Hà Giang

Xây dựng Nông thôn mới ở Nà Chì còn nhiều gian nan

15:57, 02/04/2016

BHG- Hoàn thiện trên 200 km đường giao thông nông thôn, kiên có hóa 165 km kênh mương dẫn nước, xây mới 1 trạm y tế xã và 4 trường học đạt Chuẩn Quốc gia; đó là những tiêu chí cần rất nhiều nguồn vốn đầu tư.

Phát huy nội lực sức dân

Xã Nà Chì nằm ở cửa ngõ phía Nam huyện Xín Mần có 999 hộ, 13 dân tộc sinh sống tại 13 thôn bản. Hết năm 2015, Nà Chì đã hoàn thành cơ bản 11/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Các tiêu chí đã hoàn thành chủ yếu là các tiêu chí thuộc về công việc của từng hộ dân như: Xây bể nước, làm nhà tắm, nhà vệ sinh, di chuyển chuồng trại, phát triển sản xuất, mở đường giao thông nông thôn, làm đường liên hộ, liên thôn bản... Đồng bào địa phương cho rằng, những công việc cần đến sức dân, người dân đã vận động nhau làm tự giác, làm tự nguyện đến xong thì thôi.

Đồng bào Nà Chì mở rộng đường Đại đoàn kết (bằng sức dân và đất đai do dân hiến tặng) về thôn Đại Thắng.
Đồng bào Nà Chì mở rộng đường Đại đoàn kết (bằng sức dân và đất đai do dân hiến tặng) về thôn Đại Thắng.

Thực tế triển khai trong 4 năm xây dựng NTM (2011 – 2015), đồng bào xã Nà Chì đã mở mới trên 120 km đường giao thông nông thôn đi từ trụ sở UBND xã về trung tâm 13 thôn bản. Đồng bào trong xã bỏ công sức, lấy cát sỏi kiên cố hóa được 23 km kênh mương dẫn nước. Hoàn thiện cơ bản xây dựng hệ thống chuồng trại, nhà tắm, tường rào theo mô hình “Nhà sạch – Vườn đẹp” tại mỗi hộ trong các khu dân cư. Ngoài ra, đồng bào còn đóng góp hàng chục ha đất đai, hoa màu cho việc mở đường, xây dựng điểm trường, nhà văn hóa. Tập trung khai thác mọi tiềm năng về đất đai, sức lao động thành lập 13 Tổ hợp tác, 24 Nhóm sở thích để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt trên 16,5 triệu đồng/năm 2015.

Ngay những ngày đầu năm 2016, đồng bào Nà Chì vừa tăng gia sản xuất lại vừa tiếp tục ra quân mở đường về các thôn, bản. Quan điểm của Đảng bộ, nhân dân trong xã là vận dụng tối đa các nguồn lực trong dân có được để xây dựng quê hương. Đồng thời, đùm bọc lẫn nhau để cùng vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm xây dựng NTM. Các anh lãnh đạo xã Nà Chì cho biết: Vừa xây dựng, vừa sản xuất dựa trên “sức dân có đến đâu, làm đến đó” và làm cho chắc chắn, bền vững.

Rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Theo ghi nhận, Nà Chì là xã có diện tích lớn, địa hình chia cắt nhiều bởi đồi núi, sông, suối; dân cư phân bố nhỏ lẻ. Vì thế mà Nà Chì có một hệ thống đường giao thông nông thôn vô cùng phức tạp. Đường được mở từ sức dân đã có, nhưng đầu tư để bê-tông hóa, hay để nhựa hóa được hệ thống đường hiện nay cần một nguồn vốn lớn tới hàng trăm tỷ đồng. Nguồn vốn này, hiện tại đang nằm ngoài sức dân. Các anh lãnh đạo xã cho biết: Trong gần 4 năm thực hiện mở đường Đại đoàn kết, đồng bào đã cơ bản hoàn thành mục tiêu mở đường đến 100% thôn bản. Còn hiện nay, cứng hóa mặt đường, xây hệ thống cống rãnh, sức dân không thể kham nổi? Tiếp đó là vốn để kiên cố hóa 165,8 km kênh mương cần rất nhiều tiền của. Bởi lẽ, hệ thống kênh mương dẫn nước của Nà Chì bao bọc quanh sườn núi là kênh mương do dân đào đắp tạo thành. Mưa lũ, sói lở, đắp đi, làm lại vẫn là chuyện muôn đời nay. Bây giờ, thực hiện xây dựng NTM, nếu không có sự hỗ trợ lớn về xi măng từ Nhà nước, kênh mương vẫn chỉ là tạm thời theo vụ. Mưa gió thất thường thì mất kênh mương, mất đập đầu mối, mất nước, mất mùa là chuyện xưa nay vẫn lặp đi, lặp lại.

Lại nói về thu nhập đầu người, tính hết năm 2015, Nà Chì mới đạt 16,5 triệu đồng/người/năm, coi như dân mới thoát nghèo chứ chưa thể dư dật. Còn tính theo Chuẩn nghèo Đa chiều hiện nay, Nà Chì có trên 42% hộ nghèo, cận nghèo. Con số trên cho thấy, xây dựng Nà Chì đạt Chuẩn NTM vẫn còn lắm gian nan và khó có thể vượt qua các tiêu chí trong vài năm tới.

Đồng bào Nà Chì vẫn bảo nhau, Nhà nước cần dân đóng góp đất đai, hoa màu, góp công sức... xưa nay, nhân dân không nề hà. Thế nhưng, cũng mong Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ nhân dân...  Các tiêu chí: Xây dựng 4 trường học đạt Chuẩn về giáo dục, 1 trạm y tế đạt Chuẩn Quốc gia về y tế đều là các tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư rất rất lớn. Việc thực hiện “Xã hội hóa” để xây trường học, xây trạm y tế đã được nhân dân hiến đất đai, hoa màu, bỏ công sức san gạt mặt bằng... Hiện tại, công việc đầu tư xây dựng nhà cửa, phòng học, phòng khám, mua sắm trang thiết bị, nhân dân không thể lo nổi? Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội thì Nà Chì mới hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM.

Xây dựng NTM là một cuộc cách mạng không thể nóng vội. Cần tránh tình trạng “nợ” tiêu chí để công nhận đạt Chuẩn NTM. Điều này sẽ gây ra cơ sở nợ đọng xây dựng cơ bản và là “gánh nặng cho dân”. Giải pháp hay nhất vẫn là “Nhà nước – Nhân dân cùng làm”. Nhà nước cần đầu tư từng bước và hỗ trợ một phần chi phí bằng tiền công lao động để nhân dân làm. Còn những công việc kỹ thuật, chi phí lớn về sắt thép, xi măng...  bắt buộc Nhà nước phải đầu tư toàn bộ.

Hãy cân nhắc từng hạng mục đầu tư cần thiết làm trước như đường giao thông, hệ thống thủy lợi. Làm chắc chắn, làm đến đâu được đến đó thì nhất định thành công.  

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Kim Ngọc phát triển thôn trung tâm theo hướng đô thị

BHG- Là xã "cửa ngõ" Khu di tích cách mạng Tiểu khu Trọng con và có lịch sử hình thành, phát triển từ lâu đời; xã Kim Ngọc (Bắc Quang) có điều kiện khá thuận lợi cho việc phát triển KT – XH. Gần đây, với sự tự thân nỗ lực và hỗ trợ từ tỉnh, huyện; diện mạo địa phương đang ngày càng đổi thay, đời sống nhân dân được cải thiện; xã đang hướng dần đến việc phát triển các thôn trung tâm (TTT) theo hướng đô thị (ĐT) gắn xây dựng Nông thôn mới (NTM).

31/03/2016
Thiệt hại gần 6.000 ha Thảo quả... người dân điêu đứng!

BHG- Mất hơn nửa số diện tích Thảo quả, người dân ở các huyện Yên Minh, Quản Bạ, thành phố Hà Giang, Hoàng Su Phì, Xín Mần đang điêu đứng khi nguồn kinh tế chính của gia đình không cho thu hoạch. Đa số các hộ trồng Thảo quả đều là hộ dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Việc mất mùa và phải vài năm sau mới phục hồi lại rừng Thảo quả có thể làm một số gia đình tái nghèo.

31/03/2016
Trồng rừng mà... chưa thành rừng!

BHG- Theo thống kê của Ban quản lý rừng phòng hộ Vị Xuyên, là đơn vị chủ đầu tư hợp đồng giao khoán cho các tập thể, cá nhân có đủ năng lực thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, trên địa bàn toàn huyện có 584,0 ha rừng trồng bị thiệt hại. Trong đó, có 503,7 ha rừng trồng phòng hộ và 80,3 ha rừng trồng sản xuất (rừng lâm nghiệp xã hội). Diện tích bị thiệt hại chủ yếu tại các khu vực vùng cao của các xã: Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Thanh Thủy, Thượng Sơn, Kim Linh...

31/03/2016
Sản xuất lâm nghiệp cơ hội và "rào cản"

BHG- Kỳ I: Cơ hội phát huy tiềm năng, thế mạnh

Trong những năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2010 – 2015, lĩnh vực lâm nghiệp nhận được sự quan tâm lớn từ người dân đến các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh. Sản phẩm từ rừng, nhất là gỗ rừng lâm nghiệp xã hội (rừng sản xuất) ngày càng đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân và sự phát triển của ngành Nông – lâm nghiệp tỉnh nhà. 

31/03/2016