Hà Giang

Cần có những cơ chế đặc thù phát triển cây chè ở Yên Minh

07:14, 12/07/2016

BHG- 1.343 ha là tổng diện tích chè hiện nay của huyện Yên Minh. Mặc dù 100% diện tích chè được trồng từ năm 2012 trở về trước, nhưng chỉ có 630 ha cho thu hoạch... Sản lượng chè 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt trên 1.300 tấn và cả năm ước đạt 2.000 tấn (tương đương khoảng 3 tấn/ha/năm). Con số này thực sự khá thấp so với các huyện như: Vị Xuyên và Hoàng Su Phì (bình quân trên 3,7 tấn/ha/năm). hiện nay, Yên Minh chỉ có 3 cơ sở chế biến kinh doanh chè với sản lượng mỗi năm đạt khoảng 20 tấn chè khô, tương đương 100 tấn chè tươi nguyên liệu, mức tiêu thụ chưa đến 10% sản lượng chè tươi của huyện...

Huyện Yên Minh có trên 150 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn đang được người dân chăm sóc và thu hoạch Trong ảnh: Chè cổ thụ trăm tuổi ở thôn Sa Lỳ, xã Ngam La.
Huyện Yên Minh có trên 150 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn đang được người dân chăm sóc và thu hoạch Trong ảnh: Chè cổ thụ trăm tuổi ở thôn Sa Lỳ, xã Ngam La.

Thế mạnh cây chè và quyết tâm phát triển

Huyện Yên Minh nằm ở độ cao trung bình khoảng 1.000 m so với mặt nước biển. Có nhiều địa phương có diện tích đồi núi đất lớn, khí hậu quanh năm mát mẻ, là điều kiện thuận lợi để phát triển cây chè, đặc biệt là giống chè Shan tuyết. Vì vậy, từ hàng trăm năm trước, người dân ở những vùng này của Yên Minh đã trồng chè. Hiện nay, toàn huyện còn trên 150 ha chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm vẫn đang được chăm sóc và thu hoạch. Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cùng với kinh nghiệm trồng trè lâu đời của người dân, huyện Yên Minh đã đề ra những chương trình, phương án thể hiện quyết tâm phát triển cây chè trở thành cây thế mạnh, mang lại thu nhập khá cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.Từ Đại hội XV Đảng bộ huyện Yên Minh (2005 – 2010) đến Đại hội XVI (2010 – 2015), huyện Yên Minh đã ban hành 1 Nghị quyết, 1 Phương án và 1 Chương trình hành động chuyên đề nhằm phát triển cây chè như: Nghị quyết số 03 ngày 10.7.2007 “Về phát triển vùng chè hàng hóa huyện Yên Minh đến năm 2015”; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 03; Phương án 16 ngày 21.12.2009 “thực hiện chương trình trồng mới 1.000 ha chè đến năm 2010”. Cùng với những nội dung trên, huyện Yên Minh cũng đã tiến hành khảo sát và phân vùng phát triển vùng chè của huyện thành 2 vùng riêng biệt ở 9/18 xã, thị trấn. Và minh chứng cụ thể quyết tâm phát triển cây chè là chỉ trong 5 năm, từ 2007 – 2012, Yên Minh đã trồng mới được trên 1.000 ha chè.

Chưa đánh thức được tiềm năng

Hiện nay, tổng diện tích chè ở Yên Minh là 1.343 ha, 100% số diện tích này có tuổi từ 4 năm trở lên. Theo giới chuyên môn, cây chè từ khi trồng đến khi bắt đầu cho thu hoạch mất khoảng 4 – 5 năm. Vậy nhưng, hiện tại chỉ có 630 ha chè trong toàn huyện đang cho thu hoạch. Với sản lượng 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1.385 tấn, ước tính đến hết năm 2016 đạt khoảng 2.000 tấn (tương đương khoảng hơn 3 tấn/ha/năm), đây thực sự là con số khá thấp so với sản lượng chè của một số huyện vùng thấp và phía Tây như: Vị Xuyên và Hoàng Su Phì. Được biết, hiện nay, diện tích chè đang cho thu hoạch ở Vị Xuyên và Hoàng Su Phì đều trên 3.000 ha, cho sản lượng trên 12.000 tấn/năm, tương đương gần 4 tấn/ha/năm. Như vậy, sản lượng chè ở Yên Minh chỉ bằng khoảng 80% sản lượng chè của các huyện trên.

Anh Trần Quang Hưng, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Yên Minh, phụ trách theo dõi lĩnh vực này chia sẻ: Sở dĩ năng suất, sản lượng chè của huyện còn thấp như vậy, bởi hiện nay trên địa bàn huyện chưa có doanh nghiệp đầu tư lớn vào chế biến chè. Vì vậy, người trồng chè chưa có thu nhập nhiều và ổn định từ cây chè. Cho nên họ ít quan tâm, thậm chí bỏ hoang, không chăm sóc thâm canh chè; khiến nhiều diện tích dù đã đến tuổi thu hoạch nhưng vẫn chưa thể thu hoạch do còi cọc, chậm lớn, sản lượng ít và không ít diện tích cây chè bị chết.

Theo tìm hiểu, hiện nay toàn huyện Yên Minh chỉ có 3 cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm chè với công suất chế biến năm 2015 chỉ đạt khoảng 20 tấn khô. Tương đương tiêu thụ khoảng trên 100 tấn chè tươi nguyên liệu. Còn lại hầu như nguồn nguyên liệu được các hộ tự dùng máy xao chè mi – ni để chế biến sử dụng cho gia đình và một phần nhỏ mang bán tại các chợ phiên. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cây chè ở Yên Minh chưa mang lại thu nhập cho người dân. Do đó, cây chè chưa được quan tâm và phát triển.Cần có những cơ chế đặc thù phát triển cây chè

Nhằm thúc đẩy phát triển cây chè, trong 5 năm, từ 2010 – 2015; huyện Yên Minh cũng đã có một số cơ chế hỗ trợ như: Hỗ trợ một phần kinh phí cho HTX Hương Vị Núi đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị chế biến chè; hướng dẫn và hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm chè cho các cơ sở chế biến; hỗ trợ một số máy xao chè mi – ni cho các hộ dân; hỗ trợ phân bón cho 500 ha chè để người dân cải tạo vườn chè trong năm 2014. Tuy nhiên, những hỗ trợ này chỉ như “muối bỏ bể” so với diện tích chè và thực trạng phát triển chè hiện tại ở Yên Minh. Cho nên cây chè ở Yên Minh dường như vẫn đang ngủ quên trên tiềm năng phát triển

Hiện nay, cây chè ở Yên Minh hoàn toàn được chăm sóc, thu hái một cách tự nhiên, không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học và chế biến cũng hầu như theo cách thức truyền thống... Cùng với điều kiện khí hậu trong lành, thổ nhưỡng không bị ảnh hưởng của khí thải, chất thải các nhà máy, mỏ quặng, khu công nghiệp... Và theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh mới ban hành cuối năm 2015, cây chè là 1 trong những cây, được tỉnh lựa chọn tập trung phát triển trong giai đoạn 2015 – 2020 với những ưu đãi lớn. Thiết nghĩ, đây sẽ là lợi thế lớn để Yên Minh có thể phát triển cây chè thành những vùng chè hữu cơ, chè VietGap theo đúng chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, sẽ cần những cơ chế chính sách đặc thù và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Yên Minh nếu muốn tiếp tục phát triển cây chè và đánh thức tiềm năng, thế mạnh của nó. Được biết, trong giai đoạn 2015 – 2020, Yên Minh không được tỉnh quy hoạch để phát triển vùng chè và cây chè cũng không được lựa chọn là cây thế mạnh của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Bắc Mê còn đó những nỗi lo

BHG- Thời gian qua, công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Bắc Mê nằm trên tuyến Quốc lộ 34, đoạn từ thôn Bản Tính (xã Phú Nam) đi Cao Bằng do chủ đầu tư là Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng. Đơn vị thi công là Tổng Công ty Sông Đà 5, quá trình thi công không đảm bảo an toàn nên đã xảy ra một số vụ tai nạn, không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, mà còn khiến người dân hết sức hoang mang và lo ngại về mức độ an toàn mỗi khi lưu thông qua khu vực này.

30/06/2016
Vì sao người dân phường Ngọc Hà ngăn đường chặn xe chở quặng vào bãi tập kết?

BHG - Từ đêm 26.6 đến nay, hàng chục người dân tổ 8, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đã dựng vật cản, cắt cử lực lượng túc trực ngăn chặn, không cho xe của Công ty TNHH MTV Trí Hưng (Công ty Trí Hưng) chở tinh quặng Sắt vào bãi tập kết. Người dân bức xúc vì tiếng ồn, bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, còn doanh nghiệp giải quyết chưa linh hoạt, chưa thấu tình đạt lý… dẫn đến sự việc càng trở nên phức tạp.

29/06/2016
Lãng phí một công trình tiền tỷ

BHG- Được khởi công xây dựng từ tháng 10.2013, đến tháng 9.2014; Công trình Cải tạo, nâng cấp cụm thủy lợi các thôn: Tân Điền, Mâng, Nặm Mái, xã Kim Ngọc; Quyết Thắng, Thượng, Thác, xã Bằng Hành (Bắc Quang) được nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng. Nhưng kể từ đó đến nay, hạng mục thủy lợi Nặm Mái (xã Kim Ngọc) thuộc công trình tiền tỷ này vẫn "nằm im", gây bất bình dư luận.

29/06/2016
Xã Vĩnh Hảo hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới

BHG- Trở lại xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) vào một ngày tháng 6, chúng tôi rất ấn tượng với diện mạo mới của xã. Những ngôi nhà cao tầng thi nhau mọc lên san sát, những vườn cam sai quả, nương chè xanh mướt mắt,... cuộc sống của người dân Vĩnh Hảo đang từng ngày đổi thay. 

29/06/2016