Hà Giang

Hoàng Su Phì xây dựng "Nhóm sở thích sản xuất"

07:23, 04/08/2015

BHG- Khắc phục thực trạng người dân thường có thói quen sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, manh mún; huyện Hoàng Su Phì đã xây dựng kế hoạch, triển khai thành lập các “Nhóm sở thích sản xuất” (NSTSX) cho nông dân theo phương châm: Tổ chức sản xuất trên khu vực liền khu, liền khoảnh, có lịch gieo trồng cụ thể nhằm khắc phục dần tình trạng sản xuất manh mún, thiếu tính tập thể, tính liên kết, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.

Nhóm sở thích nuôi dê ở thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu thường xuyên sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi.
Nhóm sở thích nuôi dê ở thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu thường xuyên sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi.

Từ cuối năm 2013, thôn Cóc Coọc, xã Sán Sả Hồ được huyện chọn làm điểm để triển khai thực hiện mô hình NSTSX. Qua tổ chức họp thôn để triển khai nội dung được đông đảo người dân trong thôn đồng tình ủng hộ, qua đó đã hình thành được 2 NSTSX dựa trên nhu cầu thực tế và sở thích mà các hộ đăng ký tham gia. Một nhóm sản xuất trồng ngô, đậu tương với sự tham gia của 16 hộ, đăng ký trồng 4 ha; nhóm còn lại trồng lúa với 26 hộ tham gia, đăng ký trồng 5 ha; các nhóm sẽ được hỗ trợ vốn để mua giống, phân bón...

Anh Lù Ngọc Ngương, Bí thư Chi bộ thôn Cóc Coọc, đồng thời là Tổ trưởng của NSTSX chia sẻ: Với vai trò là Tổ trưởng do người dân tín nhiệm bầu lên, anh Ngương cùng một tổ phó có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc mọi người trong nhóm sản xuất thực hiện các công việc theo nội dung đã đăng ký. Đồng thời, huy động mọi người trong nhóm phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau từ khâu làm đất, chăm sóc cây trồng đến khi thu hoạch; hàng tháng tổ trưởng sẽ tổng hợp kết quả thực hiện của các nhóm để báo cáo tại mỗi cuộc họp thôn... Cũng theo anh Ngương, điều quan trọng khi người dân tham gia NSTSX sẽ được tập huấn, tư vấn về kỹ thuật; có cơ hội được trao đổi, tiếp nhận thông tin thị trường, giá cả cũng như thăm quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Trong quá trình sản xuất, các thành viên trong nhóm vừa phát huy được cây trồng theo sở thích của mình lại vừa được hỗ trợ giá, lãi suất theo mức quy định đối với từng loài giống cây trồng, vật nuôi. Nếu bị thiệt hại, mất mùa do thiên tai thì sẽ được xem xét hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, qua đó giúp cho người dân yên tâm sản xuất.

Đến nay, sau gần 2 năm triển khai thực hiện mô hình, toàn huyện đã có 19 nhóm đăng ký và phát huy hiệu quả hoạt động, tiêu biểu như: Nhóm sở thích trồng lúa, ngô, đậu tương ở thôn Cóc Có, xã Pố Lồ với gần 40 hộ tham gia; nhóm sở thích chăn nuôi dê gồm 13 hộ ở thôn Chiến Thắng, xã Hồ Thầu; nhóm sở thích trồng ngô Xuân, đậu tương, lúa Hè - thu với trên 250 hộ tham gia ở thôn Nắm Ản, xã Tụ Nhân... Các nhóm sở thích hoạt động theo tinh thần tự nguyện, căn cứ vào thực tế từng thôn, bản để người dân chủ động xây dựng quy chế hoạt động của nhóm; quyết định việc lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế, đất đai, kinh nghiệm và phong tục tập quán của từng địa phương.

Đồng chí Nguyễn Quang Duẩn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT của huyện cho biết: Việc xây dựng mô hình sản xuất theo NSTSX nhằm tạo ra vùng hàng hóa tập trung, đồng nhất trong sản xuất. Mọi người trong thôn, bản có thể thực hiện cùng giống, cùng làm đất, cùng gieo trồng, cùng chăm sóc cây trồng thâm canh theo đúng kỹ thuật và cùng thu hoạch. Qua đó, sẽ hạn chế được bệnh hại, tăng năng suất cây trồng và bước đầu hình thành vùng sản xuất lớn theo hình thức sản xuất hàng hóa... Bên cạnh đó, mô hình còn tạo điều kiện cho các hộ còn thiếu kinh nghiệm sản xuất được học tập thực tế từ các hộ khác trong tổ thông qua quá trình cùng thực hiện sản xuất trên đồng ruộng; thuận lợi cho việc hướng dẫn kỹ thuật cho người dân áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hóa; đảm bảo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng Nông thôn mới theo quy hoạch.

Có thể thấy, mô hình NSTSX đã và đang dần tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, thiếu tính tập thể, tính liên kết của người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy được hiệu quả và nhân rộng trong thời gian tới, rất cần có sự vào cuộc của chính quyền các cấp và ngành chuyên môn trong việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ người dân KHKT cũng như giống cây, con chất lượng tốt... Có như vậy, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp mang lại mới bền vững.

TIẾN LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

19 con trâu chết cùng thời điểm ở thôn Khuổi Dò, xã Bạch Ngọc (Vị Xuyên)

BHG - Chiều 30. 7, sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo xã Bạch Ngọc đã cử cán bộ đến thôn Khuổi Dò kiểm tra việc 19 con trâu chết chưa rõ nguyên nhân. 

31/07/2015
19 con trâu chết hàng loạt tại thôn Khuổi Dò, Bạch Ngọc là do sét đánh

BHG - Ngay sau khi nhận được tin báo của UBND xã Bạch Ngọc phát hiện đàn trâu 19 con của 8 gia đình tại thôn Khuổi Dò chết chưa rõ nguyên nhân tại bãi chăn thả gia súc tập trung của thôn. Chiều 31/7, đồng chí Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra, chỉ đạo ngành chức năng trên địa bàn tìm rõ nguyên nhân và tiến hành xử lý. 

31/07/2015
Cánh đồng ngô "5 cùng" thay đổi cách sản xuất truyền thống ở Quản Bạ

BHG- Bước vào vụ ngô năm nay, nông dân Quản Bạ rất phấn khởi khi những cánh đồng ngô trải dài khắp thung lũng đều được mùa. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện, diện tích ngô vụ này trồng được 5.045ha, đạt 84% kế hoạch. Trong đó, ngô lai có diện tích là 2.733ha gồm các giống NK4300, NK 54, NK 66, CP989, CP 999...

30/07/2015
Huyện Quang Bình khánh thành cơ sở chế biến chè chất lượng cao

BHG- Ngày 28.7, huyện Quang Bình phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Phát triển chè Quang Bình tổ chức Lễ khánh thành cơ sở chế biến chè chất lượng cao gắn với Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp huyện Quang Bình tại thôn Nà Tho, xã Tân Bắc. 

29/07/2015