Hà Giang

Bắc Quang, nghề làm lá giang giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn

07:27, 11/11/2015

BHG- Bắc Quang là huyện có nhiều diện tích đất đai màu mỡ, thích hợp trồng cây nguyên liệu giấy họ tre, nứa như: Giang, hốc, nứa... Đặc biệt, những năm gần đây, một số xã ở Bắc Quang đã nổi lên “phong trào” làm lá giang để phát triển kinh tế và ngày càng xuất hiện thêm nhiều cơ sở thu mua và chế biến lá giang; kéo theo hoạt động đó là một bộ phận không nhỏ lao động nông thôn đã được giải quyết việc làm lúc nông nhàn, đem lại thu nhập lớn cho bà con nông dân.

Nhiều cơ sở thu mua chế biến lá giang xuất hiện ở Bắc Quang, tạo việc làm cho người lao động. Trong ảnh: Một buổi nhặt lá giang khô tại cơ sở do chị Nguyễn Thị Nhạn làm chủ tại xã Quang Minh.
Nhiều cơ sở thu mua chế biến lá giang xuất hiện ở Bắc Quang, tạo việc làm cho người lao động. Trong ảnh: Một buổi nhặt lá giang khô tại cơ sở do chị Nguyễn Thị Nhạn làm chủ tại xã Quang Minh.

Tre, nứa là loại cây dễ sống, thường mọc thành khóm lớn, càng hái lá càng mọc nhiều. Đây là nguyên liệu phổ biến trong chế biến các vật dụng thủ công, mỹ nghệ mang đậm phong cách Việt. Theo tìm hiểu được biết, hiện nay, ở các xã Quang Minh, Việt Vinh, Tân Quang, Tân Thành (Bắc Quang) ngày càng xuất hiện thêm nhiều cơ sở thu mua, chế biến lá giang. Nhiều chị em phụ nữ đã bỏ nghề trồng rau đi chợ bán, tập trung hái bán và nhặt thuê lá giang để tăng thu nhập.

Chị Nguyễn Thị Nhạn, chủ một cơ sở thu mua và chế biến lá giang ở xã Quang Minh, Bắc Quang cho biết: “Trước năm 2012, gia đình tôi làm lò thủ công, số lượng hạn chế, phụ thuộc thời tiết nên lá hay bị mốc, chất lượng thành phẩm kém. Từ năm 2013, tôi quyết định đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây xưởng công nghiệp sấy hơi, với diện tích hơn 4.000 m2 để làm xưởng chế biến. Lúc chính vụ, mỗi ngày sử dụng khoảng 80 lao động làm những công việc như kẹp, rút lá, đốt lò, sấy hơi và phơi lá. Tôi trả công theo sản phẩm ngày và tháng. Đốt lò sấy hơi máy, yêu cầu kỹ thuật và thức đêm tôi trả 3,5 triệu đồng/tháng. Còn việc xếp lá tươi lên xe, rút, kẹp và nhặt lá tươi và khô trả theo sản phẩm, người làm nhanh bình quân mỗi ngày nhặt đạt 2 tạ/ngày, được 300 nghìn. Người nhặt chậm cũng đạt khoảng 100 - 150 nghìn.”

Giang là loại cây họ tre mọc tự nhiên, lá to, mỏng nhẹ nên rất dễ hái và nhặt; lá giang sinh trưởng tốt, nên ít khi thiếu hàng. Hiện nay, giá thu mua lá giang tươi được chia làm 2 loại, lá to đẹp có giá 9.000 đồng/kg, xấu có giá 7.500 đồng/kg. Giá thu mua lá tre khô dao động từ 24 – 28.000 đồng/kg. Lá giang được chia làm 2 loại: Loại A dài 42 cm, ngang 9 cm; loại B dài 40 cm, ngang 7 cm. Lá thành phẩm yêu cầu phải to bản, lành lặn, không rách, không bị đốm. Theo tìm hiểu được biết, lá giang chế biến và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Vào những ngày nông nhàn, hầu hết bà con các xã lại rủ nhau đi nhặt lá giang thuê. Việc nhặt lá cũng không có khung thời gian quy định, có thể làm bất cứ lúc nào rảnh, kể cả đêm lẫn ngày, nên rất chủ động sắp xếp thời gian. Việc nhặt lá giang chủ yếu để phân loại các loại lá theo chất lượng để xuất bán, loại lá này thường được dùng để gói bánh.

Theo chị Triệu Thị Ngần, thôn Tân Hùng, xã Hùng An cho biết: “Tôi nhặt lá giang ở đây, trung bình mỗi ngày được gần 200 nghìn; thích đến nhặt lúc nào rảnh cũng được, nên rất tiện sắp xếp thời gian”. Còn chị Nguyễn Thị Luật, người nhặt lá giang ở thôn Hoàng Văn Thụ, xã Quang Minh chuyên đi hái lá giang bán cho biết, mỗi ngày chị hái được khoảng 40 – 50 kg lá giang, thu được hơn 300.000 đồng/ ngày.

Hiện nay, cả xã Quang Minh có 5 lò sấy lá giang, xã Tân Thành có trên 30 lò sấy, Tân Quang có gần 20 lò sấy, xã Việt Vinh đã có 9 cơ sở đăng ký sản xuất với trên 20 lò, có những thời điểm có cơ sở thu hút hàng trăm nhân công. Với hơn 2.000 ha rừng của huyện Bắc Quang và các vùng lân cận, đã cho các lò sấy lá ở đây một nguồn nguyên liệu dồi dào. Rất nhiều hộ dân đã thoát nghèo, tăng thu nhập đáng kể nhờ lên rừng hái lá, nhặt thuê lá giang. Mùa hái lá bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11 (âm lịch). Cành cây giang hay tre bát độ khá mềm, đứng dưới đất víu xuống là có thể hái được lá. Ở thôn Hoàng Văn Thụ, xã Quang Minh có gần 60 hộ thường xuyên đi hái lá giang, bình quân mỗi ngày đi hái 1 người có thể kiếm được hơn 100 nghìn đồng/ngày. Các chủ lò sấy cho biết, mùa thu hái lá giang sẽ kéo dài từ khoảng tháng 8 đến tháng 10. Được biết, sau khi chọn lọc, lá giang sẽ được kẹp vào nẹp tre rồi sấy trong lò nhiệt qua đêm để lá khô bớt nước. Tỷ lệ hao hụt sau khi sấy là 50 %. Sau đó, lá giang được xả ẩm bằng cách phun nước cho mềm trở lại rồi đóng kiện. Lá giang xuất khẩu đủ tiêu chuẩn phải là lá to, bản rộng, dài và đẹp. Theo một số chủ hộ cho biết, đầu tư một lò sấy thủ công chỉ khoảng 15 – 20 triệu/lò, nhưng nếu sản xuất quy mô làm lò công nghiệp thì phải có từ 700 trăm triệu đồng đến 1 tỷ tiền vốn để đầu tư nhà xưởng, máy sấy hơi, xe cộ, thuê ổn định vài chục nhân công.

Công nhân vận hành máy sấy hơi ép, làm khô lá giang tại xã cơ sở xã Quang Minh.
Công nhân vận hành máy sấy hơi ép, làm khô lá giang tại xã cơ sở xã Quang Minh.

Đến thăm hộ bác Trần Giao Thừa ở xã Tân Quang, bác cho biết: Vào chính vụ, mỗi tháng gia đình tôi trả tiền cho gần 20 lao động tất cả 40 – 50 triệu đồng. Số tiền thu được của các lao động làm việc tại các lò sấy cũng không ít. Tôi tính, Tân Quang có khoảng 20 lò sấy, mỗi lò sử dụng bình quân hơn 10 lao động, tiền công trung bình hơn 100 nghìn đồng/người/ngày, thì một năm số tiền công trả cho nhân công khoảng 10 tỷ đồng cơ đấy”.

Tham khảo ý kiến người thu mua và dân nhiều nơi cho thấy việc thu hái, chế biến lá giang nhiều như hiện nay tạo ra nhiều cơ hội giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, nguồn lá giang bị khai thác cũng giảm dần; đặc biệt, nhiều người còn chặt hẳn cây tre về hái lá cho dễ. Trước mắt và lâu dài, việc thu hái lá giang nhiều sẽ làm giảm tuổi thọ của cây, đặc biệt cây tre hay được trồng ở khu vực đầu nguồn nước, bờ sông, suối, rễ tre bám đất để chống xói mòn, lở đất, vào mùa mưa lũ...

Anh Nguyễn Song Toàn, Phó trưởng Phòng Công thương huyện Bắc Quang, cho biết: “Cho đến thời điểm hiện tại, không thể thống kê được chính xác số lượng cơ sở sản xuất lá giang toàn huyện Bắc Quang. Vì có nhiều hộ làm manh mún nhỏ lẻ chưa có giấy tờ đăng ký. Có thể nói, nghề thu hái và chế xuất lá giang là nghề tự phát, đang được nhân dân nhiều xã phát triển, mở rộng. Đã phần nào giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn trước mắt, nhưng nếu quy mô sản xuất được mở rộng thì chắc chắn nguồn nguyên liệu sẽ trở nên khó khăn”.

Để đảm bảo tính bền vững cho sản xuất chế biến lá giang, chính quyền địa phương cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ trong việc khai thác lá giang; tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu phát triển, bảo vệ rừng tự nhiên, thu hái theo quy trình để cây kịp sinh trưởng.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn với những chương trình hỗ trợ chăn nuôi, sản xuất

BHG- Là huyện biên giới có nhiều khó khăn trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp, đó là diện tích đất canh tác ít ỏi, nước phục vụ cho sản xuất vô cùng thiếu, mặt bằng dân trí còn thấp nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế... Trước thực tế đó, Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện đã có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân ở Đồng Văn từng bước vượt qua những khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi; nâng cao năng suất cây trồng, giảm sức lao động, từng bước XĐGN, góp phần bảo vệ chủ quyền biên cương của Tổ quốc.

31/10/2015
Họp Ban tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung

BHG- Ngày 29.10, Ban tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung tổ chức họp bàn công tác chuẩn bị cho hội chợ. Dự buổi họp có lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Ban tổ chức; Công ty tổ chức Hội chợ Quốc tế Vinexpo. 

31/10/2015
Xu hướng phát triển từ bách hóa đến siêu thị mi-ni ở Bắc Quang

BHG- Những năm gần đây, hệ thống cửa hàng bách hóa, siêu thị mi-ni ở huyện Bắc Quang xuất hiện ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về giá cả, cũng như chất lượng sản phẩm. Xu hướng phát triển này cũng đã góp phần vào chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong thời gian qua của ngành Công thương.

31/10/2015
Cơ hội cho người dân nông thôn đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống

BHG- Phạm vi, đối tượng cho vay rộng, thủ tục hồ sơ đơn giản, số tiền cho vay lớn, có nhiều chính sách hỗ trợ đối với các cá nhân, gia đình ở khu vực nông thôn hoặc sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là những ưu điểm của chính sách tín dụng mới được ban hành. Điều này đã tạo cơ hội cho nhiều hộ ở nông thôn mạnh dạn vay vốn phát triển SXKD.

29/10/2015