Hà Giang

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ nông thôn ở Quang Bình

17:34, 02/12/2016

BHG- Nhằm mở rộng giao lưu hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân, những năm gần đây, huyện Quang Bình đã có nhiều cơ chế, chính sách quy hoạch, tu sửa và nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ nông thôn trên địa bàn.

Nhiều quầy hàng bày tràn ra đường ở chợ phiên Vĩ Thượng (xã Vĩ Thượng, Quang Bình) do chật hẹp.
Nhiều quầy hàng bày tràn ra đường ở chợ phiên Vĩ Thượng (xã Vĩ Thượng, Quang Bình) do chật hẹp.

Chợ trung tâm Vĩ Thượng (xã Vĩ Thượng) là một trong những chợ nông thôn hoạt động kinh doanh sầm uất, náo nhiệt nhất của huyện Quang Bình. Chợ họp 2 phiên vào sáng thứ 2 và thứ 5 hàng tuần (từ sáng sớm đến khoảng 12 giờ trưa). Không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa của người dân trong xã, chợ Vĩ Thượng còn thu hút đông đảo bà con từ các xã lân cận đến giao lưu, buôn bán như: Tiên Yên, Xuân Giang; Đồng Yên (Bắc Quang); Khánh Thiện, Lục Yên (Yên Bái). Lưu lượng khách mỗi phiên chợ lên tới gần 500 lượt người. Mặc dù được cải tạo, nâng cấp hàng năm, tuy nhiên đến năm 2014 hệ thống chợ Vĩ Thượng chỉ mới bán kiên cố với tổng diện tích 1.800m2, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho hơn 50 tiểu thương; hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy chưa được hoàn thiện, nhiều hàng bán tràn lan dọc 2 bên cổng chợ gây mất vệ sinh môi trường, không đảm bảo an toàn giao thông.

Chủ tịch UBND xã Vĩ Thượng, Phù Văn Xuế cho hay: Với chủ trương xã hội hóa hoạt động kinh doanh chợ, xã đã vận động bà con tiểu thương đóng góp kinh phí mở rộng diện tích chợ với tổng mức đầu tư gần 100 triệu đồng. Nhờ vậy, đến nay diện tích chợ được nâng lên thành 2.300m2, mở rộng 4 cổng (1 cổng chính và 3 cổng phụ), sắp xếp chỗ để xe, thuận tiện cho việc đi lại, mua bán hàng hóa của người dân. Trong chợ quy hoạch gần 100 ô bán hàng cố định (diện tích 3m2/ô) cho các hộ kinh doanh hàng tạp hóa, quần áo, giày dép...  500m2 được quy hoạch dành riêng cho hàng “tự sản tự tiêu” của bà con. Các gian hàng đã được đầu tư  xây dựng khang trang, sạch sẽ, duy trì kiểm tra, kiểm dịch chất lượng hàng hóa thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Sau mỗi phiên chợ đều có 2 người dọn dẹp rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu chợ. Anh Vương Văn Vả, một khách mua hàng ở chợ Vĩ Thượng chia sẻ: “Trước đây, chợ tạm chật chội, nước rửa, rác thải các loại đổ thẳng ra đường rất mất vệ sinh. Giờ chợ được mở rộng khang trang, sạch sẽ, hàng hóa sắp xếp trật tự thành từng khu rất dễ tìm, dễ mua bán”.

Huyện Quang Bình hiện có 12/15 xã, thị trấn có chợ nông thôn duy trì hoạt động thường xuyên (3 xã không có chợ là Yên Thành, Bản Rịa và Tiên Yên) với hơn 420 hộ kinh doanh cá thể. Trong đó chủ yếu là các chợ được xây dựng bán kiên cố. Nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phục vụ cuộc sống của người dân, thời gian qua, các chợ đều được cải tạo, nâng cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các loại hàng hóa lưu thông trong chợ bao gồm: Hàng tạp hóa, rau, củ, quả, các loại thực phẩm, quần áo may sẵn, dụng cụ gia đình, giày dép... Do đặc thù của một huyện khó khăn, điều kiện giao thông, hạ tầng cơ sở còn hạn chế; ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, huyện đã huy động nguồn vốn từ các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo của địa phương; thực hiện chủ trương xã hội hóa với các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng chợ nông thôn. Nhờ đó, thông qua các khoản thu thuế, lệ phí chợ đã mang lại nguồn thu cho ngân sách ổn định cho huyện. Theo thống kê, nguồn thu thuế và phí năm 2015 của huyện Quang Bình đạt hơn 50 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần so với năm 2010).

Mặc dù vậy, một số chợ nông thôn còn tạm bợ, tình trạng hàng hóa bày bán đều thiếu quy củ, lộn xộn, thực phẩm chín được bày bán đan xen với thực phẩm sống, rác thải vứt bừa bãi khắp chợ, tình trạng ứ đọng nước thải, nước mưa gây ô nhiễm môi trường vẫn khá phổ biến... Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Việc xây dựng hệ thống chợ nông thôn hoàn thiện không chỉ là một trong những tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động giao lưu, thương mại, dịch vụ của địa phương. Do điều kiện hạn chế nên hệ thống một số chợ nông thôn như chợ Tân Trịnh, chợ Tân Bắc, chợ Bằng Lang...  còn chưa được quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Thời gian tới, huyện sẽ cố gắng đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp để hệ thống chợ hoàn thiện, hoạt động hiệu quả; đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo vệ sinh an toàn thực  phẩm, bài trừ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng...  đảm bảo theo tiêu chí Nông thôn mới. Đối với hai xã không có chợ nông  thôn là Tiên Yên, Yên Thành, do điều kiện khách quan (cách các chợ lớn Vĩ Thượng, Xuân Giang và chợ trung tâm thị trấn Yên Bình rất gần) nên huyện chỉ định hướng xây dựng các điểm bán hàng tập trung. Riêng xã Bản Rịa sau khi tuyến Quốc lộ 279 và tuyến đường vào trung tâm xã được xây dựng, nâng cấp xong thì sẽ quy hoạch hệ thống chợ ổn định nhằm phát huy tối đa hiệu quả, tránh tình trạng chợ xây xong bị bỏ không, gây lãng phí.    

YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

HTX Tuấn Dũng khẳng định vị thế của mật ong bạc hà Mèo Vạc

BHG - Nói đến mật ong bạc hà, một loại mật nổi tiếng trên Cao nguyên đá ai cũng nghĩ ngay đến mật ong bạc hà Mèo Vạc của hợp tác xã Tuấn Dũng. Những ngày đầu thành lập, HTX Tuấn Dũng chỉ có 70 đàn ong, đến nay số đàn ong của HTX đã tăng lên 2.500 đàn, năm 2015 HTX đã sản xuất được hơn 10.000 lít mật ong bạc hà. Tạo thu nhập ổn định cho 25 thành viên HTX và nhiều lao động thời vụ ở địa phương.

30/11/2016
Liên kết sản xuất – điều cần thiết trong Tái cơ cấu nông nghiệp ở Quang Bình

BHG- Một trong những mục tiêu quan trọng của Tái cơ cấu nông nghiệp là nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích đất, để đạt được điều đó; người nông dân phải đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, sản xuất theo hướng hàng hóa. 

30/11/2016
Phát huy sức dân ở xã vùng III Hương Sơn

BHG- "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", khắc ghi lời dặn của Bác Hồ; cấp ủy, chính quyền xã Hương Sơn (Quang Bình) đã nỗ lực đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân trong các phong trào thi đua phát triển KT – XH, xây dựng NTM tại địa phương. Nhờ đó, "bức tranh" nông thôn nghèo ở Hương Sơn ngày càng thêm những "nét vẽ" tươi mới của những con đường bê-tông nối liền các thôn, xóm cùng những ngôi nhà sàn khang trang, sạch đẹp...  

30/11/2016
Ấn tượng cầu Cốc Pài

BHG- Chinh phục sự khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên, liên danh các nhà thầu đã khảo sát, thiết kế, xây dựng thành công công trình cầu Cốc Pài. Đây không chỉ là điểm nhấn ấn tượng về kiến trúc, góp phần tô đẹp cho thị trấn Cốc Pài mà còn tạo đà thúc đẩy KT-XH của huyện Xín Mần thêm phát triển.

30/11/2016