Hà Giang

Chuyển đổi cơ cấu lâm nghiệp bằng giống tốt

13:05, 10/03/2016

BHG- Hiện nay, người dân vẫn sử dụng các giống cây lâm nghiệp chất lượng thấp, giá rẻ, khiến hiệu quả sản xuất không cao. 80% người dân sống bằng nghề rừng chưa đảm bảo được thu nhập. Việc đưa giống tốt vào sản xuất đang là nhiệm vụ cấp bách để tăng hiệu quả, giá trị từ cây lâm nghiệp.

Người dân xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) nhận giống cây Sa mộc về trồng rừng.
Người dân xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) nhận giống cây Sa mộc về trồng rừng.

Thiếu nguồn giống tốt

Trên địa bàn tỉnh có 13 nguồn giống được công nhận, thì chỉ có 7 nguồn giống đang trong thời hạn công nhận là: Rừng giống chuyển hóa keo tai tượng, Vườn cung cấp hom Keo lai BV10, BV32, BV16, BV73, cây Hồ đào, Thảo quả 10 khóm; và 6 nguồn giống đã hết hạn công nhận. Với 23 cơ sở hoạt động sản xuất gieo ươm cây phục vụ kế hoạch trồng rừng hàng năm, gồm 7 đơn vị quốc doanh và 16 đơn vị tư nhân. Hàng năm có khả năng gieo ươm khoảng 30,5 triệu cây, tương đương phục vụ trồng được 15.280 ha rừng. Với các cơ sở sản xuất giống và số loại giống ít ỏi như trên, số lượng giống cây sản xuất trong tỉnh chỉ đáp ứng được 57,3%, còn lại các huyện phải thu mua từ các đơn vị ngoại tỉnh như: Phú Thọ, Lào Cai... Dù hàng năm có tổ chức thẩm định nguồn gốc lô hạt giống và các huyện, thành phố kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn cây giống trước khi trồng rừng. Song chất lượng giống còn thấp, tỷ lệ giống có chất lượng tốt đem trồng rừng chỉ đạt 10%, tập trung vào các loại Keo phục vụ cho trồng rừng của các Công ty lâm nghiệp.

Hà Giang có diện tích rừng và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 556.542 ha, chiếm 71,2% diện tích đất tự nhiên. Theo đó, có 80% người dân sinh sống dựa vào đất rừng và nghề rừng. Việc đảm bảo sinh kế bền vững cho nhân dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng đang được coi là một nhiệm vụ cấp bách. Theo Phó giáo sư Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp (Trường Đại học Thái Nguyên), là đơn vị đã gắn bó với một số dự án đưa giống mới vào sản xuất ở tỉnh, cho biết: “Dù độ che phủ rừng ở Hà Giang không ngừng được nâng lên từ 54,2% năm 2011 lên 55% năm 2015, song lâm nghiệp của tỉnh phát triển còn chậm. Để phát huy tiềm năng, lợi thế của rừng và đất rừng cần khai thác theo đặc trưng thế mạnh của các vùng sinh thái khác nhau trong tỉnh. Công tác sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao chính là một trong những bước đột phá đầu tiên trong chuỗi quá trình sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Trong đó, Viện sẽ phối hợp với Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức và các đơn vị kinh doanh giống cây lâm nghiệp của tỉnh trong việc cung cấp nguồn vật liệu nhân giống chất lượng cao cho quá trình sản xuất giống để có thể cung cấp ít nhất 30 – 50% diện tích rừng trồng chất lượng cao”.

Nâng năng suất bằng giống tốt

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, trong giai đoạn 2011 – 2014, ngân sách Nhà nước đầu tư cho sản xuất lâm nghiệp chỉ đạt 72,9 tỷ đồng/năm; nguồn thu từ lâm nghiệp còn thấp đạt 565 tỷ đồng/năm, đóng góp vào GDP toàn tỉnh xấp xỉ 3,07%. Chất lượng và giá trị của rừng tự nhiên đang bị suy giảm do khai thác gỗ bất hợp pháp hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng của rừng tự nhiên vào sản xuất nông nghiệp hoặc trồng rừng.

Một trong những nguyên nhân trồng rừng chưa đem lại hiệu quả là do người dân dùng giống cây chất lượng thấp. Theo đồng chí Nguyễn Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, một trong những huyện trọng điểm về trồng rừng, bộc lộ: “Mong tỉnh có giải pháp chỉ đạo quyết liệt việc đưa giống mới vào sản xuất như: Keo, Bồ đề, Sơn ta... Xây dựng thử nghiệm mô hình trồng rừng giống mới để người dân thấy được hiệu quả, đồng thời quản lý chặt chẽ các vườn ươm giống”. Theo thống kê, trung bình 1 ha rừng sẽ đem về thu nhập khoảng trên 60 triệu đồng, trong khi rừng trồng ở tỉnh chỉ mang lại thu nhập trên 40 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế từ trồng rừng không cao nên người dân chưa mặn mà với việc trồng rừng. Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, cho rằng: “Việc quản lý giống cây còn nhiều bất cập, thực tế giống cây của tỉnh chỉ đáp ứng được 10%, còn lại huyện phải đi mua ở các tỉnh khác, do đó không kiểm soát được chất lượng giống. Hơn nữa, người dân chưa có ý thức dùng giống tốt, ham giá rẻ, chưa chăm sóc rừng tốt. Cần có giải pháp phù hợp với trình độ và nguồn vốn của người dân. Bên cạnh đó, cần phát triển các loại cây lâm sản ngoài gỗ như dược liệu”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phạm Văn Điển đánh giá: Việc đưa giống tốt vào sản xuất là cần thiết, cũng là giải pháp trọng tâm trong tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, theo phương châm trồng cây nào tốt cây đấy. Khắc phục được quan điểm kinh doanh trước đây đã làm thất bại hàng chu kỳ trồng rừng. Dùng giống mới vào sản xuất cần chọn loại cây, phân bổ theo từng huyện, về cây gỗ và ngoài gỗ. Liên kết với các đơn vị khoa học để lấy tài liệu về các loại cây dưới tán rừng, cung cấp giống tốt, hỗ trợ xây dựng mô hình. Tập trung quản lý tốt các cơ sở sản xuất giống, có chế tài cấp phép và rút phép. Có tác động vào chủ rừng, nâng cao năng lực người dân, cán bộ thôn, xã về tuyên truyền sử dụng giống tốt, kỹ thuật thâm canh, liên kết, thị trường... Sở NN&PTNT sẽ tăng cường giải pháp hỗ trợ đầu ra, hướng dẫn cách chọn giống, phân loại nguồn giống. Các huyện chỉ đạo quyết liệt trong việc đưa giống tốt vào sản xuất, quản lý vườn ươm và thu thập thông tin phản hồi từ người dân.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Điểm mới trong khôi phục sản xuất vụ Xuân ở Xín Mần

BHG- Rét, băng giá vừa qua đã làm cho sản xuất nông nghiệp vụ Xuân ở Xín Mần thiệt hại lớn. Đã có 86 con trâu, bò, dê bị chết; trên 407 ha lúa Xuân, 558 ha cỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng; gần 1.129,7 ha thảo quả và 631 ha rừng bị cháy LÁ do băng giá... ước thiệt hại trên 5,4 tỷ đồng. Vậy làm thế nào để khôi phục sản xuất!?

10/03/2016
Nộp thuế điện tử ở Yên Minh, tiện ích đi cùng sự hưởng ứng tích cực

BHG- Để giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các đơn vị hành chính sự nghiệp trong nộp thuế (NT) và phí theo đúng chỉ đạo của cấp trên. Năm 2015, Chi cục Thuế huyện Yên Minh đã triển khai tập huấn đăng ký, nộp thuế điện tử (NTĐT) tới tất cả các doanh nghiệp, HTX, đơn vị sự nghiệp hành chính trên địa bàn huyện. Từ những tiện ích, thuận lợi của dịch vụ này, các cá nhân, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ nộp thuế rất đồng tình hưởng ứng.

10/03/2016
Người dân xã Ngọc Linh nâng cao thu nhập từ trồng mía nguyên liệu

BHG- Những ngày này, trên khắp các cánh đồng mía của xã Ngọc Linh (Vị Xuyên), bà con nhân dân đang khẩn trương thu hoạch trên 34 ha mía đường. Đây là năm thứ 3 xã có nguồn thu từ trồng mía nguyên liệu. Niềm vui được mùa, được giá lan tỏa khắp mọi nẻo đường, trên từng khuôn mặt sạm đen nắng gió của người nông dân.

10/03/2016
Bắc Mê khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất vụ Xuân

BHG- Từ đầu vụ Xuân 2015 - 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Mê gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, mặc dù tiến độ làm đất, gieo mạ đã đáp ứng được khung thời vụ, xong do ảnh hưởng của các đợt rét đậm, rét hại kéo dài khiến tiến độ gieo trồng bị chậm. Một số diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện giảm hơn so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, diện tích cây lúa mới chỉ đạt khoảng trên 320 ha.

10/03/2016