Đi tìm lời giải "bài toán" phát triển HTX làm ăn hiệu quả ở Hoàng Su Phì

10:58, 06/08/2016

BHG - Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến hết tháng 6.2016, ở Huyện Hoàng Su Phì chỉ có 3 HTX có bề dày trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ được duy trì trong nhiều năm khá thành công. Còn lại 7 HTX đang phải thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và 4 HTX vừa mới được thành lập. Thực trạng hoạt động của các HTX ra sao và đâu là lời giải bài toán cho các HTX hoạt động hiệu quả hiện nay?

Thực trạng các HTX.

Theo Báo cáo của UBND huyện Hoàng Su Phì cho thấy: Đến hết tháng 6.2016, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì có 32 HTX buộc phải giải thể; toàn bộ các HTX giải thể đều là các HTX dịch vụ sản xuất nông, lâm nghiệp được thành lập từ trước những năm 2002 tại các xã, thị trấn để lại. Đồng nghĩa với giải thể các HTX trên, cũng đồng thời mất hết toàn bộ tài sản cũng như vốn liếng đóng góp của các xã viên.

Sản phẩm chè hữu cơ của HTX Chè Phìn Hồ (Phìn Hò Trà).
Sản phẩm chè hữu cơ của HTX Chè Phìn Hồ (Phìn Hò Trà).

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì còn lại 19 HTX; số xã viên tham gia tại 19 HTX là 270 người. Trong đó, số HTX đang làm thủ tục chuyển đổi là 7 HTX, thành lập mới là 4 HTX. Tổng số vốn đăng ký (vốn điều lệ) sản xuất kinh doanh là 21,330,0 tỷ đồng.Theo đánh giá của các cơ quan chức năng cho biết, doanh thu hoạt động của các HTX năm 2015 vừa qua đạt 2.600 triệu đồng. Thu nhập bình quân mỗi xã viên đạt 25 triệu đồng/người/năm.

HTX dịch vụ tổng hợp (DVTH) Hoàng Su Phì thuộc Khu 5, thị trấn Vinh Quang được thành lập từ năm 2008 và được duy trì sản xuất kinh doanh đến nay; HTX có 13 xã viên, vốn điều lệ trên 1,3 tỷ đồng. Dựa trên cơ sở hoạt động của Làng nghề nấu rượu thóc Nàng Đôn truyền thống, 100% bằng ngũ cốc và thảo mộc địa phương. Đến hết năm 2015, HTX đã thu hút thường xuyên 100 hộ đồng bào xã Nàng Đôn chuyên nghề nấu rượu men lá cây rừng. Tất cả ngũ cốc, men nấu rượu đều do đồng bào tự làm, tự ủ men, tự chưng cất rượu thủ công cung cấp cho HTX DVTH. Theo báo cáo kế toán của HTX này cho biết, năm 2015, HTX nấu, chưng cất trên 80.000 lít rượu bán ra thị trường;  đạt doanh thu trên 4 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 1,2 tỷ đồng. Thu nhập bình quân mỗi xã viên đạt trên 3,5 – 4  triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, HTX đang tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho 100 hộ nông dân xã Nàng Đôn. Mức thu nhập bình quân mỗi hộ đạt từ 2,7 – 3,5 triệu đồng/hộ/tháng.

Ở HTX Chè Phìn Hồ (Phìn Hò Trà), xã Thông Nguyên hiện có 45 gia đình tham gia góp vốn bằng diện tích (vườn chè); với tổng diện tích chè trên 70 ha. Hoạt động của HTX chuyên sâu sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu trà. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 của HTX đạt doanh thu trên 7 tỷ đồng. Thu nhập mỗi hộ có vườn chè góp vốn từ 70 - 120 triệu đồng/hộ/năm.

Còn tại HTX Sản xuất và xuất khẩu nông, lâm sản xã Nậm Dịch do anh Nông Văn cường làm Giám đốc; mỗi năm thu mua, xuất khẩu từ 700 – 1.000 tấn thóc và hàng trăm tấn Thảo quả ra khắp thị trường trong, ngoài tỉnh cho biết: HTX thành lập trên cơ sở vốn tư nhân. Song, cái hay của HTX là tập hợp được đông đảo bà con trong khắp vùng cùng hợp tác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sau làm ra. Được biết, doanh thu của HTX năm 2015 vừa qua đạt nhiều tỷ đồng; tạo được công ăn, việc làm thường xuyên cho 15 lao động là đồng bào địa phương. Hiện, HTX đang chuyển dịch từ chuyên thu mua, xuất khẩu nông sản sang sản xuất gạch xi măng phục vụ cho nhu cầu xây dựng Nông thôn mới tại địa bàn HTX đứng chân và khu vực: Nậm Dịch, Nam Sơn, Bản Péo...

Đâu là lời giải cho các HTX làm ăn hiệu quả!?

Báo cáo của Phòng NN & PTNT huyện Hoàng Su Phì cho thấy: Từ năm 2012 đến hết tháng 6.2016, Hoàng Su Phì đã hỗ trợ các HTX là 2 tỷ 301 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng và kéo điện, nước là 700 triệu đồng; hỗ trợ công nghệ chế biến bột, chè là 350 triệu đồng; hỗ trợ giá cước vận chuyển thu mua nông, lâm sản là 300 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi công nghệ chế biến là 501 triệu đồng; hỗ trợ các HTX làm bao bì, đăng ký chất lượng, mẫu mã sản phẩm 90 triệu đồng; và hỗ trợ về một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế HTX và thành lập mới các HTX theo Nghị quyết 47/HĐND/2012 của tỉnh là 360 triệu đồng.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoàng Su Phì, Hoàng Hải Lý và Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Thèn Ngọc Minh cho biết: Có những “điểm nghẽn” lớn nhất mà các HTX gặp phải là: Mặt bằng, điện, nước; công nghệ phải đi kèm thị trường tiêu thụ sản phẩm; vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đi đôi công tác quản trị và tổ chức sản xuất; giải quyết được các điểm nghẽn cơ bản nêu trên, sẽ thúc đẩy được kinh tế HTX từng bước đi lên.

Câu hỏi là tại sao tại 3 HTX làm ăn hiệu quả nói trên đều được Huyện Hoàng Su Phì hỗ trợ tích cực về mọi mặt trong “nhiều năm liên tục”. Chính nhờ sự hỗ trợ và tư vấn, dẫn dắt các HTX về, cách thức tập hợp nhân dân, tổ chức sản xuất, đào tạo tay nghề và tìm kiếm thị trường,... để các HTX làm ăn đứng vững. Bài học hỗ trợ và dìu dắt trên thấy rất rõ ở HTX DVTH Hoàng Su Phì chuyên sản xuất rượu thóc Nàng Đôn là một ví dụ. HTX rượu thóc Nàng Đôn được UBND huyện Hoàng Su Phì dìu dắt, hỗ trợ từ những năm 2007 đến năm 2012 cả về cách thức tổ chức sản xuất, công nghệ tinh lọc khử độc tố trong rượu trước khi bán ra thị trường. Còn tại HTX chè Phìn Hồ cũng được hỗ trợ: Điện, nước, mặt bằng, đổi mới công nghệ... Do đó, việc hỗ trợ các HTX được ví như “nuôi dưỡng một đứa trẻ từ lúc mới sinh ra đến khi trưởng thành”. Do đó, đòi hỏi các cấp chính quyền phải quan tâm thực sự mới có thành công. Còn nếu, phát triển HTX theo kiểu phong trào, thì chỉ có thất bại mà thôi.

Bài học tại các HTX làm ăn hiệu quả tại Hoàng Su Phì là bài học của sự “tận tâm” trong công tác giáo dục tư tưởng, đào tạo con người cho tầng lớp nhân dân để họ bắt kịp xu thế phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu hiện nay. Do đó, Nhà nước, các cấp, ngành liên quan cần có cơ chế, chính sách mang tính “đặc thù” để khuyến khích và hỗ trợ các HTX chuyển đổi, hay thành lập mới phát triển theo từng thang, nấc. Cần hết sức tránh tình trạng thành lập, chuyển đổi lại các mô hình HTX theo phong trào và hỗ trợ “nửa vời” để lấy thành tích báo cáo. Có làm được như vậy, thì công việc kiện toàn và chuyển đổi các HTX theo Luật mới trong giai đoạn kinh tế bùng nổ toàn cầu hiện nay mới thành công và phát triển bền vững.

 Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị Xúc tiến thương mại biên giới năm 2016

BHG- Sáng 29.7, tại thành phố Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại biên giới năm 2016. Đây là Hội nghị xúc tiến thương mại biên giới đầu tiên được tỉnh Hà Giang tổ chức. 

29/07/2016
Xây dựng mô hình Điểm bán hàng tôn vinh hàng Việt

BHG- Những năm qua, Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được các cấp, các ngành và người dân tích cực hưởng ứng. Với ngành Công thương, đã cụ thể hóa CVĐ thành những việc làm cụ thể, thiết thực. 

27/07/2016
"Thông Nguyên điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp"

BHG- Đó là Đề án của huyện Hoàng Su Phì nhằm xây dựng xã Thông Nguyên trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với duy trì và phát triển xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Đây là cơ hội và động lực để Thông Nguyên trở thành xã có KT-XH phát triển, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và làm đổi thay bộ mặt nông thôn tại địa phương.

26/07/2016
Công ty Điện lực Hà Giang triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

BHG - Ngày 25.7, tại Hội trường khách sạn Hoa Cương (Đồng Văn), Công ty Điện lực Hà Giang đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác sản xuất kinh doanh (SXKD) 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng, nhiệm vụ SXKD 6 tháng cuối năm 2016.

26/07/2016