Công ty Cổ phần năng lượng Bitexco cam kết thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng

07:21, 03/08/2016

BHG- Công ty Cổ phần năng lượng Bitexco (Công ty Bitexco) - chủ đầu tư một số dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh, trong đó có Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 được xây dựng trên địa bàn các xã Khau Vai, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) với công suất 110MW, gồm 2 tổ máy đã chính thức phát điện từ năm 2012. Nguồn nước từ dòng Nho Quế chảy qua Nhà máy, mỗi năm sản sinh ra lượng điện khoảng 500 triệu kWh, mang lại nguồn lợi nhiều tỷ đồng cho chủ đầu tư. Thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động đến nay, bên cạnh việc đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động, trong đó có con em đồng bào dân tộc vùng triển khai dự án, thì chủ đầu tư cũng trở thành con nợ bất đắc dĩ của các hộ dân cung cấp dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Bởi lẽ, theo số liệu thống kê của Quỹ Bảo vệ (BV) và phát triển rừng (PTR) tỉnh, tính đến ngày 30.4.2016, tổng số tiền sử dụng DVMTR đơn vị chủ quản Nhà máy Thuỷ điện Nho Quế 3 còn nợ người dân cung cấp dịch vụ trên 9,5 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Bitexco nợ trên 7 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Thuỷ điện Nho Quế 3 thuộc Công ty Bitexco trên 2,5 tỷ đồng của kế hoạch 2015. Ngoài ra, còn hơn 370 triệu đồng tiền lãi phát sinh do đơn vị sử dụng dịch vụ chậm trả nợ theo hợp đồng ủy thác ký với Quỹ BV-PTR. Nhằm giữ và duy trì ổn định nguồn nước quý giá cung cấp cho thủy điện trên sông Nho Quế, hơn 67 nghìn người dân huyện Đồng Văn, Mèo Vạc đang ngày đêm miệt mài bảo vệ 16 nghìn ha rừng. Thế nhưng, chỉ nguồn thu ít ỏi từ tiền bảo vệ rừng, họ cũng không được chi trả kịp thời, do một phần đã bị chủ các nhà máy thủy điện sử dụng vào mục đích khác.

Mới đây, trong buổi làm việc với đại diện Ban điều hành Quỹ BV-PTR nhằm tìm hướng giải quyết tình trạng nợ đọng tiền DVMTR, phía Công ty Bitexco và Công ty TNHH MTV Nho Quế 3 cho rằng, doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn như sản lượng điện thương phẩm 6 tháng đầu năm đạt thấp với 20% kế hoạch năm; doanh nghiệp nợ ngân hàng lớn nên phải mượn nguồn tiền chi trả DVMTR để thanh toán một phần gốc và lãi vốn vay... Các doanh nghiệp cũng thừa nhận, chi trả DVMTR chính sách lớn của Nhà nước, góp phần tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, huy động các nguồn lực của xã hội cho công tác bảo vệ rừng.

Căn cứ vào tình hình thực tế, đại diện Ban điều hành Quỹ BV-PTR và các doanh nghiệp đi đến thống nhất: Số tiền DVMTR nợ đọng của Công ty Bitexco tính đến ngày 23.6.2016 còn trên 6,5 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Nho Quế 3 trên 2 tỷ đồng. Công ty Bitexco cam kết, trong tháng 7 sẽ thanh toán 3 tỷ đồng, số tiền còn lại trên 3,5 tỷ đồng sẽ thanh toán dứt điểm trong tháng 8.2016. Công ty TNHH MTV Nho Quế 3 cũng cam kết thanh toán dứt điểm nợ đọng tiền DVMTR trong tháng 7. Đối với số tiền ủy thác chi trả DVMTR từ năm 2016 trở đi, các doanh nghiệp sẽ thanh toán theo đúng hợp đồng ký kết, nếu đến thời điểm cam kết, các Công ty không ủy thác đủ số tiền sẽ chịu nộp tiền lãi và xử phạt hành chính theo quy định.Liên quan đến vấn đề này, trước đó Báo Hà Giang đã đăng bài viết phản ánh tình trạng hơn 67 nghìn người dân trở thành chủ nợ bất đắc dĩ của Nhà máy thuỷ điện Nho Quế 3. Đặc biệt, trong năm 2015, UBND tỉnh đã nhiều lần phải vào cuộc giải quyết vấn đề nợ tiền DVMTR của Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3. Sau mỗi lần làm việc, đơn vị sử dụng DVMTR lại đưa ra một thời điểm cam kết trả nợ, nhưng cam kết cứ cam kết, họ liên tục vi phạm. Cuối năm 2015, sau buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chi trả DVMTR, doanh nghiệp lại cam kết đến trước ngày 28.2.2016 sẽ trả số tiền nợ DVMTR năm 2015. Tuy nhiên đến nay, đơn vị chủ quản Nhà máy Thuỷ điện Nho Quế 3 vẫn không phối hợp, không ủy thác đủ số tiền DVMTR về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để chi trả cho người dân tham gia bảo vệ rừng theo đúng quy định.

Hy vọng đợt cam kết này, Công ty Bitexco và Công ty TNHH MTV Nho Quế 3 coi trọng chữ tín, thực hiện đúng lời hứa, có trách nhiệm đối với những người dân ngày đêm giữ rừng, cung cấp dịch vụ để các nhà máy thủy điện có thể hoạt động ổn định.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị Xúc tiến thương mại biên giới năm 2016

BHG- Sáng 29.7, tại thành phố Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại biên giới năm 2016. Đây là Hội nghị xúc tiến thương mại biên giới đầu tiên được tỉnh Hà Giang tổ chức. 

29/07/2016
Xây dựng mô hình Điểm bán hàng tôn vinh hàng Việt

BHG- Những năm qua, Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được các cấp, các ngành và người dân tích cực hưởng ứng. Với ngành Công thương, đã cụ thể hóa CVĐ thành những việc làm cụ thể, thiết thực. 

27/07/2016
Chủ động triển khai các nhiệm vụ khuyến công, xúc tiến công thương

BHG- Là một trong những đơn vị trực thuộc Sở Công thương, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công xúc tiến công thương (KCXTCT) Hà Giang luôn được đánh giá là đơn vị năng động, chủ động và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Với các nhiệm vụ chính như: Khuyến công; xúc tiến thương mại; tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn; đầu tư phát triển. Hoạt động của Trung tâm đã góp phần vào sự thành công của ngành Công thương và sự phát triển của địa phương Hà Giang. 

26/07/2016
"Thông Nguyên điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp"

BHG- Đó là Đề án của huyện Hoàng Su Phì nhằm xây dựng xã Thông Nguyên trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với duy trì và phát triển xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Đây là cơ hội và động lực để Thông Nguyên trở thành xã có KT-XH phát triển, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và làm đổi thay bộ mặt nông thôn tại địa phương.

26/07/2016