Hà Giang

Mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn – hướng phát triển mới ở Vị Xuyên

09:29, 12/11/2016

BHG - Vị Xuyên – một trong những huyện động lực của tỉnh, những năm gần đây đã dần khẳng định được vị thế của mình bằng những mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó phải kể đến các mô hình trồng cam, chè và các trang trại chăn nuôi lợn, gia trại chăn nuôi đại gia súc đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm cho các hộ dân. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, ngoài lựa chọn các cây, con có thế mạnh để phát triển, một mô hình mới đã được thử nghiệm trong thời gian qua với những kết quả khả quan ban đầu đã được cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên lựa chọn là một trong những nội dung của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp – Mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn.

Hoàn thành xây dựng nhà lưới, gia đình chị Bùi Thị Huê, thôn Tân Đức, xã Đạo Đức đã thu được 2 lứa rau cải đem về thu nhập cao và đang trồng lứa rau cải thứ 3.
Hoàn thành xây dựng nhà lưới, gia đình chị Bùi Thị Huê, thôn Tân Đức, xã Đạo Đức đã thu được 2 lứa rau cải đem về thu nhập cao và đang trồng lứa rau cải thứ 3.

Thăm Mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn của gia đình chị Bùi Thị Huê, thôn Tân Đức, xã Đạo Đức vào những ngày cuối tháng 9, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi được chị Huê chia sẻ: “Gia đình tôi hoàn thành xây dựng nhà lưới này để chuyên canh sản xuất rau từ tháng 7 trên diện tích 1.000m2. Một nửa diện tích nhà lưới tôi trồng các loại rau cải, nửa còn lại trồng dưa chuột. Sau 2 tháng, đã được thu hoạch 2 lứa rau cải với sản lượng gấp đôi so với lúc chưa có nhà lưới nên bán được gần 10 triệu đồng và đang trồng tiếp lứa thứ 3. Dưa chuột có thời gian sinh trưởng muộn hơn nên bây giờ mới bắt đầu được thu”.

Chưa được thu hoạch sản phẩm sản xuất trong nhà lưới như của gia đình chị Huê, nhưng Mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn của HTX Học Lập tại thôn Làng Vàng, thị trấn Vị Xuyên lại có sự đầu tư lớn và hiện đại hơn, có hướng phát triển rõ ràng, hứa hẹn là mô hình điển hình của huyện Vị Xuyên thời gian tới. Anh Nông Văn Học, Giám đốc HTX Học Lập cho biết: “HTX chúng tôi thuê 1ha đất của người dân trong thôn. Vừa qua, cùng với sự hỗ trợ của huyện, chúng tôi đầu tư xây dựng 2.300m3 nhà lưới với hệ thống tưới nước tự động, hệ thống quạt thông gió và lưới đen che nắng để điều hòa nhiệt độ trong nhà lưới, nhằm giảm sự tác động của thời tiết bên ngoài đến sự sinh trưởng của cây, chủ động sản xuất các loại cây trồng trái vụ để cho giá trị kinh tế cao hơn.” Được biết, HTX Học Lập cũng đang xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm với kho lạnh, tủ lạnh bảo quản rau an toàn phục vụ tham quan và nhu cầu mua sử dụng của người dân, hướng tới phát triển sản xuất số lượng lớn đáp ứng thị trường tiêu thụ của thành phố Hà Giang và nhu cầu đặt hàng của một số siêu thị tại Hà Nội. Tổng kinh phí đầu tư toàn bộ khu nhà lưới của HTX Học Lập ước tính trên 1 tỷ đồng. Khu nhà lưới cũng được chia làm 2 phân khu riêng là khu sản xuất giống và trồng rau thương phẩm. Trong đó, khu trồng thương phẩm có diện tích khoảng 2.000m2, hiện đang trồng một số loại rau cải và khảo nghiệm giống dưa lưới ruột vàng. Số diện tích rau cải hiện đang bắt đầu được thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất cao và đảm bảo an toàn.

 Mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn của HTX Học Lập được đầu tư lớn, áp dụng nhiều KHKT vào sản xuất hứa hẹn là mô hình điển hình của huyện Vị Xuyên.
Mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn của HTX Học Lập được đầu tư lớn, áp dụng nhiều KHKT vào sản xuất hứa hẹn là mô hình điển hình của huyện Vị Xuyên.

Trao đổi với chúng tôi, anh Học và chị Huê đều khẳng định: Sản xuất rau trong nhà lưới giúp chủ động được việc tưới nước, chăm sóc và không phụ thuộc vào thời tiết bên ngoài. Giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của các loại côn trùng, sâu hại tới cây trồng nên không phải dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón hóa học mà hoàn toàn sử dụng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Các loại rau phát triển tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng nhưng lại cho năng suất cao hơn khoảng 2 lần, cho nên đem lại giá trị kinh tế cao. Mỗi năm, số vụ rau sản xuất trong nhà lưới có thể tăng gấp đôi so với sản xuất ngoài trời.

Hiện nay, toàn huyện Vị Xuyên có tổng số 4.300m2 diện tích nhà lưới sản xuất rau an toàn. Với những kết quả khả quan ban đầu được người dân và ngành chuyên môn đánh giá, huyện Vị Xuyên đã xây dựng Đề án sản xuất rau an toàn trong nhà lưới của huyện đến năm 2020 tập trung ở thị trấn Việt Lâm, thị trấn Vị Xuyên và xã Đạo Đức. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng tổng diện tích nhà lưới sản xuất rau lên 10ha.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Hải cho biết: Nhằm góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả, tạo công ăn việc làm ổn định cho khu vực nông thôn, phát triển nông nghiệp bền vững gắn liền với thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm, cấp ủy, chính quyền huyện đã định hướng và đang thực hiện quyết tâm bằng việc xây dựng Đề án “Phát triển mô hình nhà lưới trồng rau an toàn gia đoạn 2016 – 2020”.

Theo tính toán thực tế các mô hình đang thực hiện, mức đầu tư cho một mét vuông nhà lưới khoảng 100.000 đồng. Đây là mức đầu tư lớn đối với các hộ dân. Cho nên, để thu hút các hộ dân tham gia và đạt được mục tiêu cũng như hiệu quả Đề án, huyện Vị Xuyên đang xây dựng một số chính sách hỗ trợ như: Dự kiến hỗ trợ 70.000 đồng/m2 nhà lưới, số còn lại chủ hộ phải đối ứng để thực hiện, tối thiểu là 30.000 đồng/m2. Ngoài ra, để có thể có đầu ra ổn định và được người sử dụng tin dùng, với những sản phẩm trồng trong nhà lưới sẽ phải được chăm sóc tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, huyện Vị Xuyên sẽ tạo mọi điều kiện giúp các hộ đăng ký và được công nhận tiêu chuẩn này.

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều vụ việc về tình hình mất vệ sinh an toàn thực phẩm; thực phẩm được sơ chế, xử lý ở những nơi không đảm bảo vệ sinh hay bằng hóa chất; thực phẩm không rõ nguồn gốc, có các chất cấm vượt mức cho phép... khiến dư luận, xã hội hoang mang, lo lắng không biết nên lựa chọn sản phẩm sạch ở đâu cho bữa cơm gia đình mình. Từ T.Ư đến địa phương đều có những chỉ đạo quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, việc triển khai đẩy mạnh sản xuất rau an toàn trong nhà lưới của huyện Vị Xuyên với những định hướng, chính sách rõ ràng sẽ là lựa chọn đúng và phù hợp với định hướng của tỉnh cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quang Bình: Ký kết tài trợ cộng tác công tư "Đầu tư hoàn thiện cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo chất lượng cao"

BHG- Sáng 11.11, Ban điều phối chương trình CPRP phối hợp với Công ty TNHH MTV Tin học và Đầu tư xây dựng Quang Anh, huyện Quang Bình đã tổ chức Lễ ký kết tài trợ cộng tác công tư (P – PC) "Đầu tư hoàn thiện cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo chất lượng cao" thuộc Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) tỉnh Hà Giang. 

11/11/2016
Hội nghị đánh giá tình hình quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thuốc BVTV, thuốc thú y

BHG- Chiều ngày 10.11, đồng chí nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thuốc BVTV, thuốc thú y. Đến dự Hội nghị có đại diện Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố; trung tâm sản xuất cây trồng, vật nuôi, thu ý.

11/11/2016
Hội nghị tổng kết sản xuất Nông lâm nghiệp năm 2016, triển khai nhiệm vụ sản xuất năm 2017

BHG- Sáng 10.11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông lâm nghiệp năm 2016, triển khai nhiệm vụ sản xuất năm 2017. 

10/11/2016
Huyện Vị Xuyên: Hội nghị nâng cao hiệu quả kinh tế rừng và phát triển rừng bền vững

BHG- Chiều 9.11, tại Trung tâm Hội nghị huyện Vị Xuyên, Sở Nông nghiệp – PTNT phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội nghị tìm giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế rừng và phát triển rừng bền vững huyện Vị Xuyên giai đoạn 2016 – 2020. 

10/11/2016