mang lại khá cao, trong khi có thể tận dụng được diện tích đất đồi bỏ hoang nên nhiều hộ trong thôn đã mạnh dạn đưa cây mía vào trồng. Đến năm 2015, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương đã chính thức ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với diện tích mía nguyên liệu của thôn. Trong quá trình thực hiện, phía Công ty cho bà con vay giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc. Hiện, tổng diện tích mía toàn thôn đã lên đến trên 30 ha. Theo người dân địa phương, mía là cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp, không phải chăm bón nhiều. Bên cạnh đó, cây mía cũng không đòi hỏi tính thời vụ khắt khe như nhiều loại cây trồng khác, vì vậy có thể trồng mía ở nhiều thời điểm khác nhau trong năm. Đặc biệt, mía là cây không kén đất, có thể tận dụng diện tích đất đồi hoặc diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả...

Đến thăm gia đình anh Nguyễn Xuân Xuyến, khi anh đang khẩn trương bón phân, vun cỏ cho đồi mía của gia đình. Anh Xuyến chia sẻ: “Năm nay là năm thứ 3 gia đình tôi trồng mía nguyên liệu, hiện gia đình tôi có trên 13 ha mía. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên mía to và rất đều cây, năng suất bình quân đạt 100 – 120 tấn/ ha. Năm 2015, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về trên 300 triệu đồng. Cây mía đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ trong thôn, hộ nào trồng ít cũng thu về từ 60 – 70 triệu đồng/năm. Khỏi phải nói, chúng tôi phấn khởi lắm...”. Cũng theo anh Xuyến, cây mía cho thu nhập tương đối cao so với nhiều loại cây trồng khác, trung bình 1 ha mía nguyên liệu mang lại nguồn thu khoảng 65 – 70 triệu đồng.

Đối với cây chè, toàn thôn hiện có trên 50 ha chè đang cho thu hoạch. Trưởng thôn Đội 5, Nguyễn Văn Tuất cho biết: “Chè là cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao. Đối với người dân ở Đội 5 thì cây chè đã góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, tạo việc làm cho một bộ phận lao động địa phương. Bình quân 1 ha chè mang lại nguồn thu khoảng 50 triệu/năm. Tuy nhiên, diện tích chè của thôn hiện chủ yếu là chè của Nông trường trước đây nên đã bị già cỗi, mật độ không đảm bảo. Bên cạnh đó, do đầu tư, chăm sóc kém; thu hoạch chè chưa theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất thấp...”. Để nâng cao giá trị kinh tế cây chè, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thâm canh diện tích chè, trồng dặm vào những diện tích mất khoảng; áp dụng đúng theo quy trình bón phân cân đối, chăm sóc theo độ tuổi của cây chè, lắp đặt hệ thống phun mưa nhỏ giọt tại một số diện tích tập trung làm mô hình để tuyên truyền, nhân rộng. Quy hoạch vùng chè VietGAP để hướng đến sản phẩm chè an toàn, thân thiện với môi trường và người tiêu dùng... Nhờ hướng đi đúng trong phát triển kinh tế nên những năm gần đây, đời sống của người dân thôn Đội 5 được nâng lên đáng kể. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt trên 12,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn trên 30%. Chủ tịch UBND xã Ngọc Linh, Phạm Đức Chúng cho biết: “Những năm gần đây, thôn Đội 5 luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, XĐGN ở địa phương. Trong thời gian tới, chính quyền xã xác định cây chè và mía là 2 cây “mũi nhọn” không chỉ ở Đội 5 mà trên địa bàn toàn xã. Đồng thời sẽ đề xuất với cấp trên có những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nhất định để bà con ổn định sản xuất, vươn lên làm giàu...”.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Thắng Mố không còn hộ nghèo, cận nghèo không có trâu, bò

BHG- Từ năm 2012 đến nay, các hộ nghèo và cận nghèo ở xã Thắng Mố (Yên Minh) được các đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ 179 con bò. Sau 4 năm, đàn gia súc đã sinh sản thêm 47 con. Số gia súc được hỗ trợ và phát triển thêm đã giúp xóa trắng hộ nghèo, cận nghèo không có gia súc ở xã vùng biên còn nhiều khó khăn này.

11/01/2017
Hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế ở xã Bạch Đích

BHG- Hiện nay, trên địa bàn xã Bạch Đích (Yên Minh) đang thực hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, mang lại thu nhập cao và ổn định; đóng góp tích cực vào phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

11/01/2017
Kết quả bước đầu trong củng cố, thành lập HTX kiểu mới ở Đồng Văn

BHG- Thực hiện chủ trương củng cố, kiện toàn các HTX, phát triển kinh tế tập thể của Trung ương, của tỉnh, Thời gian qua, huyện Đồng Văn đã tích cực phổ biến, chỉ đạo ngành chức năng vào cuộc có giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

11/01/2017
Hệ thống ngân hàng đáp ứng nhu cầu tiền mặt dịp Tết

BHG- Vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu giao dịch, thanh toán và dùng tiền mặt của người dân tăng cao; hầu hết các Ngân hàng Thương mại đã có kế hoạch chuẩn bị nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ trong dịp Tết. 

11/01/2017