Hà Giang

Mùa rau xanh trên miền đá Sảng Tủng

07:26, 02/11/2016

BHG- Tưởng chừng nơi miền sơn cước chỉ có đá và núi, sẽ chẳng có gì ngoài những nương ngô vươn mình trên kẽ đá. Nhưng khi đến với xã Sảng Tủng (Đồng Văn) mùa này, một “vựa” rau xanh hiện hữu, trải dọc từ triền núi đến thung lũng mênh mông. Với việc chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng rau và hướng đến hình thành vùng rau chuyên canh đang mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.

Lãnh đạo xã Sảng Tủng tuyên truyền, động viên người dân thôn Séo Lủng B sản xuất rau theo hướng chuyên canh.
Lãnh đạo xã Sảng Tủng tuyên truyền, động viên người dân thôn Séo Lủng B sản xuất rau theo hướng chuyên canh.

Lâu nay, ở nơi đá giăng lũy, giăng thành như xã Sảng Tủng, chẳng ai nghĩ đến có loại cây trồng khác có thể thay thế cây ngô. Đất sản xuất ít, khí hậu khắc nghiệt, chủ yếu trông vào cây ngô một vụ nên cuộc sống người dân rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo. Nằm cách thị trấn Đồng Văn gần 30 km, Sảng Tủng có tổng diện tích tự nhiên trên 3 nghìn ha; trong đó, đất nông nghiệp hơn 2.400 ha, đất lâm nghiệp trên 1.500 ha, đất phi nông nghiệp 48 ha, còn lại đất chưa sử dụng núi đá trên 500 ha. Toàn xã có 15 thôn, 724 hộ với trên 3.500 khẩu, dân tộc Mông chiếm 98% dân số của xã. Câu chuyện đói nghèo đã không còn được nhắc đến nhiều từ năm 2014, bởi từ chăn nuôi và trồng rau, nhiều hộ dân ở Sảng Tủng có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đối với đồng bào ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này, đó là nền tảng giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chúng tôi có mặt tại thôn Séo Lủng B, xã Sảng Tủng khi mặt trời vừa kịp xua tan màn sương mỏng buổi sáng sớm. Từ trung tâm xã, vượt qua đoạn đường quanh co, lởm chởm đá, thôn Séo Lủng B với những ngôi nhà trình tường, ngói máng đặc trưng của đồng bào Mông nằm san sát, được bao quanh bởi những nương rau xanh ngút mắt. Nếu như các năm trước, các thửa đất chỉ dùng trồng ngô, nay gần như toàn bộ diện tích được chuyển sang trồng rau gối vụ. Gia đình ông Giàng Sáu Vàng đã bám trụ ở miền đá này hơn 60 năm, kể lại: “Bao nhiêu năm chỉ biết đến cây ngô, ăn còn chưa đủ no nên nuôi con lợn, con bò cũng khó.

Trong hai năm trở lại đây, cây rau đã giúp mọi người trong thôn khá giả, nhiều nhà còn nuôi con ăn học ở xa”. Thôn Séo Lủng B có 63 hộ gần như đều tham gia trồng rau. Hiện cả thôn có trên 10 ha rau được trồng liền khoảnh, chủ yếu rau bắp cải. Theo đánh giá của người dân, rau bắp cải thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Đặc biệt, do loại đất trên địa bàn xã có độ ẩm cao nên khi trồng không tốn nhiều công tưới nước. Rau được người dân trồng bằng phân chuồng, không sử dụng thuốc trừ sâu nên thị trường ưa chuộng. Mỗi vụ, người dân thu về khoảng 30 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, do vụ rau bắt đầu muộn nên một số gia đình tranh thủ trồng thêm một vụ ngô, vừa đảm bảo lương thực vừa phục vụ chăn nuôi. Đồng chí Hoàng Minh Đức, Bí thư Đảng ủy xã Sảng Tủng cho biết: “Sau khi chuyển đổi sang trồng rau đã giúp nhiều hộ trên địa bàn xã vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Hiệu quả kinh tế từ cây rau đang cho thấy đây là hướng đi đúng đắn giúp tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân và hạn chế tình trạng người dân đi Trung Quốc lao động trái phép”. Hiện nay, toàn xã có trên 20 ha rau phân bố ở các thôn, tập trung nhiều nhất ở thôn Séo Lủng B. Vụ rau bắt đầu từ tháng 7, được người dân trồng gối vụ nên thường xuyên có sản phẩm cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay người nông dân trồng rau theo lối quảng canh, xen canh truyền thống, chưa quy hoạch thành khu, khoảnh để trồng rau chuyên canh theo hướng an toàn; còn mang nặng thâm canh theo tập quán, sử dụng phân chuồng chưa được ủ hoai mục, sử dụng các loại phân hóa học không cân đối (chủ yếu bón phân đạm)... nên cây rau phát triển chậm, hiệu quả kinh tế chưa cao. Trước thực tế đó, xã đang hướng đến thực hiện phương án trồng rau chuyên canh, giúp người dân nắm được kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng rau an toàn, tạo ra sản phẩm rau có chất lượng. Đặc biệt, làm thay đổi nhận thức của người nông dân, chuyển từ tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hàng hoá, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm rau sạch, rau an toàn xã Sảng Tủng. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Đồng thời, huy động sự giúp đỡ của các tổ chức trong việc hỗ trợ phân bón và mở rộng diện tích, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Một mùa rau nữa đang về trên miền đá Sảng Tủng. Giữa bốn bề đá núi, màu xanh của rau vào thì chính vụ như khoác lên màu áo mới cho vùng quê đang trên đà đổi mới. Đối với những người nông dân quanh năm lam lũ nơi đây, năm nay ấm no lại về.

KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Xăng dầu Hà Giang: Nghiệm thu, bàn giao Cửa hàng Xăng dầu Đồng Yên

BHG- Ngày 29.10, Công ty Xăng dầu Hà Giang tổ chức nghiệm thu, bàn giao cửa hàng Xăng dầu Đồng Yên (xã Đồng Yên, Bắc Quang). 

31/10/2016
Hội nghị Kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước và phổ biến các chế độ, chính sách mới

BHG- Sáng 31.10, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh tổ chức Hội nghị Kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) và phổ biến các chế độ, chính sách mới. Tham dự hội nghị có lãnh đạo KBNN và các sở, ban, ngành của tỉnh; cán bộ KBNN các huyện, các đơn vị dự toán, kế toán trên địa bàn tỉnh.

31/10/2016
Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh giải ngân vốn vay tại xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên

BHG - Ngày 29.10, tại UBND xã Linh Hồ, Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh Hà Giang phối hợp với Hội LHPN huyện Vị xuyên tổ chức giải ngân vốn vay cho hội viên. Tới dự có lãnh đạo Hội LHPN tỉnh và huyện, đại diện Quỹ hỗ trợ Phụ nữ phát triển tỉnh cùng đông đảo chị em hội viên Hội phụ nữ xã Linh Hồ. 

30/10/2016
Doanh nghiệp Hà Giang trong "sân chơi" ASEAN

BHG - Quan tâm, sốt sắng, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng để sản phẩm xâm nhập thị trường ASEAN và cạnh tranh bình đẳng với hàng hoá từ các nước trong khối tràn vào "sân nhà"; chưa thực sự quan tâm, cho rằng cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) không tác động nhiều đến hoạt động của mình... Đây là 2 trạng thái đối lập, song song tồn tại khi doanh nghiệp tỉnh ta tiếp cận các thông tin liên quan đến cộng đồng AEC. 

29/10/2016