Hà Giang

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Ý nghĩa, mục tiêu hướng tới

10:02, 27/10/2016

BHG- Là tỉnh biên giới miền núi, trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số, sống bằng nông nghiệp. Nhưng điều kiện tự nhiên, địa hình chia cắt, khí hậu, thổ nhưỡng khắc nghiệt, khiến sản xuất nông nghiệp tỉnh ta luôn gặp khó khăn. Giá trị canh tác trên một diện tích đất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì vậy ngày 23.9.2015, UBND tỉnh Quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (TCCNNN) của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Để hiểu rõ hơn về Đề án, phóng viên Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Phóng viên: Xin đồng chí giải nghĩa một cách ngắn gọn “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp” là gì?

Đồng chí Nguyễn Đức Vinh: Hiểu một cách đơn giản nhất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là trên những nguồn lực hiện có ở các địa phương (tài nguyên đất, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ sản xuất của người dân) sẽ bố trí, cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ để tập trung nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, trở thành hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.

Phóng viên: Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh đặt ra bao nhiêu mục tiêu và mục tiêu cao nhất là gì, thưa đồng chí?Đồng chí Nguyễn Đức Vinh: Đề án đề ra mục tiêu chung là nâng cao giá trị và sự đóng góp của ngành Nông nghiệp trong phát triển KT - XH của tỉnh; tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững. Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển cân đối hợp lý giữa các lĩnh vực trồng trọt - chăn nuôi – lâm nghiệp. Trong đó đặt ra một số mục tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành trên 6,5%; tổng sản lượng lương thực đạt 42 vạn tấn; giá trị bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 50 triệu đồng; 100% cơ sở đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; đóng góp 33% vào GDP toàn tỉnh... Mục tiêu cao nhất đó là giá trị bình quân trên ha đất canh tác đạt 50 triệu đồng/ha và thu nhập của người dân tăng lên (tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm).

Phóng viên: Với những mục tiêu này, tỉnh đã ban hành những chính sách gì nhằm tạo điều kiện cho thực hiện tái cơ cấu Nông nghiệp thành công?

Đồng chí Nguyễn Đức Vinh: Triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi chúng ta đang thực hiện cắt giảm chi tiêu; đầu tư công phải nằm trong kế hoạch vốn trung hạn; ngân sách của tỉnh thì eo hẹp... Vì vậy năm 2015, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 10.12.2015 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04 để hiện thực hóa Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh nhằm khơi thông nguồn vốn tín dụng để thực hiện Đề án. Đồng thời tham mưu cho tỉnh có định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững.

Cây Cam được chọn là một trong 3 cây chủ lực thực hiện trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Trong ảnh: Diện tích cam Vinh trồng thử nghiệm ở xã Vĩnh Phúc, Bắc Quang phát triển tốt.
Cây Cam được chọn là một trong 3 cây chủ lực thực hiện trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Trong ảnh: Diện tích cam Vinh trồng thử nghiệm ở xã Vĩnh Phúc, Bắc Quang phát triển tốt.

Phóng viên: Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp, xin đồng chí cho biết, thời gian qua, ngành đã triển khai thực hiện Đề án này như thế nào? Kết quả bước đầu?

Đồng chí Nguyễn Đức Vinh: Với vai trò của mình, ngành đã tham mưu cho tỉnh ban hành Đề án tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, lựa chọn 3 cây: Cam, chè, dược liệu; 3 con: Trâu, bò, ong. Sau khi Đề án được phê duyệt, ngành đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành khung Kế hoạch triển khai trong cả giai đoạn; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 209 và một số Kế hoạch chi tiết để thực hiện Đề án. Với sự tham mưu của ngành, Đề án đã đã đạt được một số kết quả bước đầu như: Nghị quyết 209 đã đi vào cuộc sống khi có gần 12.900 lượt hộ đăng ký vay vốn theo chính sách của Nghị quyết, với tổng số vốn trên 917,7 tỷ đồng. Trong đó, thẩm định hồ sơ đủ điều kiện vay vốn 2.114 hộ, nhu cầu vay gần 189 tỷ đồng. Tính đến ngày 25.9.2016 đã giải ngân được trên 110,9 tỷ đồng cho 1.198 hộ để mua vật tư phân bón thâm canh cam, chè, trồng dược liệu; mua trâu, bò, ong... Đồng thời tiếp tục triển khai và nhân rộng diện tích cam VietGAP, chè VietGAP và hữu cơ trong đó: Sản xuất 1.900 ha cam VietGAP sẽ công nhận trong năm 2016; chăm sóc trên 3.254 ha chè hữu cơ, VietGAP... Và quan trọng hơn cả là nhận thức của người dân về tư duy sản xuất hàng hóa, sản xuất an toàn đối với người tiêu dùng đang dần thay đổi và nâng lên; nguồn vốn tín dụng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp được khơi thông; dần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Phóng viên: Theo đồng chí, trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, vai trò của các ngành chức năng khác và cấp ủy, chính quyền các địa phương như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Đức Vinh: Tôi cho rằng, muốn triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thành công đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhưng, vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở là hàng đầu. Bởi các điều kiện sản xuất đều nằm ở địa phương, chỉ có người dân và chính quyền địa phương mới hiểu rõ tiềm năng, lợi thế, điều kiện sản xuất của mình và mong muốn, quyết tâm thực hiện hay không nên đây là yếu tố then chốt quyết định Tái cơ cấu Nông nghiệp thành công hay không. Ngoài ra, vai trò của các ngành khác cũng rất quan trọng. Khi các địa phương triển khai thực hiện Đề án, những vướng mắc cần được tháo gỡ sớm, để triển khai được nhanh, thuận lợi và hiệu quả. Khi đó, trách nhiệm của các ngành là rất lớn. Nếu tất cả cùng hướng tới mục tiêu chung, giúp người dân thoát nghèo, KT – XH của tỉnh phát triển theo đúng định hướng mà BCH Đảng bộ tỉnh đặt ra, Đề án sẽ đạt và vượt những mục tiêu đề ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

DUY TUẤN (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ để tiếp tục triển khai Đề án phát triển ngựa bạch hàng hóa ở Mèo Vạc

BHG- Cách đây 4 năm, Mèo Vạc triển khai thực hiện Đề án "Phát triển ngựa bạch hàng hóa, giai đoạn 2012 – 2015", hứa hẹn mang đến sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua, số lượng đàn ngựa bạch tăng được chỉ... "đếm trên đầu ngón tay". Việc tạo ra sản phẩm ngựa bạch hàng hóa đến nay vẫn là "bài toán" mà huyện nghèo đang loay hoay tìm lời giải. 

27/10/2016
Phục hồi giá trị các khu rừng đặc dụng

BHG- Mặc dù có gần 60 nghìn ha rừng đặc dụng (RĐD) với 6 khu Bảo tồn thiên nhiên nhưng trong thời gian qua, tình trạng chặt phá rừng, săn bắt các loài động vật đang khiến cho chất lượng rừng bị thay đổi và suy thoái môi trường sống; gây suy giảm số lượng cá thể, đe dọa tuyệt chủng một số loài. Đứng trước thực trạng đó, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ toàn vẹn các hệ sinh thái rừng, các giá trị đa dạng sinh học, nguồn gen động thực vật quý hiếm, các giá trị về cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử, văn hóa tại các khu RĐD.

27/10/2016
Nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang

BHG- Sản xuất Cam sành Hà Giang (CSHG) đã giúp nhiều nhà vườn tại các vùng trọng điểm cam của tỉnh như: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên trở thành triệu phú, tỷ phú từ nguồn thu nhập này. Song, để mối liên kết giữa sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm CSHG trở nên bền vững không thể thiếu công tác tìm kiếm thị trường, xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...

27/10/2016
Hiệu quả trong liên kết sản xuất, tiêu thụ mía đường trên địa bàn huyện Quang Bình

BHG- Năm 2011, trước chủ trương mở rộng quy mô sản xuất của Công ty Cổ phần Mía đường (CTCPMĐ) Sơn Dương; để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy Đường mới được xây dựng tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), CTCPMĐ Sơn Dương đã tiến hành khảo sát xây dựng vùng nguyên liệu mía tại một số xã, huyện và tỉnh lân cận nhà máy; trong đó có huyện Quang Bình.

27/10/2016