Hà Giang

Chắt chiu nghề nuôi ong "trên đá"

08:04, 08/12/2016

BHG- Từ lâu, mật ong ở Hà Giang đã nổi tiếng do có chất lượng rất tốt, nhiều công dụng. Để làm ra những giọt mật vàng óng, sóng sánh ấy là sự chăm chỉ, cần cù của những người theo nghề nuôi ong trên vùng Cao nguyên đá.

Anh Cháng Thìn Lù, Giám đốc HTX Mật ong dược liệu Thanh Vân (Quản Bạ) kiểm tra tổ ong của HTX.
Anh Cháng Thìn Lù, Giám đốc HTX Mật ong dược liệu Thanh Vân (Quản Bạ) kiểm tra tổ ong của HTX.

Nghề nuôi ong lấy mật ở Cao nguyên đá bắt đầu từ cách đây rất lâu, có thể gọi đây là một trong những nghề truyền thống của vùng vì trước đây người dân trong vùng đã có thói quen nuôi khoảng 5 – 10 tổ ong trong nhà để lấy mật. Khoảng 5 – 6 năm trở lại đây, nghề nuôi ong lấy mật phát triển nhộn nhịp nhờ đường xá nối giữa miền xuôi với miền ngược thuận tiện hơn. Nhất khi Cao nguyên đá Đồng Văn được Unesco công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, nhiều du khách đến tham quan đã giúp cho thương hiệu mật ong Bạc hà trở lên nổi tiếng. Đến năm 2013, Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm “Mật ong Bạc hà”, bao gồm khu vực 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Công nhận chất lượng riêng có của mật ong Bạc hà, giúp nghề nuôi ong ngày càng phát triển. Hàng năm, cứ vào tầm tháng 10 –  tháng 11, được gọi là mùa mật ong Bạc hà, cũng là dịp du khách thường tới thăm quan cảnh sắc mùa hoa Tam giác mạch, hoa Cải, hoa Dền, hoa Bạc hà của Hà Giang và mang mật ong về làm quà.

Mật ong Bạc hà là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, song ít ai biết những người dân bản địa làm nghề chắt mật phải làm lụng vất vả, cần cù chịu khó, để duy trì nghề từ năm này sang năm khác. Đến thăm HTX Mật ong dược liệu Thanh Vân ở thôn Thanh Long, được anh Cháng Thìn Lù, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Riêng nhà tôi làm mật ong đã hơn 10 nay rồi, các hộ khác trong thôn cũng nuôi ong từ 5 – 6 năm. Mình bắt đầu nghề từ khi đi học về liền nối nghiệp cha, ban đầu chỉ nuôi khoảng 15 tổ ong một năm thôi. Về sau nhu cầu mua mật của khách tăng lên thì vào lúc cao điểm nhà tôi nuôi đến 500 tổ ong”. Nghề nuôi ong nay đã khác xưa nhiều nhờ vào trình độ KHKT thay đổi, quy mô tăng lên, người dân địa phương không còn phải vào rừng tìm tổ ong về thuần hóa nữa mà duy trì đàn ong tại nhà.

Ở vùng đá khắc nghiệt là thế, song cũng có những mùa hoa cho đàn ong đi làm mật. Người nuôi ong cũng như “dân du mục” thay đổi địa điểm thường xuyên theo mùa hoa. Hàng năm, cứ đến mùa Xuân từ khoảng tháng 3 – tháng 4 là mùa tách đàn ong, tầm tháng 5, 6, 7, 8 là mùa thu mật. Đến tháng 8 hàng năm là mùa mật ong Bạc hà, cho đến tháng 11 là vụ Bạc hà cuối cùng cũng là lúc dồn đàn ong lại, giảm số lượng ong để tránh mùa Đông lạnh chờ mùa xuân đến. Anh Lù cho biết, nuôi ong phải chuyển nhiều địa điểm mới thu được mật, cứ đến tháng 9 –  tháng 10 là lúc anh chuyển đàn ong lên Đồng Văn để thu mật ong Bạc hà.

Nhìn vào sự phát triển của nghề nuôi ong hiện nay đang dần nâng cao về chất lượng và số lượng theo hướng hàng hóa. Giá mỗi lít mật ong thường vào khoảng 300 – 400 nghìn đồng/lít, mật ong Bạc hà tùy thời có thể cao hơn gấp đôi, đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ nuôi ong trong vùng. Trung bình, các hộ nuôi nhiều ong thu về từ 100 – 200 triệu đồng/năm, từ đó thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, nghề nuôi ong hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi có sự cạnh tranh của các chủ nuôi ong ngoại từ vùng khác đến. Do số diện tích bạc hà không tăng mà số lượng đàn ong lại tăng lên chóng mặt dẫn đến sự tranh chấp giữa ong nội và ong ngoại. Để đảm bảo thương hiệu “mật ong Bạc hà” của vùng, đảm bảo đời sống của đồng bào vùng khó khăn nhất cả nước, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân như thành lập Hội sản xuất và kinh doanh mật ong trên Cao nguyên đá. Đây là nơi giúp các hộ nuôi ong nhỏ, lẻ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc hà. Anh Lù cho biết: “Không phải loại mật nào cũng được gắn mắc “mật ong Bạc hà”, mà chỉ có mật đúng mùa Bạc hà mới đủ tiêu chuẩn thôi”. Ngoài ra, HTX của anh phải tự đăng ký một nhãn hiệu mới là “Mật ong dược liệu” cho mật vào những mùa hoa dược liệu khác. Để mật ong đảm bảo chất lượng, HTX đang đầu tư bài bản hơn như: Xây dựng thương hiệu, mua máy tách thủy phân để lọc mật ong, đóng chai mật ong từ 500 – 1.000 ml... Hy vọng với sự cần cù, hết lòng với thương hiệu mật ong Cao nguyên đá sẽ đem về mật ngọt cho những người nuôi ong ở đây.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chỉ dẫn địa lý cho cam Sành Hà Giang

BHG- Với xu thế hội nhập kinh tế, nền kinh tế thị trường đang ngày càng đòi hỏi các sản phẩm có chất lượng cao, có sự đảm bảo về chất lượng, giá cả ổn định. Chính vì vậy, một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cam Sành Hà Giang là phải xác định được tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy việc phát triển một loại cây có giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. 

08/12/2016
Sản xuất chè an toàn để phát triển bền vững

BHG- Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực, góp phần giảm nghèo và phát triển KT-XH của tỉnh ta. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang tập trung phát triển cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), mang lại giá trị gia tăng cao

08/12/2016
Nà Chì đổi thay từ xây dựng Nông thôn mới

BHG- Từ đầu năm đến nay, người dân xã Nà Chì (Xín Mần) đã huy động 3.484 ngày công lao động để mở đường, làm trụ sở thôn, kéo điện về bản; hiến 8.590 m2 đất, hoa màu để làm các công trình phúc lợi xã hội... Chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đang thực sự phát huy tính tích cực trong phong trào xây dựng NTM ở nơi đây.

08/12/2016
Làm giàu từ mô hình nuôi gà Đông Tảo

BHG - Nhờ có tinh thần ham học hỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm;  chị Đặng Thị Quyền, thôn Khuổi Hon, xã Đường Hồng (Bắc Mê) đã là chủ một trang trại gà Đông Tảo và là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế gia đình của huyện và chị cũng là người đầu tiên đưa giống gà Đông Tảo về nuôi trên địa bàn huyện Bắc Mê.

07/12/2016