"Tiếp lửa" cho thanh niên khởi nghiệp

07:22, 20/09/2016

BHG- Vấn đề khởi nghiệp trong thanh niên (TN) hiện nay đang là câu chuyện thời sự - kinh tế của đất nước. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta, phong trào TN khởi nghiệp đang được khuấy động mạnh mẽ và có sức lan tỏa rộng khắp, qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương TN tiêu biểu với những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, câu chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ, nhất là ở một tỉnh miền núi nghèo như Hà Giang là điều không hề dễ dàng. Và những chính sách hỗ trợ TN khởi nghiệp sẽ là rất cần thiết để “tiếp lửa” cho TN, biến những đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo không giới hạn của tuổi trẻ thành hiện thực.

Thanh niên Lục Đức Giang, xã Phú Linh kiểm tra cây cam giống mới trồng của gia đình.
Thanh niên Lục Đức Giang, xã Phú Linh kiểm tra cây cam giống mới trồng của gia đình.

Dưới cái nắng chói chang của buổi trưa Hè oi ả, anh Lục Đức Giang, sinh năm 1986, trú tại thôn Lang Lầu, xã Phú Linh (Vị Xuyên) vẫn thoăn thoắt trồng những cây cam giống trên diện tích đất đồi rộng hơn 2 ha của gia đình; mồ hôi ướt đầm lưng áo và lấm tấm trên khuôn mặt sạm đen nắng gió của chàng TN dân tộc Giấy. Trao đổi với chúng tôi, anh Giang tâm sự: “Chứng kiến cuộc sống lam lũ, vất vả ở nông thôn từ bé nên mình quyết tâm phải thay đổi bản thân để có cuộc sống tốt hơn. Tôi đã mạnh dạn phá bỏ đồi cọ và cây gỗ tạp rộng hơn 2 ha của gia đình để chuyển sang trồng cam sành và chanh tứ mùa. Ban đầu, gia đình phản đối vì lo sợ thất bại và khó khăn nhất là không có vốn, mình đã thuyết phục gia đình bán đàn lợn thịt hơn chục con và vay mượn thêm của họ hàng được gần 50 triệu đồng để đầu tư mua hơn 1.000 gốc cam giống và chanh Tứ mùa. Hiện nay, mình đã trồng gần xong, tuy nhiên vẫn cần một nguồn vốn khoảng hơn 50 triệu đồng để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mở rộng đường vào vườn cam, kéo điện, mua máy bơm để tưới tiêu cho cây...”.

Cùng chung nỗi niềm “khát vốn” như anh Giang, đoàn viên Hoàng Thế Anh, trú tại thôn Nà Cọn, xã Phú Linh (Vị Xuyên) khởi nghiệp với vốn liếng ban đầu chưa đến 5 triệu đồng. Trước đó, gia đình anh có hơn 20 con gà mái đẻ, anh đã quyết định đầu tư máy ấp trứng với giá gần 3 triệu đồng để ấp và nhân đàn. Hiện, gia đình anh có trên 500 con gà ta thả đồi, anh dự tính sẽ nhân đàn với quy mô từ 1.500 – 2.000 con, tuy nhiên anh cho biết hiện tại đang rất cần vốn để đầu tư thức ăn, xây chuồng trại, mua thêm máy ấp trứng...

Đồng chí Hoàng Thị Thanh Huyền, Bí thư Huyện đoàn Vị Xuyên cho biết: “Một TN muốn khởi nghiệp thành công thì ý chí, quyết tâm của bản thân là điều kiện tiên quyết. Nhưng để hiện thực hóa điều đó thì vấn đề tài chính luôn được đặt lên hàng đầu. Trong khi hiện nay, để TN tiếp cận được nguồn vốn với số tiền cần vay lên đến hàng trăm triệu đồng trên một mô hình là điều không dễ dàng. Bởi nhiều TN chưa phải là chủ hộ, tài sản gia đình không đủ để thế chấp vay ngân hàng, còn tín chấp cho vay đối với Ngân hàng Chính sách lại tùy thuộc vào đối tượng và số tiền tối đa giải ngân cũng chỉ khoảng 30 triệu đồng. Số tiền đó là chưa đủ để giúp TN hiện thực hóa ước mơ làm giàu. Ngoài ra, để khởi nghiệp thành công, TN cần hiểu biết cơ bản về vấn đề khởi nghiệp, hình thành ý tưởng, kết nối thị trường. Để duy trì mô hình, dự án, các bạn trẻ cũng cần có kiến thức về quản lý, kinh doanh, kết nối vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất. Trong quá trình đó còn phải học cách vượt qua thất bại và sáng tạo thường xuyên những ý tưởng mới để đáp ứng thị trường...”.

Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đưa ra chủ trương sẽ phát triển mạnh mẽ chương trình khởi nghiệp quốc gia. Tỉnh ta cũng đã đẩy mạnh tổ chức các chương trình về khởi nghiệp cho TN, quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực trẻ như một trong những giải pháp tích cực để phát triển KT – XH, trong đó, nhấn mạnh vai trò nòng cốt của tổ chức Đoàn TN trong việc đồng hành cùng TN lập thân, lập nghiệp. Tổ chức Đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp với các cấp, các ngành, doanh nghiệp tổ chức truyền thông, tư vấn, khuyến khích TN chủ động tạo việc làm, giúp nhau lập nghiệp, góp vốn và liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp – dạy nghề, tạo việc làm cho TN phù hợp với trình độ, sở trường, năng lực của bản thân và điều kiện của địa phương.

Vướng mắc đang đặt ra hiện nay là nhiều TN muốn đầu tư phát triển kinh tế nhưng lại thiếu nguồn vốn, kinh nghiệm sản xuất, trình độ năng lực về nắm bắt, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu thị trường đầu ra ổn định cho các sản phẩm...  Để tháo gỡ những vướng mắc này cần sự chung tay, hỗ trợ của các cấp, các ngành để tổ chức Đoàn TN xây dựng, triển khai các chương trình, chính sách, đề án hỗ trợ TN trong thời gian tới. Các cấp chính quyền cần quan tâm, tạo điều kiện về chính sách ưu đãi, tiếp cận nguồn vốn và thị trường sản phẩm để phát triển các lĩnh vực khởi nghiệp tiềm năng cho TN nông thôn, như lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp. Cần giúp TN được tiếp cận với thủ tục, quy trình hành chính đơn giản từ thủ tục vay vốn, công nhận thương hiệu, thành lập doanh nghiệp; tìm kiếm đầu ra, kết nối nhiều thị trường tiềm năng vững chắc... Về phía TN, cần hưởng ứng mạnh mẽ hoạt động khởi nghiệp, chủ động tiếp cận chương trình, tích cực tham gia vào các hoạt động để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh để lập nên các dự án, mô hình khởi nghiệp có giá trị thực tiễn cao.

So với nhiều tỉnh thành trong cả nước, hoạt động khởi nghiệp được TN ở tỉnh ta tiếp cận khá muộn, nhưng đó cũng là thuận lợi để các bạn trẻ học hỏi kinh nghiệm, những cách làm hay ở các địa phương khác. Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ TN khởi nghiệp hiệu quả, tạo cơ hội để TN phát huy sức trẻ, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển KT – XH của tỉnh nhà...  

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Agribank Yên Minh: Điểm tựa cho sản xuất kinh doanh phát triển

BHG- Với sự năng động, chuyên nghiệp và trách nhiệm, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Yên Minh (Agribank Yên Minh) đã và đang nhận được sự tin tưởng của nhiều khách hàng. Nhiều hộ gia đình nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng đã phát triển kinh sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô, lĩnh vực sản xuất. Từ đó từng bước đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống kinh tế và diện mạo mới cho địa phương.

20/09/2016
Đồng Văn khó khăn trong chuyển đổi HTX theo luật mới

BHG- Xác định việc chuyển đổi hoạt động của các HTX kiểu cũ sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 là việc làm quan trọng và cần thiết, thời gian qua, huyện Đồng Văn đã có kế hoạch, giải pháp triển khai cụ thể, quyết liệt qua từng năm. Tuy nhiên, do yếu tố khách quan và chủ quan; đến nay, việc giải thể, chuyển đổi các HTX trên địa bàn còn có những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ.

20/09/2016
Agribank Chi nhánh Bắc Quang tham mưu tốt cho huyện trong giải ngân hiệu quả nguồn vốn theo Nghị quyết 209

BHG- Là địa bàn có nhiều đối tượng khách hàng có thể tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Xác định như vậy, ngay từ khi Nghị quyết 209 ban hành, Agribank Chi nhánh Bắc Quang đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện lập danh sách các gia đình có khả năng, điều kiện để phát triển nông nghiệp hàng hóa. 

20/09/2016
Phát triển kinh tế trang trại từ nguồn vốn ngân hàng

BHG- Hiện nay, trên địa bàn huyện Quang Bình có rất nhiều mô hình nuôi lợn thương phẩm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; từ đó, phong trào thi đua phát triển kinh tế trang trại cũng được đông đảo các gia đình tham gia, hưởng ứng từ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình của Nhà nước. Điển hình như mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt khép kín của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, thôn Mác Hạ, xã Tân Trịnh (Quang Bình) thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.

20/09/2016