Hà Giang

Chè Shan tuyết – cây kinh tế mũi nhọn của người dân xã Tiên Nguyên

07:51, 03/09/2015

BHG- Xác định chè là cây kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào công cuộc XĐGN cho nhân dân địa phương; thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Tiên Nguyên (Quang Bình) đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con nhân dân mở rộng vùng chè, nâng cao chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm chè Shan tuyết Tiên Nguyên.

Gia đình cô Triệu Mùi Phin (người ngoài cùng bên trái) đang thu hoạch búp chè.
Gia đình cô Triệu Mùi Phin (người ngoài cùng bên trái) đang thu hoạch búp chè.

Trong tiết trời oi nóng của những ngày tháng 7, chúng tôi đến thăm gia đình cô Triệu Mùi Phin ở thôn Thượng Bình, cách trung tâm xã hơn 4 km về phía Đông. Bên ấm chè xanh do chính gia đình tự tay trồng, hái, sao chế; cô Phin chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về cây chè đã gắn bó “ba đời” với gia đình. Cây chè gắn bó với gia đình cô từ đời ông cụ đến nay, vẫn còn lại được vài cây cổ thụ gần trăm năm tuổi; hiện gia đình cô đang trồng và chăm sóc khoảng hơn 1,5 ha chè. Đất đai, khí hậu phù hợp nên cây chè của gia đình phát triển tốt, tuổi trung bình từ 20 – 30 năm; nhiều cây có từ 40 – 50 năm tuổi, cho thu hoạch 4 vụ/năm. Cô kể: “Trước đây, đường sá đi lại rất khó khăn, dân trong thôn phải dùng ngựa thồ mới mang được chè ra xã hay sang bên Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) để bán. Giờ đường rộng, xe máy, xe ô-tô đi vào tận thôn thu mua chè”. Để đảm bảo chất lượng chè, gia đình cô Phin đầu tư hơn 10 triệu đồng mua máy chế biến chè (một máy sao và một máy vò). Mỗi vụ cho thu hoạch 8 – 9 tạ chè khô, khoảng 70 – 80 nghìn đồng/kg chè vàng. Thu nhập từ chè vào khoảng 40 – 50 triệu đồng/ năm. Cũng vươn lên XĐGN nhờ trồng chè; gia đình anh Lò Dùn Chiêu (thôn Thượng Bình) hiện sở hữu khoảng 2 ha chè, thu hoạch mỗi năm khoảng 1,5 tấn chè khô. Hiện, chè vàng có giá khoảng chừng 20 – 30 nghìn/kg, giá bán chè khô dao động từ 70 – 80 nghìn/kg, đặc biệt vụ cuối năm giá chè có thể lên đến 100 – 120 nghìn/kg. Do đó, thu nhập từ cây chè cho gia đình anh Chiêu cũng được hơn 50 triệu đồng/năm. Ngoài trồng chè, gia đình anh còn chăn nuôi dê thịt với khoảng 50 con, cho thu nhập khá.

Tiên Nguyên là một xã vùng cao cách trung tâm huyện Quang Bình gần 30 km về phía Đông Bắc. Đất đai, khí hậu nơi đây rất phù hợp cho việc phát triển cây chè Shan tuyết; cây chè ở đây có hương vị thơm ngon, tinh khiết. Những năm gần đây, cây chè được xác định là cây phát triển kinh tế mũi nhọn, góp phần XĐGN và làm giàu chính đáng cho người dân Tiên Nguyên. Vì vậy, xã đã tập trung chỉ đạo các thôn, bản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trồng và chăm sóc cây chè, thành lập nhiều Nhóm sở thích, Tổ sản xuất tại địa phương. Đến nay, 14/14 thôn phát triển trồng chè với tổng diện tích chè toàn xã là 782 ha, trong đó 610 ha đang cho thu hoạch, năng suất đạt từ 40 – 45 tạ/ha. Trên địa bàn xã hiện có một xưởng chế biến chè của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Quang Bình (Công ty mẹ là Công ty Hiệp Thành tại Hà Nội) đã hoạt động từ năm 2006. Công ty tạo thương hiệu với sản phẩm chè Shan tuyết hữu cơ Tiên Nguyên hiện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Để đảm bảo năng suất, chất lượng của sản phẩm, Công ty thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nhân dân, hỗ trợ kỹ thuật canh tác chè, khuyến khích bà con dùng phân ủ, phân xanh và sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học cho cây trồng. Mỗi năm, xưởng sản xuất chè của Công ty thu mua và chế biến 120 – 200 tấn chè búp tươi, trung bình sản lượng 30 – 40 tấn chè khô/năm, chiếm đến 40% sản lượng chè toàn xã. Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động, lao động chính vụ lên đến hơn chục người, với mức thu nhập từ 2,5 – 35 triệu đồng/người/tháng.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tiên Nguyên, Nguyễn Văn Tiến cho biết: Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 12 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 28% theo rà soát đầu năm 2015. Hầu hết các gia đình đều sắm sửa được ti vi, xe máy; nhiều hộ đầu tư máy chế biến chè mini, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng lên trông thấy. Tuy nhiên, thực tế địa phương là một xã vùng III còn rất nhiều khó khăn, đến nay, còn 12/14 thôn chưa có điện lưới Quốc gia. Việc áp dụng KHKT vào sản xuất chè còn nhiều hạn chế, hiện nay, người dân vẫn chủ yếu làm thủ công nên năng suất, chất lượng và hiệu quả cây chè đem lại chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Do đó, cần có sự quan tâm và đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng, sản lượng và tạo thương hiệu bền vững cho chè Shan tuyết Tiên Nguyên.

YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì đẩy mạnh chăm sóc lúa Mùa

BHG- Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nắng nóng, khô hạn kéo dài nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời cũng như có các giải pháp cụ thể, đến thời điểm này, huyện Hoàng Su Phì đã gieo cấy xong lúa Mùa; bà con nông dân tại các địa phương đang tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa.

28/08/2015
Tổng kết dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá (giai đoạn 2008 – 2015)

BHG - Ngày 28.8, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng (ĐTBV và PTR) 4 huyện vùng cao núi đá (giai đoạn 2008 – 2015). 

28/08/2015
Hiện đại hóa ngành Hải quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

BHG- Hải quan Hà Giang phấn đấu đến năm 2020 trở thành một trong những cơ quan đi đầu thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa (HĐH) ; các thủ tục và chế độ quản lý hải quan đơn giản, hiệu quả, hài hòa và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; thủ tục hải quan (TTHQ) chủ yếu được thực hiện bằng phương thức điện tử; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro một cách hệ thống trong các khâu nghiệp vụ hải quan - ông Lê Ngọc Hiệu, Phó cục trưởng Cục Hải quan Hà Giang chia sẻ!

27/08/2015
Kho bạc Nhà nước Hà Giang 25 năm xây dựng và phát triển

BHG- Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Giang được thành lập cùng với sự tái lập tỉnh tháng 10.1991. Từ chỗ có 9 KBNN huyện và Văn phòng KBNN tỉnh, với 4 phòng nghiệp vụ, 103 cán bộ, công chức (CBCC); đến nay, KBNN tỉnh đã có 10 KBNN huyện trực thuộc và 10 phòng nghiệp vụ tại Văn phòng KBNN tỉnh, với 208 biên chế. 

27/08/2015