Chuyển đổi, cải tạo vườn, đồi tạp ở Bắc Quang

09:02, 23/11/2016

BHG - Những diện tích vườn, đồi tạp (V-ĐT) nghèo kiệt dinh dưỡng, trong tương lai không xa được tái sinh bằng vườn cây ăn quả, cây lâm nghiệp,... có giá trị kinh tế cao. Đó là sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Bắc Quang nhằm hướng tới nền nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

Theo rà soát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện nay trên địa bàn huyện Bắc Quang, diện tích V-ĐT chiếm số lượng không hề nhỏ, lên đến 3.927 ha, thuộc sở hữu của 3.272 hộ. Trong đó, diện tích đồi tạp chiếm 73,1%, tập trung nhiều ở xã: Đức Xuân, Hữu Sản, Đồng Tâm... Số diện tích này chủ yếu được người dân sử dụng làm bãi chăn thả gia súc. Còn 26,9% diện tích vườn tạp được các hộ sử dụng trồng sắn và các loại cây phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Đặc biệt, quy mô số hộ có diện tích V-ĐT từ 1 – 2 ha trở lên, lên đến gần 1.000 hộ. Song, điều đáng lưu ý ở đây chính là giá trị kinh tế của 1 ha V-ĐT rất thấp, chỉ đạt 0,5 – 3,5 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó, nếu chuyển đổi sang trồng cam, chè,... có thể cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Gia đình anh Nông Quốc Luật (người đầu tiên), xã Hữu Sản chăm sóc cây keo giống để thực hiện chuyển đổi đồi tạp.
Gia đình anh Nông Quốc Luật (người đầu tiên), xã Hữu Sản chăm sóc cây keo giống để thực hiện chuyển đổi đồi tạp.

Từ thực tế trên, UBND huyện Bắc Quang đã triển khai thực hiện “Kế hoạch Chuyển đổi, cải tạo V-ĐT sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, giai đoạn 2016-2020”, với quy mô 3.889 ha. Đây chính là tiền đề quan trọng để huyện Bắc Quang tận dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng trên cùng diện tích đất canh tác. Riêng năm 2016, huyện Bắc Quang thực hiện chuyển đổi, cải tạo hiệu quả 872 ha V-ĐT sang cây trồng có giá trị kinh tế như: Cam, chè, dứa, trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc và trồng rừng chất lượng cao. Đặc biệt, tại 23/23 xã, thị trấn phấn đấu xây dựng tối thiểu 1 mô hình khép kín về chuyển đổi, cải tạo đất đồi tạp sang sản xuất hàng hoá, với quy mô tập trung từ 5 ha trở lên, gắn với áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh theo hướng VietGAP. Trong đó, có thiết kế vườn trồng, ứng dụng cơ giới hoá và biện pháp tưới nước chủ động cho cây. Cách làm này hiện đang được xã Việt Hồng thực hiện thí điểm chuyển đổi từ đồi tạp sang trồng cam với quy mô 10 ha...

Để thực hiện thành công Kế hoạch trên, ngoài công tác tuyên truyền nội dung Kế hoạch cải tạo, chuyển đổi V-ĐT đến người dân, các giải pháp về giống, kỹ thuật được huyện Bắc Quang đặc biệt quan tâm. Trong đó, khuyến khích người dân lựa chọn giống mới, sạch bệnh, đảm bảo về năng suất, chất lượng để sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh thâm canh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đối với từng loại cây trồng và thực hiện “bộ kỹ thuật” cải tạo V-ĐT sang sản xuất hàng hoá theo quy trình thống nhất, từ khâu: Chọn đất, xử lý thực bì, đào hố đến khâu bón phân, trồng, chăm sóc và thu hoạch. Cùng với đó, UBND huyện Bắc Quang chủ động liên kết, hợp tác với các Viện, Trung tâm nghiên cứu, nhà khoa học nhằm tiếp thu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các giống cây trồng năng suất, phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương cho người dân để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; có cơ chế chính sách khuyến các thành phần kinh tế đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh, liên kết với hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển sản xuất, tiêu thụ và xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm ngay tại địa phương. Đặc biệt, từ nguồn ngân sách địa phương, trong năm 2016, UBND huyện Bắc Quang bố trí nguồn vốn 2,072 tỷ đồng nhằm hỗ trợ công tác chuyển đổi hiệu quả 872 ha V-ĐT sang trồng cây có giá trị kinh tế. Cùng với đó, vận dụng linh hoạt chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hoá của T.Ư và tỉnh như: Nghị định số 55 ngày 3.12.2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 209 ngày 10.12.2015 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá trên địa bàn tỉnh,... để hỗ trợ người dân chuyển đổi V-ĐT.

Thực tiễn trồng cây ăn quả, trồng rừng theo hướng thâm canh cao trên địa bàn huyện Bắc Quang đã chứng minh hiệu quả về kinh tế khi xuất hiện những triệu phú, tỷ phú từ sản xuất cam Sành hay trồng rừng kinh tế. Do vậy, khi Kế hoạch cải tạo, chuyển đổi V-ĐT sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế của UBND huyện Bắc Quang được triển khai thực hiện đã tạo đà để người dân phát huy lợi thế vườn, đồi, nâng cao giá trị gia tăng. Anh Nông Quốc Luật, thôn Kiên Quyết (xã Hữu Sản) chia sẻ: Trước năm 2005, hơn 2,3 ha đất đồi tạp của gia đình anh chỉ có lau, chít, sậy, nứa tép nên ít thậm chí không có giá trị kinh tế. Nhưng 6 năm sau, từ diện tích đó, gia đình anh thu trên 150 triệu đồng khi chuyển đổi sang trồng keo. Tiếp nối thành quả đó và thực hiện Kế hoạch cải tạo, chuyển đổi V-ĐT của UBND huyện Bắc Quang, hiện gia đình anh đang thực hiện chuyển đổi 15 ha đồi tạp sang trồng keo hạt để làm giàu từ kinh tế vườn, đồi...

Bằng kế hoạch cụ thể cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, việc chuyển đổi, cải tạo V-ĐT của huyện Bắc Quang kỳ vọng tạo nên gam màu sáng cho bức tranh kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Bởi thành quả này được tạo nên từ nền tảng vững khi việc phát triển các loại cây trồng không chỉ thích hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu từng vùng mà còn phù hợp với định hướng sản xuất hàng hoá, kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện. Từ đó, hình thành vùng quy hoạch cây ăn quả có múi, cây chè; trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc và đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Truyền thông điệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho thế hệ trẻ

BHG - Ngày 9.3.2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020. Để góp phần thực hiện Kế hoạch của tỉnh, thời gian qua Trung tâm Khuyến công và xúc tiến công thương Hà Giang đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động tuyên truyền, chuyển tải ý thức sử dụng năng lượng  tiết kiệm và hiệu quả cho cộng đồng, trong đó chú trọng đến thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. 

22/11/2016
Nông dân Hà Giang thời kỳ hội nhập ASEAN

BHG- Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Hội nhập, tự do hóa thương mại đã, đang và sẽ tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực của Việt Nam, trong đó có khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

22/11/2016
Chương trình CPRP đồng hành cùng Bắc Quang giảm nghèo

BHG- Được thực hiện dựa trên việc định hướng thị trường, xây dựng kế hoạch hành động chuỗi giá trị hàng hóa có tiềm năng thế mạnh của tỉnh, tập trung vào hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho người dân, bước sang năm thứ hai thực hiện, Chương trình (CT) giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) đã bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy lao động sản xuất của bà con 4 xã đặc biệt khó khăn vùng Dự án ở Bắc Quang, tạo động lực để huyện phát triển KT-XH. 

22/11/2016
Tình hình phát triển và hiệu quả hoạt động của các làng nghề, làng nghề truyền thống sau khi được công nhận

BHG- Trước năm 2011 trên địa bàn tỉnh Hà Giang mới chỉ có 1 làng nghề và 3 làng nghề truyền thống phát triển, được công nhận; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn manh mún nhỏ lẻ, số lượng sản phẩm sản xuất ra còn hạn chế

22/11/2016