Cam gối vụ - niềm vui thấp thỏm

11:06, 19/03/2016

BHG- Đầu tháng 2 âm lịch, tiết trời ấm áp, mưa Xuân lất phất giúp cho những vườn Cam sành trên đất Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình bắt đầu nảy lộc, đơm hoa. Dù đã vào mùa vụ mới, nhưng nhiều vườn Cam sành hiện rõ biểu hiện già nua, “mệt mỏi” khi vẫn phải cõng trên mình những chùm quả đỏ rực, đang chờ thu hái.

Thương lái phân loại, đóng thùng cam trước khi đưa về Hà Nội tiêu thụ.
Thương lái phân loại, đóng thùng cam trước khi đưa về Hà Nội tiêu thụ.

Bà Đặng Thị Đài, thôn Thọ Quang (Vĩnh Hảo - Bắc Quang) sau khi chia vườn cho các con, còn giữ lại mấy chục gốc Cam sành trồng trên vùng đất ven sông làm vốn, duy trì cuộc sống. Bồng đứa cháu nhỏ trên tay, bà cười rất tươi khi vườn cam sau Tết bán được giá, thương lái vào tận nơi thu mua, đóng gói, mình chỉ việc thuê người hái quả, chở ra điểm tập kết và nhận tiền. Vườn Cam sành của bà được 7 năm tuổi, 4 vụ cho thu hoạch, nhưng năm nay quả sai nhất, ước vài chục tấn, với giá bán tại vườn 18 nghìn đồng/kg, bà Đài cầm chắc trong tay số tiền kha khá. Bà Đài cho biết, nửa cuộc đời gắn bó và chứng kiến bao thăng trầm của cây Cam sành, thời bĩ cực, giá tại vườn chỉ có 500 đồng/kg, người trồng cam điêu đứng, nhiều vườn bị bỏ mặc không chăm sóc. Nhưng mấy năm nay cam được giá, cuộc sống của gia đình bà Đài và người trồng cam khấm khá hơn. Vùng cam Vĩnh Hảo đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều triệu phú, tỷ phú, sau mỗi vụ thu hoạch, nhiều ngôi nhà cao tầng, biệt thự lại mọc lên không khác gì những khu phố sầm uất.

Ông Lã Việt Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo cho biết: Vụ cam năm nay, nhiều nhà vườn Vĩnh Hảo thắng lớn nhờ giá bán ra thị trường cao. Thời điểm trước Tết Nguyên đán Bính Thân, giá tại vườn các thương lái thu mua bình quân 10 nghìn đồng/kg, nhưng đã tăng nhanh lên 18-22 nghìn đồng vào thời điểm hiện nay khi không nhiều vườn còn cam. Những nhà vườn để cam đến thời điểm hiện nay có thể cầm chắc trong tay tiền trăm triệu đồng, nhà nhiều có thể thu về hàng tỷ đồng. Cam sành được giá, nhà vườn chú trọng chăm sóc theo đúng quy trình nên chất lượng quả tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn và được thị trường chấp nhận. Bên cạnh đó, Hiệp hội Cam sành Bắc Quang đã phát huy rõ vai trò, hàng năm tổ chức tốt việc tư vấn sản xuất, liên kết tiêu thụ, mở hội thi nhằm tôn vinh, quảng bá Cam sành.

Về xã Vĩnh Hảo - vựa cam của huyện Bắc Quang ngày này, chúng tôi vẫn nhận rõ sắc Cam sành vàng rực rỡ, xen lẫn những vườn cam đã nảy nụ, đơm hoa, chuẩn bị tạo quả. Vĩnh Hảo hiện có 598ha Cam sành, trên 270ha cho thu hoạch, năm nay sản lượng có giảm so với năm trước nhưng bù lại giá cam đang có chiều hướng tăng cao. Với trên 300 hộ trồng cam, sản lượng ước đạt trên 2 nghìn tấn quả, người dân Vĩnh Hảo nắm trong tay trên 30 tỷ đồng - số tiền khổng lồ, không phải vùng nông thôn nào cũng mơ tới. Đặc biệt, những vườn cam gối vụ đang tạo ra nguồn lợi khổng lồ, nhưng đi kèm nhiều nỗi lo, bởi lẽ theo chia sẻ của nhiều nhà vườn có kinh nghiệm nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vụ mùa sau. Thời điểm này, những vườn cam thu hoạch đúng vụ, được chăm sóc đúng quy trình, đã đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái, thì những vườn vẫn còn cam trên cây đã thể hiện sự già nua, những cành có quả chưa thu hái, chưa nhìn thấy chồi lộc nào.

Nhiều vườn Cam sành vẫn còn đỏ rực quả.
Nhiều vườn Cam sành vẫn còn đỏ rực quả.

Theo ông Phạm Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Cam sành Bắc Quang, một nông dân nổi tiếng khắp vùng về sở hữu diện tích Cam sành và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này: Những vườn cam gối vụ, nếu năm sau muốn thu hoạch, đòi hỏi công chăm bón rất cầu kỳ, nhu cầu lớn hơn mức bình thường thì mới có thể giúp cây phục hồi sinh lực, mới có thể nảy lộc. Còn anh Trần Xuân Chiến, người trồng cam thôn Vĩnh Chinh (Vĩnh Hảo) cho biết, vườn nhà anh cũng có năm để gối vụ, giá bán, thu nhập có cao hơn, nhưng năm sau lại tốn rất nhiều phân bón, ấy vậy năng suất vẫn bị giảm đi rất nhiều bởi cây không kịp nảy lộc đơm hoa đúng khung thời vụ. Không những vậy, việc vắt kiệt sức lực của cây cam, cùng với khâu chăm bón chưa đủ chất dinh dưỡng, rất dễ ảnh hưởng đến tuổi thọ của vườn cam. Sau nhiều năm theo dõi, anh Chiến đúc rút kinh nghiệm để cam gối vụ, cầm số tiền lớn trong tay, sướng thật đấy, nhưng niềm vui luôn thấp thỏm. Bởi ngay sau đó phải bỏ ra số tiền lớn để mua phân bón, thuê người bón thúc giúp cây hồi phục nhanh vậy mà sản lượng mùa sau vẫn bị giảm... từ đó anh luôn thu hoạch đúng vụ, giá thấp hơn một chút nhưng độ an toàn cao hơn.

Tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 5.709 ha cam, quýt, trong đó 1.600 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 13.550 tấn, diện tích trồng tập trung chủ yếu ở Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Riêng huyện Bắc Quang có trên 3.106 ha đất trồng cam, quýt, trên 1 nghìn ha cho thu hoạch, vùng trồng tập trung, thâm canh Cam sành tại các xã Vĩnh Hảo trên 598 ha, Tiên Kiều 441 ha, Việt Hồng 222 ha, Đông Thành 294 ha, thị trấn Vĩnh Tuy trên 50 ha... năng suất trung bình 15-20 tấn/ha. Vài năm trở lại đây, giá Cam sành được nâng lên, góp phần giúp người trồng cam nâng cao thu nhập. Tuy cam được giá, nhưng một bộ phận người dân chưa ý thức giữ gìn và phát triển thương hiệu, có hộ còn sử dụng không hợp lý các hóa chất bảo quản. Ngay đợt trước Tết Nguyên đán Bính Thân, lực lượng chức năng huyện Bắc Quang đã mạnh tay xử lý hành động sử dụng thuốc bảo quản, buộc tiêu hủy 4 tấn cam và xử phạt 20 triệu đồng đối với hộ vi phạm.

Cam sành Hà Giang từ lâu vốn nổi tiếng, được người tiêu dùng biết đến, nhưng những yêu cầu kỹ thuật như xây dựng thương hiệu, hay chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này vẫn chưa có. Chính vì vậy, nên mới có chuyện nhiều thương lái bán cam không rõ nguồn gốc nhưng vẫn nói Cam sành Hà Giang. Không đâu xa, năm 2015 vừa qua, khi những quả Cam sành còn xanh, chưa có trên thị trường, thì tại Hà Nội, nhiều tiểu thương đã trưng biển bán Cam sành Hà Giang. Anh Thọ, thương lái xã Vĩnh Hảo chuyên đánh xe Cam sành về chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) cho biết: Mỗi lần chở về chợ đầu mối khoảng 5 tấn cam, chỉ trong vài tiếng đã phân phối hết, nhưng khi phân lẻ cho các tư thương, rất có thể sẽ bị trộn thêm cam không rõ nguồn gốc để bán kèm, vì nhìn bên ngoài không có sự khác nhau, nếu không sớm có giải pháp bảo vệ, Cam sành Hà Giang rất dễ bị “mắng oan” khi người tiêu dùng mua phải Cam sành rởm. Bên cạnh đó, cũng mải chạy theo lợi nhuận, nhiều nhà vườn để cam gối vụ nên chất lượng, mẫu mã không ổn định, năng suất vụ sau sẽ giảm, tuổi thọ cây cam không cao.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thành công "Dồn điền – đổi thửa" ở Hạ Thành

BHG- Sau gần 2 tháng UBND huyện Quang Bình bắt tay chỉ đạo công tác "Dồn điền – Đổi thửa" tại thôn Hạ Thành, xã Bằng Lang đã mang lại kết quả. Chính quyền cơ sở đồng tình, nhân dân ủng hộ. Sản phẩm của công tác "Dồn điền – Đổi thửa"  là vụ Xuân năm nay đã cấy trên cánh đồng mẫu lớn rộng trên 5,2 ha. Giải pháp sản xuất "5 cùng" được thực hiện khiến nhiều nơi muốn học hỏi, làm theo...  

19/03/2016
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - hướng đi mới trên đất một vụ tại xã Đồng Tâm

BHG- Xã Đồng Tâm cách trung tâm huyện Bắc Quang 30 km về phía Đông; có tổng diện tích đất tự nhiên trên 6.200 ha, trong đó đất nông nghiệp có 442 ha, đất lâm nghiệp 3.480 ha, còn lại là đất khác. Là xã có điểm xuất phát kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, tập quán canh tác lạc hậu cùng nhiều diện tích đất nông nghiệp thiếu nước tưới. 

19/03/2016
Hoàng Su Phì đối mặt với nguy cơ mất mùa Thảo quả

BHG- Đợt rét đậm, rét hại vào cuối tháng 1.2016 vừa qua khiến gần 1.600 ha thảo quả tại huyện Hoàng Su Phì đang đối mặt với nguy cơ mất trắng. Đối với người dân nơi đây vốn xem thảo quả là cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên chỉ sau một trận băng, tuyết những cánh rừng trồng thảo quả vốn xanh biếc thì nay đã thay bằng màu vàng úa của cây thảo quả héo khô.

17/03/2016
Hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình trồng rừng, kiểm kê rừng năm 2015

BHG- Sáng 17.3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố tổng kết chương trình trồng rừng, kiểm kê rừng năm 2015 và tình hình hạn hán trong vụ Xuân 2016. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.

17/03/2016