Ấn tượng cầu Cốc Pài

07:23, 30/11/2016

BHG- Chinh phục sự khó khăn, khắc nghiệt của tự nhiên, liên danh các nhà thầu đã khảo sát, thiết kế, xây dựng thành công công trình cầu Cốc Pài. Đây không chỉ là điểm nhấn ấn tượng về kiến trúc, góp phần tô đẹp cho thị trấn Cốc Pài mà còn tạo đà thúc đẩy KT-XH của huyện Xín Mần thêm phát triển.

Hiện nay, cầu Cốc Pài là công trình cầu có quy mô xây dựng lớn nhất trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện nay, cầu Cốc Pài là công trình cầu có quy mô xây dựng lớn nhất trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngày 26.1.2015, Công trình cầu Cốc Pài (thuộc Dự án tín dụng ngành Giao thông - Vận tải (GTVT) để cải tạo mạng lưới đường Quốc gia lần 2) được khởi công xây dựng, do liên danh nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 – Công ty cổ phần và Công ty Cầu 12 – Cienco1 thực hiện, với tổng mức đầu tư trên 180 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Sau gần 2 năm thi công, ngày 6.11.2016, cầu Cốc Pài nối hai đầu thượng nguồn sông Chảy, khánh thành, đưa vào sử dụng. Từ đây, niềm mong ước về một cây cầu kiên cố, thay thế cầu treo đã xuống cấp của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc huyện Xín Mần trở thành hiện thực.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là công trình cầu có quy mô xây dựng lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chiều dài toàn cầu là 337,27 mét, chiều rộng 9 mét, gồm 11 nhịp và 537,38 mét chiều dài đường dẫn đầu cầu. Cùng với đó, một điểm nhấn thú vị khác về kỹ thuật xây dựng và thẩm mỹ chính là hình ảnh cầu Cốc Pài cong cong 2 phía đầu cầu, trụ cầu cao sừng sững được hài hoà trong vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, núi cao, sông sâu của thị trấn Cốc Pài. Bởi trong tổng số 11 nhịp cầu thì 2 trụ cầu P5, P6 (cao 60 mét) đã trở thành một trong những trụ cầu cao nhất khu vực Tây Bắc...  Để thi công thành công 2 trụ cầu này, ông Ri-Ô-Ji Ta-Ke-U-Chi, Giám đốc tư vấn Dự án chia sẻ: “Chúng ta hãy tưởng tượng việc thi công trụ ở đây phức tạp như thi công tòa cao ốc, phải dùng đến vận thăng, cẩu tháp trong điều kiện sông sâu, núi cao”. Không những vậy, ông Ri-Ô-Ji Ta-Ke-U-Chi cũng chia sẻ thêm: Dự án tín dụng ngành GTVT của chúng tôi có hơn 50 công trình cầu, trải dài khắp đất nước Việt Nam. Nhưng quá trình thi công cầu Cốc Pài làm chúng tôi trăn trở nhất, quan tâm nhất và cũng ấn tượng nhất. Bởi công việc khó khăn, phức tạp vì thi công trong khu vực đá cứng, vị trí cầu nằm trên sườn dốc cheo leo. Lao lắp dầm cầu qua khe sâu hiểm trở và mặt bằng chật hẹp. Do vậy, trong công tác xây dựng cầu đòi hỏi những người tham gia thi công phải có nhiều kinh nghiệm, chuyên nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật cao”... Hơn nữa, trước sự hiểm trở của địa hình, những chuyến xe chở vật tư, thiết bị xây dựng đều phải di chuyển theo hướng từ tỉnh Lào Cai vào Xín Mần và thực hiện sang tải khi cách công trường 15 km. Đặc biệt, giai đoạn cao điểm thi công cầu Cốc Pài, tổng cán bộ, công nhân viên trên công trường lên đến hơn 300 người. Đơn vị thi công phải huy động 2 trạm trộn bê-tông 60m3/giờ, 2 cẩu tháp cao 60 mét, 3 cẩu bánh xích 45-65 tấn, 3 máy xúc cùng rất nhiều máy móc thiết bị khác đảm bảo quá trình thi công luôn thông suốt... Song, bằng trách nhiệm thiêng liêng “nối những bờ vui”, biết bao cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề đã vượt khó, bám sát hiện trường, sẵn sàng trần mình trong nắng gắt, gió rét để lắp đặt hàng nghìn tấn sắt, thép, đổ hàng vạn khối bê-tông để kịp thời gian, đáp ứng yêu cầu chất lượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động để xây dựng nên cầu Cốc Pài bề thế, hiện đại, bền vững như hiện nay.

Chia sẻ thêm về công trình cầu Cốc Pài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh cho biết: Cầu Cốc Pài được đưa vào sử dụng là minh chứng sinh động chứng minh sự phát huy hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Bởi công trình đã và đang góp phần quan trọng cải thiện điều kiện đi lại của đồng bào nhân dân các dân tộc trong vùng dự án. Đồng thời, phát huy và nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến Quốc lộ 4, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biên giới phía Tây của tỉnh. Do vậy, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang tin tưởng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng, Chính phủ và sự ủng hộ của các Bộ, ngành T.Ư để tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống Quốc lộ 4, nối thông Quốc lộ 4C trên địa bàn tỉnh Hà Giang với Quốc lộ 4D của tỉnh Lào Cai...

Có thể khẳng định, cầu Cốc Pài đi vào khai thác, sử dụng đã và đang góp phần quan trọng trong chiến lược thúc đẩy KT-XH phát triển của cấp ủy, chính quyền sở tại. Hơn nữa, với những điểm nhấn ấn tượng về kiến trúc, cầu Cốc Pài chính là nét chấm phá tô đẹp và tạo đà cho sự phát triển du lịch của huyện Xín Mần. Giờ đây, khi đến Xín Mần, ngoài những địa danh như: Núi Gia Long, bãi đá cổ Nấm Dẩn, Thác Tiên, Đèo Gió,... du khách có thể dừng chân thưởng ngoạn những nét kiến trúc độc đáo tại cầu Cốc Pài – công trình kỳ vĩ được tạo nên từ sự chinh phục điều kiện khắc khắc nghiệt của tự nhiên nhưng không phai dáng vẻ hài hòa, thơ mộng giữa non cao, sông sâu của thị trấn yên bình, hiếu khách – Cốc Pài...

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Diễn đàn thanh niên Quang Bình khởi nghiệp năm 2016

BHG - Ngày 29.11, huyện Quang Bình tổ chức Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp năm 2016. Dự diễn đàn có lãnh đạo Tỉnh đoàn, huyện Quang Bình; đại diện Trường Cao đẳng nghề thuộc Tập đoàn than – khoáng sản Việt Nam (VINACOMIN); cùng hơn 200 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện.

29/11/2016
Trí thức trẻ tình nguyện nơi vùng cao biên giới

BHG - Nhiều năm qua, hình ảnh màu áo xanh của các đội viên trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) cần mẫn đến các bản làng xa xôi, tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bài trừ các hủ tục đã trở nên gần gũi, thân thương với đồng bào các dân tộc vùng cao. Bằng sức trẻ, lòng nhiệt tình, các đội viên TTTTN góp phần làm cho nhiều vùng biên giới ngày càng khởi sắc, thay da đổi thịt.

29/11/2016
Tự hào xã chuẩn Nông thôn mới Đồng Yên

BHG - Sau gần 6 năm (2011-2016) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), từ một xã có xuất phát điểm thấp về điều kiện phát triển KT-XH, nhưng bằng sự đồng thuận, chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Đồng Yên đã bứt phá đầy tự hào để trở thành xã chuẩn NTM của huyện Bắc Quang.

29/11/2016
Thẩm định, xét công nhận xã Đồng Yên (Bắc Quang) và xã Bằng Lang (Quang Bình) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016

BHG - Chiều 28.11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị Thẩm định, xét công nhận xã Đồng Yên (Bắc Quang) và xã Bằng Lang (Quang Bình) đạt chuẩn NTM năm 2016. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các Sở, ngành là thành viên Hội đồng thẩm định; Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM tỉnh; Thường trực BCĐ Chương trình xây dựng NTM huyện Bắc Quang, Quang Bình và xã Đồng Yên, Bằng Lang.

28/11/2016