Đưa lâm nghiệp trở thành "trụ đỡ" sản xuất trên đất dốc

07:30, 15/10/2016

BHG- Trong giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh trồng được trên 69 nghìn ha rừng, đạt gần 96% kế hoạch; chăm sóc rừng qua các năm đạt trên 3.856 lượt ha; bảo vệ 979.729 lượt ha với trên 50.770 hộ, nhóm hộ tham gia; khoanh nuôi, bảo vệ 166.894 lượt ha rừng. Tuy nhiên, sản xuất lâm nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; mối liên kết giữa doanh nghiệp, người dân chưa hiệu quả... Và kinh tế lâm nghiệp chưa thực sự phát huy vai trò “trụ đỡ” cho sản xuất trên đất dốc, bảo vệ môi trường (BVMT).

Thực hiện công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ “xẻ thịt” rừng đặc dụng Phong Quang.
Thực hiện công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ “xẻ thịt” rừng đặc dụng Phong Quang.

Nhìn từ cơ sở:

Phát triển kinh tế lâm nghiệp, trồng rừng, bảo vệ rừng (BVR) luôn được tỉnh ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, từ đó có định hướng, chiến lược thực hiện cho cả giai đoạn, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch trồng rừng hàng năm của các huyện, thành phố đều gặp nhiều khó khăn từ khâu huy động nguồn lực, tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ. Nằm bao quanh thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên có trên 103 nghìn ha đất rừng; trong đó, rừng phòng hộ trên 27 nghìn ha, rừng đặc dụng trên 23 nghìn ha, gần 51 nghìn ha rừng sản xuất và gần 1,9 nghìn ha rừng ngoài đất quy hoạch lâm nghiệp. Theo kế hoạch giao, giai đoạn 2010-2015, huyện Vị Xuyên trồng trên 12,6 nghìn ha rừng, đã thực hiện được trên 11,8 nghìn ha đạt gần 94%, tỷ lệ cây sống sau khi nghiệm thu đạt từ 85% trở lên.

Cùng với việc thực hiện kế hoạch trồng rừng hàng năm, người dân Vị Xuyên còn chú trọng công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ nên đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, ngăn chặn được tình trạng suy thoái rừng. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đều thành lập đoàn, tổ kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng rừng, quản lý, BVR nên kết quả rất khả quan, đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra. Nhờ thực hiện tốt chính sách của Nhà nước liên quan đến giao đất, giao rừng, trồng, bảo vệ, chăm sóc nên đời sống người dân từng bước được cải thiện. 

Đối với huyện Hoàng Su Phì, công tác trồng, chăm sóc, BVR thời gian qua cũng có nhiều tiến bộ. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế, ý nghĩa quan trọng của công tác trồng, BVR, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, Hoàng Su Phì đã vận dụng linh hoạt các chính sách, huy động sự vào cuộc tích cực của người dân, phấn đấu hoàn thành và đạt chất lượng công tác trồng rừng theo kế hoạch hàng năm. Hoàng Su Phì có tổng diện tích tự nhiên trên 63 nghìn ha, trong đó, đất lâm nghiệp gần 43 nghìn ha, diện tích rừng gần 34 nghìn ha. Căn cứ kế hoạch trồng rừng hàng năm, Ban quản lý (BQL) Dự án 661 và BQL rừng phòng hộ huyện đã chủ động ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất cây giống, cung ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu của người dân. Vì vậy, giai đoạn 2010-2015, nhân dân các xã trên địa bàn huyện đã khắc phục khó khăn, nỗ lực trồng mới được trên 4.830 ha, đạt gần 95% kế hoạch.

Cùng với 2 địa phương trên, các huyện, thành phố khác cũng nỗ lực, quyết liệt triển khai trồng rừng, góp phần đưa diện tích rừng trồng mới của tỉnh giai đoạn 2010-2015 đạt trên 69 nghìn ha, đạt gần 96% kế hoạch, tỷ lệ che phủ rừng tăng trên 3% so với năm 2009, 100% các thôn, bản có rừng đã xây dựng Quy ước Bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, nhân dân trong tỉnh đã thực hiện chăm sóc rừng qua các năm đạt trên 3,8 nghìn lượt ha, bảo vệ 979.729 lượt ha rừng với trên 50.770 hộ và nhóm hộ tham gia, khoanh nuôi bảo vệ 166.894 lượt ha, cấp phát, hỗ trợ 9.723 tấn gạo cho trên 60 nghìn hộ trồng và quản lý rừng. Kết quả này, góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lên gần 55% vào cuối năm vừa qua.

Phát huy vai trò của lâm nghiệp:

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, kết quả phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất khả quan. Tuy nhiên, lâm nghiệp chủ yếu vẫn dựa vào tiềm năng, chưa gắn kết chặt chẽ giữa phát triển vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, gắn kết giữa doanh nghiệp, người dân còn thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, trồng rừng còn mang tính quảng canh, chất lượng, năng suất thấp, bình quân chỉ đạt 50 m3/ha/chu kỳ 7 năm. Diện tích đất rừng lớn, nhưng đời sống người dân còn nhiều khó khăn, điều này đã tạo áp lực lên công tác quản lý, BVR, hàng năm vẫn xảy ra các điểm nóng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, phá rừng lấy đất sản xuất, lấy củi phục vụ chất đốt... Sản xuất lâm nghiệp của tỉnh hiện vẫn trong tình trạng chậm phát triển, đóng góp hạn chế cho nền kinh tế.

Mặt khác, giai đoạn 2011-2015, ngân sách đầu tư cho lâm nghiệp chỉ đạt bình quân gần 73 tỷ đồng/năm, nguồn thu từ lâm nghiệp còn khiêm tốn, chỉ đạt 565 tỷ đồng/năm, chiếm trên 3% GDP toàn tỉnh. Vì sao có khoảng cách quá lớn giữa tiềm năng và thực trạng, làm thế nào để nâng cao đóng góp của ngành Nông nghiệp vào nền kinh tế, làm thế nào để nghề rừng có thể nuôi sống người làm rừng và thực sự phát huy vai trò “trụ đỡ” cho sản xuất trên đất dốc và BVMT? Trả lời câu hỏi lớn này, đại diện lãnh đạo ngành NN-PTNT cho rằng cần phải hoàn thiện định hướng phát triển lâm nghiệp với tầm nhìn chiến lược, có tính cơ cấu rõ nét.

Điều nhận thấy rõ nhất trong phát triển lâm nghiệp của tỉnh thời gian qua đó là. Đã tập trung giải quyết được các mục tiêu chính như nâng cao độ che phủ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần XĐGN cho người dân, giữ vững ANQP và ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chất lượng rừng tự nhiên đang bị giảm sút, diện tích rừng giàu, rừng trung bình giảm lần lượt 8,5 và 4,5%, diện tích rừng nghèo tăng xấp xỉ 13% giai đoạn 2011-2015...  

Từ thực tế đó, BCH Đảng bộ tỉnh vừa ban hành Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 nhằm phát triển lâm nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững, đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng; đưa sản xuất lâm nghiệp thành một ngành kinh tế về tài nguyên môi trường; thu hút các nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia đầu tư bảo vệ, phát triển rừng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, nâng độ che phủ rừng đạt 58%, trong đó che phủ rừng tự nhiên đạt trên 40%; đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, cho thuê, khoán BVR, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân; nâng tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên nghìn tỷ đồng/năm. Nhiệm vụ đặt ra hàng năm bảo vệ gần 375,6 nghìn ha rừng; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh trên 20,6 nghìn ha; trồng trên 38,7 nghìn ha rừng; hỗ trợ 110 thôn, bản cộng đồng vùng đệm các khu rừng đặc dụng; xây dựng cấp chứng chỉ rừng bền vững 30 nghìn ha trồng mới và rừng đang giai đoạn chăm sóc; tăng tỷ suất rừng trồng đạt 70 m3/ha/chu kỳ 7 năm...

Thực hiện mục tiêu này, tỉnh ta đề ra một loạt các nhóm giải pháp từ công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến lâm, giải pháp về chính sách, huy động vốn, nguồn nhân lực... Với quyết tâm sẽ phát huy được lợi thế, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Đồng thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa có quy mô lớn, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xín Mần, mùa Thu "chín"

BHG- Vượt qua Đèo Gió, trước mắt tôi là không gian mở rộng ngập tràn những sắc màu quyến rũ của núi rừng miền Tây. Trong giây lát, tôi chợt nhận ra đâu đó, mùi thơm béo ngậy pha trộn với mùi khói bếp cứ lan man trong ánh chiều tà...!

15/10/2016
Hiệu quả từ cơ giới hóa nông nghiệp ở Vị Xuyên

BHG- Vào những ngày nông vụ, thay bằng những chiếc cuốc, chiếc cày, chiếc bừa truyền thống, những năm gần đây, trên đồng đất huyện Vị Xuyên đã hiện diện các loại máy móc, thiết bị nông nghiệp để thay thế lao động thủ công, giải quyết khâu lao động nặng nhọc, đảm bảo tính thời vụ, giảm tổn thất trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp còn giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động...

15/10/2016
Trồng rừng và bảo vệ rừng hướng phát triển hiệu quả của HTX Ngàn Hoa

BHG- Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hình thức tổ chức sản xuất và các hoạt động dịch vụ là một trong những tiêu chí quan trọng. Vì thế để xây dựng nông thôn mới thì trên địa bàn các xã phải có các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả.

14/10/2016
Họp báo 12 năm Viettel kinh doanh di động và giới thiệu sản phẩm mới

Sáng 14 -10, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) tổ chức họp báo giới thiệu sản phẩm, dịch vụ nhân dịp kỷ niệm 12 năm kinh doanh dịch vụ di động (15-10-2004/15-10-2016). Với thông điệp "12 năm- Sáng tạo vì khách hàng", Viettel Telecom đã giới thiệu về các sản phẩm, dịch vụ mới trên nền di động.

14/10/2016